Hướng dẫn tiêm phòng cho mèo bạn cần biết

Tiêm phòng cho mèo là một trong những điều cần thiết nhất khi bạn nuôi một con mèo. Tại sao phải chích ngừa cho mèo, tiêm phòng cho mèo khi nào và cần phải lưu ý những gì?

1. Mèo có cần tiêm phòng không?

Cũng giống như con người, mèo cũng bị bệnh và chúng có thể chết nếu không chữa trị kịp thời. Con người chúng ta tiêm vaccine để phòng bệnh thì loài mèo cũng vậy. Chưa kể đến việc một số loại bệnh ở mèo không có thuốc chữa nhưng lại có vaccine, ví dụ như bệnh giảm bạch cầu ở mèo FPV. Vì vậy, việc tiêm ngừa cho mèo là cần thiết nếu bạn muốn mèo của mình khỏe mạnh.

Không tiêm phòng cho mèo có sao không? Bạn có thể không chích ngừa cho mèo của mình nếu bạn hoàn toàn nuôi nó ở trong nhà. Tuy nhiên, luôn có những rủi ro có thể xảy ra. Nếu bạn không muốn bé mèo yêu quý của mình gặp nguy hiểm thì nên tiêm phòng cho mèo. Điều này còn đảm bảo bản thân bạn không bị lây bệnh, tiêu biểu là bệnh dại.

Tiêm phòng cho mèo con giá bao nhiêu?

Chích ngừa chó mèo có ảnh hưởng gì không?

Tác dụng phụ từ vaccine là rất hiếm, đặc biệt là đối với hàng triệu liều được sử dụng mỗi năm. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là nhẹ và bao gồm thờ ơ, mất trí nhớ, áp xe ở mèo hoặc đau tại chỗ tiêm, thường kéo dài không quá vài ngày. Các tác dụng phụ rõ rệt hơn có thể bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, li bì, sốt, dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp hoặc nổi cục ở chỗ tiêm.

Tác dụng phụ được chú ý nhiều nhất trong những năm gần đây là u xơ – đây là một loại khối u ác tính có thể phát triển tại vị trí tiêm chủng. Tuy nhiên đây là các trường hợp rất hiếm (có thể ít hơn 1 trong 20.000 vaccine được sử dụng) và có vẻ như cả thuốc chích ngừa cho mèo và các sản phẩm tiêm khác đều có thể mang lại một nguy cơ nhỏ gây ra điều này ở mèo.

Do đó, sau khi tiêm phòng cho mèo, bạn nên theo dõi vết tiêm thường xuyên và nếu vết sưng tấy ở vết tiêm vẫn còn trong vài tuần và / hoặc tiếp tục to ra, hãy đưa nó đến bác sĩ thú y kiểm tra ngay lập tức.

2. Nuôi mèo cần tiêm phòng gì?

Hiện nay, các loại vacxin cho mèo trên thị trường Việt Nam phổ biến nhất là mũi chích ngừa bệnh dại cho mèo và mũi tiêm phòng 4 bệnh cho mèo, gồm FPV, FCV, FHV (FVR) và Chlamydophila felis (C.felis).

– Bệnh dại (Rabies)

Nhắc đến bệnh dại, người ta thường nghĩ tới chó, nhưng tất cả các động vật máu nóng (kể cả mèo hay người) đều có nguy cơ bị bệnh dại. Triệu chứng của bệnh dại thường là chảy dãi, co giật, bồn chồn, sợ ánh sáng, sợ nước, hung dữ. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy, bạn nên tiêm phòng dại cho mèo để bảo vệ sức khỏe của bé mèo và bản thân bạn.

Để biết được căn bệnh này nguy hiểm như thế nào, bạn có thể tìm hiểu thêm bệnh dại ở mèo theo hướng dẫn.

– Bệnh về đường hô hấp

Căn bệnh này do nhiều loại virus gây ra như virus Calicivirus (FCV), Herpesvirus (FHV)Chlamydophila felis (C.felis). Đặc biệt, bệnh này có thể lây lan sang người (qua nước mũi/mắt, nước bọ…) nếu do virus FHV gây nên. Tuy không nguy hiểm cho người nhưng chúng ta sẽ bị ngứa mắt, chảy nước mắt. Hãy chích vacxin mèo 4 bệnh để ngừa cho mèo.

Một con mèo bị bệnh dại

Bệnh giảm bạch cầu (Panleukopenia – FPV)

Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở mèo nhưng bệnh giảm bạch cầu vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh này còn được gọi là Pravo mèo, nó lây lan nhanh chóng, khiến thời gian mèo ủ bệnh và tử vong chỉ trong vòng 1 tuần. Điều đáng nói là virus này tồn tại trong không khí khá là lâu (tầm nửa đến 2 năm).

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh FPV không thể chữa khỏi. Mèo của bạn có thể hết bệnh nếu được phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Đó là lý do tại sao bạn cần phải nhận biết được các triệu chứng gây bệnh giảm bạch cầu ở mèo để có thể chữa trị kịp thời.

