Mắt thỏ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng khéo léo thoát khỏi những kẻ săn mồi. Trong tự nhiên, động vât săn mồi thường có tầm nhìn sâu (nhìn thẳng) để giúp chúng bắt con mồi; ngược lại, những con mồi lại có tầm nhìn rộng hơn (nhìn nghiêng) để giúp chúng thoát khỏi kẻ săn mồi.
Mặc dù, so với con người, thỏ không có thị lực tốt nhất để nhìn cận cảnh mọi thứ, nhưng chúng có tầm nhìn tuyệt vời hoạt động tốt nhất để sống sót trong môi trường hoang dã. Vậy mắt của thỏ có đặc điểm gì? Dưới đây là những khả năng tuyệt vời của mắt thỏ mà bạn chưa bao giờ được biết.
1. Những sự thật thú vị về mắt thỏ
a. Mắt thỏ nhìn được 360 độ
Bạn có thể nhận thấy rằng mắt thỏ rất to. Nhưng điều bạn có thể không nhận thấy là mắt thỏ nằm ở phần trên của đầu và nằm ở hai bên, chứ không phải ờ phía trước đầu. Điều này mang lại cho thỏ một tầm nhìn toàn cảnh và tối đa hóa phạm vi quan sát của chúng.
Thỏ có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh mà không cần quay đầu lại. Điều này bao gồm việc chúng có thể nhìn thấy bất kỳ kẻ săn mồi nào đàng rình mò ở phía sau chúng. Trên thực tế, thỏ có phạm vi quan sát gần như 360o, bao gồm cả vùng trên đầu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thỏ không có điểm yếu. Với một tầm nhìn cực rộng như vậy, nhỏ vẫn có những điểm mù nằm ngay trước mũi chúng, dưới cằm và ngay sau tai của chúng. Đây là lý do tại sao nếu bạn đang đứng trực tiếp trước mặt thỏ, chúng có thể không nhận ra bạn ngay lập tức. Tuy nhiên, khứu giác và thính giác tuyệt vời của thỏ có thể bù đắp lại điểm yếu này.
Tầm nhìn 360o tuyệt vời này chỉ có ở những con thỏ tai thẳng. Những con thỏ tai cụp, hay còn gọi là thỏ lop, không thể nhìn thấy ở phía sau do tai của chúng cụp xuống hai bên đầu làm cản trở tầm nhìn. Đây là một lý do lớn tại sao thỏ lop hiếm khi tồn tại trong tự nhiên. Chúng có ít khả năng phát hiện ra những kẻ săn mồi đang đứng sau chúng. Hiện nay, thỏ tai cụp chủ yếu được lai tạo để nuôi làm cảnh ở trong nhà.
b. Mắt thỏ nhận thức chiều sâu kém
Con người có khả năng nhận biết chiều sâu tốt bởi vì cả hai mắt của chúng ta đều hướng về phía trước và trường thị giác của chúng trùng nhau. Thỏ thì lại khác, do là con mồi nên sự sống còn của chúng phụ thuộc vào việc phát hiện ra nguy hiểm đến từ bất kỳ hướng nào. Đó là lý do tại sao mắt thỏ ở cả hai bên đầu để có phạm vi quan sát gần như 360 độ. Góc nhìn rộng này cho phép chúng nhìn thấy ở chế độ 2D. Tuy nhiên, bởi vì các trường thị giác của chúng không trùng nhau, nên mắt thỏ có nhận thức về chiều sâu kém.
Để bù đắp cho điều này, thỏ dùng cách diễn giải riêng, tương tự như những dấu hiệu mà chúng ta nhận thấy khi xem cảnh ba chiều trên màn hình tivi hai chiều. Chúng bao gồm sự khác biệt về kích thước giữa các đối tượng và độ mờ của các đối tượng ở xa. Ví dụ, thỏ nhận biết rằng một vật thể lớn hơn sẽ gần chúng hơn và một vật thể nhỏ hơn sẽ ở xa chúng hơn.
