11 dấu hiệu mèo bị bệnh bạn không nên bỏ qua

Không giống như người, thú cưng không thể nói rằng mình bị đau hay bị bệnh. Chúng chỉ thể hiện thông qua các triệu chứng bên ngoài. Dưới đây là các dấu hiệu mèo bị bệnh mà bạn nên lưu ý để đưa chúng đi thú y kịp thời.

1. Dấu hiệu mèo bị bệnh

a. Thay đổi thói quen ăn uống

– Mèo bệnh bỏ ăn

Nếu bé mèo của bạn gần đây tỏ ra không thích thú với những món ăn ngon thì hãy lưu ý. Mèo bỏ ăn có thể là dấu hiệu của tình trạng mèo bị nhiễm ký sinh trùng máu, ký sinh trùng đường ruột, ung thư hoặc đau răng. Mèo bị ốm không chịu ăn có thể là dấu hiệu của vấn đề răng miệng bao gồm viêm lợi, viêm nha chu và viêm miệng, dẫn đến tiêu chân răng nhiều nơi. Chúng cũng bị tích tụ cao răng và gãy răng.

– Uống nước quá nhiều: cũng là một trong những cách nhận biết mèo bị bệnh. Nó có thể là dấu hiệu mèo bị bệnh thận, tiểu đường hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Đây đều là những căn bệnh ở mèo phổ biến và gây nguy hiểm cho mèo. Để biết được những triệu chứng và nguyên nhân của bệnh, bạn có thể tham khảo theo các hướng dẫn sau:

Cách nhận biết mèo bị bệnh

– Mèo đột nhiên ăn quá nhiều

Tương tự như mèo ốm không ăn, mèo ăn quá nhiều cũng có thể là vấn đề. Bình thường mèo của bạn chỉ ăn 1 bát hạt và nửa chén pate nhưng hôm nay bỗng nhiên nó muốn ăn nhiều hơn bình thường. Điều này cho thấy rằng đang có một căn bệnh tiềm ẩn làm cho mèo cảm thấy khó chịu và chúng biểu hiện bằng triệu chứng thèm ăn.

b. Thay đổi thói quen chải chuốt, liếm láp

– Mèo ngừng chải chuốt

Mèo là loài động vật sạch sẽ, chúng thường xuyên liếm láp để làm sạch và chải chuốt cho bộ lông mượt mà. Nhưng đến một ngày bạn thấy lông của chúng xơ xác, bết, không còn mượt như trước nữa, thì đây cũng là dấu hiệu mèo bị bệnh.

Mèo bị thừa cân, béo phì gặp khó khăn trong việc chải chuốt. Tình trạng béo phì ở mèo gây ra nhiều hệ lụy khác như ung thư, tiểu đường, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, những con mèo lớn tuổi thường ngừng liếm láp chải chuốt cơ thể thường là do chấn thương, viêm khớp, lão hóa và các bệnh răng miệng.

– Chải chuốt quá mức: Giống như khi mèo ngừng chải chuốt, việc chải chuốt quá mức cũng có thể là một dấu hiệu mèo ốm. Và các dạng bệnh mèo hay mắc phải khác nhau từ tâm lý như lo lắng, căng thẳng, buồn chán hoặc có thể do bọ chét, nhiễm trùng, dị ứng, phản ứng bất lợi với thức ăn, hoặc thậm chí rối loạn nội tiết tố. Để biết rõ hơn, bạn có thể xem thêm nguyên nhân và cách chữa trị khi mèo liếm láp quá mức.

c. Thay đổi hành vi

– Mèo ngừng kêu

Nếu như bạn thấy chú mèo của bạn đột nhiên ngừng kêu meo meo, ngừng giao tiếp, nói chuyện với bạn nữa thì đây cũng là biểu hiện mèo bị ốm. Bạn nên chú ý theo dõi, nếu thấy bất ổn hãy đưa em mèo đi khám thú y. Bạn phải luôn quan sát chú mèo của mình để dù cho có những thay đổi nhỏ nhất thì bạn vẫn phát hiện ra, đừng để đến khi quá muộn.