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo

3. Lịch tiêm phòng cho mèo

Chích ngừa cho mèo khi nào? Để Vaccine phát huy tốt nhất và đảm bảo an toàn cho mèo thì bạn nên tiêm chủng cho mèo khi chúng trên 3 tháng tuổi.

Bao lâu thì chích ngừa cho mèo? Lịch chích ngừa cho mèo:

  • Tiêm phòng dại cho mèo trước: mèo trên 3 tháng tuổi là có thể tiêm
  • 3 tuần sau: chích ngừa mũi 4 bệnh cho mèo, mũi 1
  • 4 tuần sau: tiêm mũi vaccine 4 bệnh mèo mũi 2

Trong năm đầu tiên, các bé mèo sẽ được chích 2 mũi vaccine 4 bệnh. Tuy nhiên, sang năm tiếp theo, bạn chỉ cần cho mèo chích 1 mũi 4 bệnh. Mỗi năm, bạn nên cho mèo đi tiêm phòng 1 mũi vaccine ngừa bệnh dại và có thể cho mèo tiêm 1 mũi tiêm 4 trong 1 cho mèo.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc tái tiêm phòng cho mèo hàng năm, cũng như chó là không cần thiết. Nghiên cứu mới cho thấy khả năng miễn dịch của chó mèo có thể tồn tại lâu hơn người ta từng nghĩ. Và các chuyên gia thú y cho rằng sẽ an toàn hơn nếu giảm tần suất chích ngừa chó mèo lại.

Ngoại trừ vaccine phòng bệnh dại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ không yêu cầu dữ liệu sau một năm đối với bất kỳ loại vaccine nào. Trong trường hợp đó, các nhà sản xuất vaccine đã tự ý đề nghị chích ngừa chó mèo hàng năm và hầu hết các bác sĩ thú y đồng tình (do lo ngại về các vấn đề trách nhiệm).

Gần đây, một số nghiên cứu được công bố đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch do một số loại vaccine cung cấp kéo dài hơn một năm, và trong một số trường hợp là suốt đời. Điều này không có gì quá ngạc nhiên khi từ xưa đến nay, những con chó con mèo mà ông bà cha mẹ bạn nuôi vẫn có thể sống cả 15, 20 năm mà không cần phải chích ngừa.

Theo bác sĩ thú y Link Welborn của Bệnh viện Chim và Động vật Vịnh North Bay ở Tampa, Fla thì: 3 năm là con số thỏa hiệp vừa đủ để bạn tái tiêm phòng bệnh cho mèo chó của mình. Việc năm nào cũng chích vacxin cho mèo (các loại vacxin) cốt lõi là quá dư thừa.

Các nghiên cứu hạn chế cho thấy rằng việc tiêm phòng cho mèo và chó các loại vacxin cốt lõi kéo dài ít nhất 7 năm. Tuy nhiên, với số lượng hạn chế động vật tham gia vào các nghiên cứu này, 3 năm dường như là một sự thỏa hiệp hợp lý.

Nếu bạn lo lắng rằng con chó hoặc con mèo của mình sẽ phát triển các vấn đề sức khỏe khi không được chích vacxin thì hãy thử xét nghiệm kháng thể cho chúng. Điều này sẽ cho bạn biết liệu khả năng miễn dịch có còn tồn tại hay không. Nếu có kháng thể lưu hành (bất kỳ số lượng nào cũng được), điều đó có nghĩa là chó mèo của bạn được bảo vệ và chúng có thể được bảo vệ suốt đời.

Ngoài ra, đừng quên việc cho chó mèo của bạn đi khám sức khỏe định kỳ. Việc kiểm tra sức khỏe có thể giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu lâm sàng của bệnh tật.

Tuy nhiên, đây chỉ là một góc nhìn khác của các tiến sĩ miễn dịch học thú y của Mỹ. Nó không phải là một hướng dẫn. Vì vậy, bạn có thể tiêm ngừa 4 bệnh cho mèo 3 năm 1 lần, hoặc bạn vẫn tiếp tục chích mỗi năm một lần như thường lệ. Tất cả là tùy thuộc vào quyết định của bạn!

4. Lưu ý khi tiêm phòng cho mèo

a. Trước khi chích ngừa cho mèo

– Bạn cần tẩy giun cho mèo trước 7 ngày.

– Trước khi tiêm phòng cho mèo 3 ngày không nên tắm mèo. Việc tắm mèo có thể khiến đề kháng của chúng giảm đi, không đủ khả năng để miễn dịch.

– Không nên cho mèo ăn trước khi tiêm phòng,

– Chỉ tiêm vacxin cho mèo khi chúng trong điều kiện sực khỏe tốt nhất: không bỏ ăn, sốt, tiêu chảy, ho…

Thời gian tiêm ngừa cho mèo

b. Sau khi tiêm phòng cho mèo

Sau khi tiêm, hệ miễn dịch của chúng đang còn yếu. Vậy nên:

– Tuyệt đối không được tắm mèo trong vòng 1 tuần. Tắm táp lúc này có thể sẽ khiến đề kháng suy giảm.