Những chú thỏ cũng có thêm một kỹ thuật để xác định khoảng cách; đó là cách nhấp nhô đầu. Khi lắc đầu lên xuống, các vật thể ở gần dường như sẽ di chuyển nhiều hơn các vật thể ở xa; và nó sẽ ước tính khoảng cách của vật thể. Vì vậy, chú thỏ của bạn có lẽ nhận ra bạn bởi hình dáng, cử động và giọng nói hơn là các chi tiết trên khuôn mặt của bạn. Nếu bạn bước vào phòng mang theo một thứ gì đó đủ lớn để thay đổi và che hình dạng của bạn, rất có thể chú thỏ của bạn sẽ không nhận ra bạn và sẽ sợ hãi.
– Trường thị giác (Visual Field) là toàn bộ khu vực mà mắt có thể nhìn thấy khi tập trung vào một điểm cố định duy nhất. – Khả năng nhận thức chiều sâu: khả năng cảm nhận khoảng cách tương đối của các vật thể trong trường thị giác của một người. |
c. Khó nhìn trong không gian 3D
Cái giá mà thỏ phải trả để có thể nhìn thấy ở một góc nhìn 360 độ xung quanh chúng là chúng thiếu nhận thức về chiều sâu. Thỏ chỉ có thể nhìn bằng cả 2 mắt cùng 1 lúc ở tầm nhìn 30 độ phía trước, cho phép thỏ nhìn thấy mọi thứ ở dạng 3D. Điều này có nghĩa là phần còn lại của tầm nhìn của thỏ chỉ có thể ở dạng 2D. Tuy nhiên, thỏ đã học cách vượt qua rào cản này để có thể nhìn thấy kẻ săn mồi và bỏ chạy một cách hiệu quả.
d. Thỏ chỉ chớp mắt 5 phút một lần
Bạn đã bao giờ thử tham gia cuộc thi nhìn chằm chằm với thỏ chưa? Có khi bạn khỏi cần thi vì thỏ của bạn sẽ thắng cuộc đó. Mắt thỏ chỉ chớp từ 10 đến 12 lần trong một giờ, có nghĩa là chúng chỉ chớp mắt 5 đến 6 phút một lần! Trong khi đó, con người chúng ta chớp mắt 10 đến 20 lần mỗi phút. Con số này nhiều hơn 50 lần so với việc thỏ chớp mắt.
Thỏ không chớp mắt thường xuyên vì chúng có một lớp màng mỏng che mắt được gọi là mí mắt thứ ba. Đây là một lớp màng hoàn toàn trong suốt nên bạn không thể nhìn thấy nó. Mí mắt thứ ba này thực hiện công việc giữ ẩm cho mắt thỏ và che chắn chúng khỏi bụi và các mảnh vụn. Thỏ của bạn không phải chớp mắt thường xuyên vì màng của mí mắt thứ ba thực hiện hầu hết công việc.
Chớp mắt ít hơn có nghĩa là thỏ có thể hoạt động tốt hơn trong việc cảnh giác. Thỏ không phải liên tục làm gián đoạn tầm nhìn của chúng bằng cách chớp mắt khi chúng quét mắt qua các khu vực để tìm nguy hiểm. Lớp màng này cũng là thứ cho phép thỏ ngủ mở mắt mà không gặp vấn đề gì.
e. Mắt thỏ không thể nhìn thấy màu đỏ
Thỏ có thể nhìn thấy màu sắc nhưng chúng không nhìn thấy màu sắc giống như con người. Võng mạc của mắt động vật sử dụng hình que và tế bào hình nón để cảm nhận ánh sáng và màu sắc. Các tế bào hình nón là thứ cho phép động vật nhìn thấy các chi tiết và các bước sóng màu khác nhau, vì vậy thế giới của chúng không hoàn toàn là đen và trắng.
Con người có ba loại thụ thể màu trong mắt (đỏ, lục và lam), nhưng thỏ chỉ có hai loại thụ thể màu hoạt động (làm và lục). Chúng không có loại tế bào hình nón có thể cảm nhận được bước sóng ánh sáng đỏ, vì vậy những bước sóng này có thể hiển thị với thỏ dưới dạng thang độ xám hoặc màu xanh lam và màu xanh lá. Có nghĩa là, thỏ hơi mù màu theo tiêu chuẩn của con người.