Mèo biếng ăn ngủ nhiều là bệnh gì

– Mèo kêu nhiều

Ngược lại, mèo kêu nhiều cũng là một vấn đề đáng báo động. Mèo kêu meo meo để giao tiếp với chúng ta. Chúng muốn tâm sự, chia sẻ nhưng rồi đến một ngày đột nhiên mèo kêu liên tục và mèo kêu tiếng lạ (rên rỉ, gầm gừ, kêu rít, mèo kêu như em bé khóc), bạn nên đưa mèo đi khám ngay. Mèo bị ốm bỏ ăn và kêu nhiều là một dấu hiệu cho thấy mèo bị bệnh, hoặc đơn giản nó cũng có thể là dấu hiệu mèo đòi hỏi một thứ gì đó. Để biết chính xác hơn, bạn có thể đọc thêm “Các nguyên nhân khiến mèo kêu nhiều“.

– Sử dụng nhà vệ sinh cho mèo không đúng chỗ

Có rất nhiều lý do khiến mèo đi vệ sinh không đúng chỗ. Đó có thể là do sự thay đổi về nơi đi vệ sinh, do cát mèo hoặc do ảnh hưởng môi trường ồn ào. Tuy nhiên, đây cũng có thể dấu hiệu mèo bị bệnh. Chúng có thể đang gặp vấn đề với xương khớp, ung thư, viêm bàng quang kẽ, sỏi thận hoặc mèo nhiễm trùng đường tiết niệu. Chúng thường đi kèm với các triệu chứng khác kèm theo. Ngay khi bạn phát hiện mèo của bạn như vậy, bạn nên đưa ngay em nó đi khám bệnh.

– Cáu kỉnh, gắt gỏng

Nếu em mèo ngọt ngào, dễ thương của bạn đột nhiên trở nên cáu kỉnh, gắt gỏng thì đây có thể là dấu hiệu mèo bị bệnh. Khi mèo gắt gỏng, cáu kỉnh có thể là chúng đang phải chịu đựng sự đau đớn. Ví dụ khi mèo của bạn bị đau khớp hoặc đau lưng nó sẽ cáu gắt nếu bạn chạm vào chỗ đau của chúng. Bệnh cường giáp cũng làm cho mèo của bạn hiếu động, nhưng đôi khi lại mang thái độ thù địch với bạn.

– Mèo trốn

Khi mèo bị bệnh, chúng thường trốn và ẩn nấp theo bản năng. Điều này giúp mèo bảo vệ bản thân trước những kẻ thù trong tự nhiên. Việc mèo ẩn nấp, trốn tránh cũng là cách mèo muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

Ẩn nấp là một trong những dấu hiệu mèo bị bệnh

Tất cả những chú mèo đều cần nghỉ ngơi, nhưng nếu mèo của bạn bắt đầu biến mất một cách thường xuyên trong một thời gian dài cộng thêm thay đổi cách sinh hoạt thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Các triệu chứng bệnh của mèo thường không quá rõ rệt hay khác biệt, vì vậy bạn cần tỉ mỉ quan sát chúng để thấy được những thay đổi đó.

Vậy làm gì khi mèo trốn tránh và ẩn nấp? Bạn có thể xem thêm các cách xử lý khi mèo trốn và cách cung cấp cho chúng 1 nơi trốn an toàn.