Bốn tuần sau khi tiêm phòng lần thứ hai, mèo của bạn sẽ được bảo vệ khỏi bệnh truyền nhiễm. Vì vậy trong khoảng thời gian này, tuyệt đối không cho mèo ra ngoài hay để mèo tiếp xúc với các nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh: mèo mắc bệnh, mèo hoang, chỗ giữ mèo, quán cafe chó mèo…

– Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho mèo, không để thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ 2 quá lâu, sẽ làm mất tác dụng của thuốc.

Tiêm phòng dại cho mèo giá bao nhiêu

– Một số con mèo tiêm phòng xong bị mệt, chúng sẽ có các phản ứng phụ như: bỏ ăn, sốt, tiêu chảy, nôn mửa, đi đứng không bình thường, sưng đỏ khu vực tiêm…Hãy theo dõi các bé khoảng 1 ngày. Nếu sau 1 ngày vẫn chưa hết thì hãy đưa bé tới thú y ngay lập tức.

– Lưu ý rằng khi bạn tiêm phòng cho mèo không có nghĩa là các bé sẽ miễn nhiễm với bệnh tật. Việc chích ngừa chỉ hạn chế tới khả năng bị nhiễm bệnh, nếu có bị thì khả năng chữa khỏi cũng sẽ cao hơn so với khi bạn không chích ngừa cho chúng.

5. Một số câu hỏi thường gặp

 – Nên chích ngừa gì cho mèo? Mèo tiêm phòng mấy mũi? Cần 2 mũi tiêm ngừa cho mèo: 1 mũi ngừa bệnh dại và 1 mũi ngừa 4 bệnh (tiêm phòng giảm bạch cầu cho mèo FPV, 2 bệnh về đường hô hấp FHV + FCV và vi khuẩn Chlamydophila felis).

– Tiêm phòng cho mèo hết bao nhiêu tiền? Tùy theo từng cơ sở, phòng khám thú y mà bảng giá tiêm phòng cho mèo ở tphcm, hà nội… sẽ khác nhau. Tuy nhiên, sự chênh lệch giá này không quá nhiều. Giá chích ngừa dại cho mèo sẽ tầm 60.000 – 80.000. Giá chích ngừa 4 bệnh cho mèo sẽ giao động trong khoảng 350.000 – 450.000.

  • Trong năm đầu tiên bạn sẽ phải tốn khoảng 700.000 – 800.000 do phải chích ngừa 2 mũi 4 bệnh cho mèo
  • Sang năm thứ hai, phí chích ngừa cho mèo sẽ giảm còn khoảng 400.000 – 600.000.

Giá tiêm phòng cho mèo khác nhau tùy vào cơ sở thú y

– Mèo mấy tháng thì chích ngừa? Bạn nên chích ngừa cho mèo khi chúng được 3 tháng tuổi trở lên và hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật.

– Tiêm phòng cho mèo ở đâu? Bạn có thể tìm đến các phòng khám thú y để tiêm phòng cho mèo. Tuy nhiên một số phòng khám nhỏ lẻ có thể sẽ không có thuốc chích ngừa cho mèo mũi 4 bệnh, mà chỉ có vaccine ngừa bệnh dại.

– Có nên tiêm phòng cho mèo không? Một lần nữa, mình xin nhắc lại là việc tiêm ngừa ở mèo không bắt buộc NHƯNG là điều CỰC KỲ cần thiết nếu bạn muốn bé mèo của mình sống khỏe mạnh. Điều này còn giúp bạn bảo vệ bản thân và tiết kiệm chi phí chữa bệnh sau này.

Tổng kết

Tiêm phòng cho mèo là việc vô cùng cần thiết để bảo vệ cho mèo của bạn khỏi nguy cơ bệnh tật và có thể tử vong. Việc này còn nhằm đảm bảo bạn và những người thân xung quanh không bị nhiễm bệnh như FHV hay bệnh dại.

Thông thường, trong năm đầu tiên, bạn sẽ cần tiêm ngừa 3 mũi cho mèo: 1 mũi dại, 2 mũi 4 bệnh (tiêm mũi 1 cho mèo và mũi 2 cách nhau 1 tháng). Trong những năm tiếp theo, bạn có thể chích 2 mũi: 1 mũi dại và 1 mũi 4 bệnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tiêm vaccine cho mèo mũi 4 bệnh hàng năm là không cần thiết, bạn có thể nhắc lại mũi này 3 năm 1 lần. Chi phí chích ngừa cho mèo sẽ chênh lệch giữa các cơ sở thú y.

Trước khi tiêm phòng cho mèo, bạn nên sổ giun cho mèo trước 7 ngày và đảm bảo chúng không bị bệnh tật gì khi chích. Sau khi chích, mèo của bạn có thể có các phản ứng phụ như bỏ ăn, mệt mỏi. Điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu nó kéo dài hơn 2 ngày, bạn nên đưa bé đến bác sĩ thú y.

Leave a Comment

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!