– Hành động lạ khác

Nếu mèo có những hành động hay biểu hiện lạ, rất có thể đây là dấu hiệu nhận biết mèo ốm:

  • Khom và co rúm mình, đuôi cụp xuống hai chân sau; đó là ngôn ngữ cơ thể biểu hiện rằng thú cưng của bạn đang bị ốm nặng. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc thêm về ngôn ngữ cơ thể mèo để biết khi nào chúng không ổn.
  • Khi các bé liên tục nhìn chằm chằm vào tường và tự lao đầu vào đó thì chắc chắn là bị rối loạn hệ thần kinh. Nguyên nhân có thể do tổn thương thân thể, mèo bị ngộ độc hoặc có khối u.

d. Các dấu hiệu bất thường ở cơ thể

– Mèo bị hôi miệng

85% mèo bị bệnh miệng (nha chu) khi mèo được 3 tuổi và miệng mèo hôi có thể là cách nhận biết mèo ốm. Mặc mèo bị hôi miệng chủ yếu là do bệnh nha chu, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn còn một số căn bệnh khác như: bệnh tiểu đường hay bệnh thận. Chúng tôi khuyến khích bạn nên tham khảo thêm các nguyên nhân khiến mèo bị hôi miệng.

–  Đồng tử mắt thay đổi

Có thể bạn cũng biết đồng tử mắt thay đổi là dấu hiệu bất thường đối với chúng ta. Khi chúng giãn ra hoặc thu nhỏ lại đều có những lý do của nó. Và mèo cũng vậy. Kích thước đồng tử thay đổi ở mèo tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà chúng tiếp xúc, nhưng nếu nó thay đổi đột ngột thì đây là triệu chứng mèo bị bệnh.

Mèo con bị ốm không chịu ăn

Một số biểu hiện dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn để kiểm tra xem đồng tử mèo của bạn có ổn định hay không.

  • Mắt tiết dịch.
  • Mắt rũ rượi, mí mắt sụp xuống che đi một phần mắt.
  • Lờ đờ, kén ăn.

Đây đều là dấu hiệu bệnh ở mèo.

– Chán nản, thiếu sức sống: Chú mèo của bạn cảm thấy không còn hứng thú với món đồ chơi yêu thích của chúng thì đó là lúc mèo của bạn bị bệnh. Một con mèo ốm thường cảm thấy mệt mỏi, không có sức hoạt động, chạy nhảy với các hoạt động thường ngày mà chỉ thích nằm một chỗ.

– Rụng lông, da sần sùi

Rụng lông, các mảng vảy trên da, da có hoặc không có vết xước chắc chắn là những dấu hiệu bệnh ở mèo. Đây là những dấu hiệu nhận biết mèo bị bệnh ngoài da như bệnh nấm, hắc lào. Để tránh bệnh lây từ mèo sang người và các vật nuôi khác, bạn nên điều trị sớm cho mèo bằng cách đưa chúng đi thú y hoặc áp dụng các cách trị nấm ở mèo sau của chúng tôi.

– Nôn mửa

Không hiếm trường hợp mèo bị nôn ngay sau khi ăn hoặc khi mèo chải chuốt quá nhiều (dẫn đến mắc búi lông). Tình trạng nôn mửa cấp tính (diễn ra trong hơn 2-3 ngày) có thể dẫn đến mất nước và rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Ói mửa có thể là dấu hiệu mèo bị bệnh đường ruột

Nếu mèo bị nôn mửa, hãy theo dõi tần suất và chất nôn trông như thế nào, để phát hiện ra đúng bệnh. Nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh như mèo bị nhiễm khuẩn đường ruột, mèo bị bệnh tiêu hóa hoặc ung thư. Để biết rõ hơn tình trạng của mèo, bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Nguyên nhân khiến mèo bị nôn và cách điều trị” của chúng tôi.

Nếu không được chữa trị kịp thời, những bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, khiến mèo bệnh chết.

– Khối u

Các cục u, bướu, da đổi màu, các khối u có thể nhìn thấy và các khối u khác là những dấu hiệu mèo bệnh ung thư phổ biến. Bệnh đi kèm với các triệu chứng khác như là khó thở, khó ăn uống, sưng bụng, tiêu chảy kéo dài hoặc nôn mửa và chảy máu từ miệng, mũi hoặc các khe hở khác trên cơ thể.

Sinh thiết là cần thiết để xác định chẩn đoán. Một số bệnh ung thư như ung thư hạch bạch huyết có thể đáp ứng với việc điều trị và có những cách để kiểm soát cơn đau và mang lại sự thoải mái cho bé mèo.

Bạn có thể tìm hiểu thêm những căn bệnh ung thư ở mèo trên website của chúng tôi.

bệnh bạch cầu ở mèo

– Hơi thở bất thường

  • Thở hổn hển: Chó, mèo thường thở hổn hển khi chạy nhảy vui chơi nhiều. Tuy nhiên, nếu không chạy nhảy thì rất có thể mèo bị bệnh tim hay quá căng thẳng. Thở hổn hển có thể là triệu chứng bị nhiễm ký sinh trùng sốt ve.
  • Hơi thở nặng nhọc:mèo thở khò khè khi thở ra hít vào, đây là dấu hiệu mèo bị bệnh hô hấp, mèo bị bệnh phổi khi hơi thở chuyển từ ngực xuống bụng. Bạn nên đưa bé đi bác sĩ trước khi muộn.

– Mí mắt thứ ba xuất hiện

Thông thường, mèo chỉ xuất hiện mí mắt thứ ba khi chúng buồn ngủ. Nếu mí thứ 3 xuất hiện lúc bình thường và lại còn sụp xuống, che một nửa con mắt thì đây là dấu hiệu nhận biết mèo bị bệnh nguy hiểm. Mèo có thể bị nhiễm khuẩn do mèo bị bệnh bạch cầu, bệnh giảm bạch cầu ở mèo (hay bệnh viêm ruột truyền nhiễm).

Nếu bạn phải đi học, đi làm thường xuyên và không có thời gian để theo dõi các dấu hiệu bất ổn cho thấy mèo bị ốm, bạn có thể tự tay kiểm tra mèo của mình.

Tập thói quen vuốt tay khắp cơ thể mèo bất cứ khi nào chúng nằm trong lòng bạn hoặc khi bạn đang chải lông cho mèo. Đây là cách tốt nhất để nhận biết mèo bị bệnh trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Gọi cho bác sĩ thú y nếu bạn thấy bất kỳ điều gì khiến bạn lo lắng.

2. Cách kiểm tra sức khỏe mèo tại nhà

a. Kiểm tra da mèo

Trong khi vuốt ve mèo, hãy cảm nhận coi mèo bị khối u, vết xước, vảy, sưng tấy hoặc bất kỳ bất thường nào khác. Da mèo bị đóng vảy, da dầu hoặc mèo bị rụng lông có thể chỉ ra mèo bị bệnh về da (mèo bị nấm, mèo bị bệnh ghẻ) hoặc các vấn đề bên trong.

Vạch lông mèo để tìm bọ chét; những đốm trông giống hạt tiêu đen thực chất là phân của bọ chét (phân bọ chét có chứa máu của mèo và chuyển sang màu đỏ khi bị ướt). Theo dõi bất kỳ cục u nào, đặc biệt nếu chúng xuất hiện sau khi tiêm chích, mèo có thể bị áp-xe. Để xử lý, bạn có thể đem chúng ra thú y hoặc làm theo các bước xử lý mèo bị áp-xe của chúng tôi sau đây.

b. Kiểm tra tai của mèo

Phần không có lông ở tai mèo phải sạch và không có mùi. Nếu tai mèo có vấn đề, chúng có thể lắc đầu và gãi tai. Kiểm tra xem có bong tróc, đóng vảy, có mùi hôi hoặc tiết dịch ở tai mèo hay không. Nếu bạn nhìn thấy chất có màu đen, có sạn bên trong, rất có thể mèo bị rận tai, đây là loại ký sinh trùng gây ngứa dữ dội và dễ lây cho những con mèo khác. Để chữa trị rận tai ở mèo, bạn có thể làm theo các bước ở hướng dẫn.

Mèo bị viêm tai, rận tai mèo

c. Theo dõi mắt mèo

Mắt mèo khỏe mạnh phải sáng, rõ nét và tập trung. Nếu bạn thấy mèo bị bệnh ở mắt, mắt mèo có mẩn đỏ, đổi màu hoặc tiết dịch, lác mắt hoặc xuất hiện mí mắt thứ ba, có thể mèo bị bệnh và cần gọi bác sĩ thú y.

d. Kiểm tra miệng mèo

Nướu khỏe mạnh có màu hồng, nhạt hoặc sáng; nướu đỏ có thể có nghĩa là mèo của bạn có điều gì đó không ổn. Chảy nước dãi và cộm ở miệng cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Vệt màu nâu và cao răng tích tụ trên răng có thể là dấu hiệu của vấn đề răng miệng. Nếu mèo bị hôi mồm nặng đến mức bạn không thể chịu được để chúng ở gần mình, có lẽ đã đến lúc bạn cần đem chúng đến bác sĩ thú y.

Cách chữa bệnh cho mèo bị ốm

e. Kiểm tra mũi mèo

Mũi của mèo phải sạch sẽ. Tùy thuộc vào mức độ hoạt động và nhiệt độ của môi trường xung quanh, mũi mèo có thể ướt lạnh hoặc khô ấm. Nếu mèo của bạn đưa chân lên chà mũi hoặc hắt hơi thường xuyên, hoặc nếu bạn thấy chất nhầy hoặc dịch tiết từ mũi, hãy liên hệ với bác sĩ thú y của bạn.

f. Nhìn dưới đuôi của mèo

Hãy nhìn dưới đuôi của mèo. Nếu bạn nhìn thấy những gì trông giống như hạt gạo hoặc mì Ý, đó có thể là dấu hiệu của ký sinh trùng như giun, sán. Một số ký sinh trùng có thể lây sang bạn hoặc vật nuôi khác.

g. Xem xét chân mèo

Hầu hết mèo không thích bị chạm vào chân. Kiểm tra chân của mèo xem cát mèo có bị mắc kẹt không, xem móng vuốt bị rách, vết cắt, vết sưng tấy hoặc chân mèo nhiễm trùng sưng to hay không. Ngoài ra, hãy kiểm tra móng mèo thường xuyên để xem chúng có cần phải cắt tỉa không. Móng vuốt mèo không được cắt có thể vô tình làm đau bạn, mắc vào thảm và đồ đạc và đâm vào chân mèo.

chân mèo
Nấm móng ở chân mèo

Tổng kết

Mèo rất hay che dấu cơn đau của mình cho tới khi chúng không chịu được nữa, hoặc khi tình hình đã tệ đi. Đó là lý do bạn phải thường xuyên xem xét mèo của mình để phát hiện các dấu hiệu con mèo bị bệnh. Các dấu hiệu đó có thể là sự thay đổi về thói quen ăn uống (mèo ăn, uống nhiều hoặc mèo ốm bỏ ăn), thay đổi trong hành vi (trốn tránh, hung dữ, hay cáu gắt…), hoặc những sự bất ổn trên hoặc trong cơ thể chúng và biểu hiện ra bên ngoài.

Mèo bị ốm thì phải làm sao? Điều đầu tiên bạn cần làm là quan sát thật kỹ các dấu hiệu, nếu các triệu chứng của mèo tương đối nhẹ, bạn có thể chờ 1,2 bữa xem tình trạng chúng có cải thiện không. Trong một vài trường hợp, mèo ốm có thể tự khỏi.

Nếu mèo bị bệnh quá nặng (tiêu chảy và nôn mửa liên tục, ỉa ra máu, không chịu ăn…) và tình trạng của chúng ngày càng nặng thêm, bạn nên đưa chúng đến thú y càng sớm càng tốt. Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mèo tại nhà thông qua các dấu hiệu cơ bản trên cơ thể của chúng.

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!