Do đó, mặc dù mắt thỏ không phải lúc nào cũng nhìn thấy màu sắc giống như con người, nhưng chúng có thể nhìn thấy các tổ hợp bước sóng màu giống nhau và phân biệt nhiều loài trong số chúng. Nhưng thỏ sẽ khó phân biệt màu đỏ và màu xanh lục, cũng như màu xanh lam và xanh lục. Con người cũng mắc chứng mù màu giống như loài thỏ.
f. Thỏ có tầm nhìn ban đêm tốt hơn con người
Thỏ không sống về đêm, và do đó chúng không có bộ phận đặc biệt của mắt để phản chiếu ánh sáng và nhìn trong bóng tối sâu (được gọi là tapetum lucidum). Bạn có thể xem thêm sự thật về mắt mèo để biết được sự phản quang này. Một con thỏ trong tình huống hoàn toàn có bóng tối sẽ phải dựa vào các giác quan khác của chúng để điều hướng.
Mặc dù vậy, thị lực của thỏ vẫn tốt hơn đáng kể so với thị lực của con người. Mắt của thỏ có tỷ lệ tế bào hình que nhiều gấp đôi so với con người. Điều này giúp chúng nhìn trong bóng tối tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể. Vì vậy, miễn là có ánh trăng, thỏ sẽ có tầm nhìn ban đêm ít chi tiết và ít nhiễu hơn.
Mắt thỏ được cấu tạo để hoạt động tốt trong các tình huống thiếu sáng. Thỏ thường hoạt động mạnh nhất vào khoảng thời gian bình minh và hoàng hôn, khi trời không quá sáng nhưng cũng không quá tối. Đây là thời điểm trong ngày mà thỏ có lợi thế hơn cả những kẻ săn mồi sống về đêm nhìn rõ trong bóng tối và những kẻ săn mồi ban ngày nhìn rõ khi có ánh sáng chói.
g. Thỏ bị viễn thị
Thỏ đương nhiên sẽ nhìn rõ các vật hơn khi chúng ở xa. Giống như người bị viễn thị, điều này có nghĩa là tầm nhìn của thỏ hơi mờ khi cận cảnh vì mắt của chúng được cấu tạo để chú ý nhiều hơn đến các vật thể ở xa.
Điều này có nghĩa là thỏ sẽ dễ nhận thấy những kẻ săn mồi và nguy hiểm hơn khi chúng ở xa hơn. Thỏ càng có nhiều thời gian để phát hiện nguy hiểm và bỏ chạy thì càng có nhiều cơ hội sống sót. Đó chỉ là một cách khác mà mắt thỏ được tạo ra để sinh tồn.
Vậy các vật ở gần thì sao? Thỏ có thể sử dụng khứu giác tuyệt vời và bộ râu của chúng để phát hiện thức ăn và các vật nhỏ cản đường. Vì vậy, việc có thị lực tốt khi ở gần là không cần thiết. Và mắt con thỏ vẫn có thể nhìn thấy các vật thể ở gần, chúng sẽ chỉ hơi mờ một chút.
h. Thỏ ngủ mở mắt
Thỏ ngủ mở mắt và nhắm mắt. Thông thường, thỏ sẽ ngủ với đôi mắt mở to. Chúng sẽ chỉ nhắm mắt ngủ nếu cảm thấy rất an toàn. Vì vậy, bạn có thể nghĩ rằng thỏ của bạn không bao giờ ngủ vì chúng không bao giờ nhắm mắt, nhưng thực tế là chúng đang chợp mắt ngay trước mặt bạn.
Bạn có thể biết khi nào thỏ đang ngủ bằng cách quan sát chúng. Nếu mũi của thỏ hết co giật, điều đó có thể có nghĩa là thỏ của bạn đang ngủ. Tuy nhiên, mũi của chúng cũng thường co giật trong khi ngủ, khi mơ hoặc lầm bầm một chút khi di chuyển miệng. Tai của thỏ cũng sẽ ở vị trí thoải mái dọc xuống lưng, không hướng lên hoặc không báo động. Bạn cũng có thể đọc thêm về tư thế tai thỏ để biết tâm trạng và suy nghĩ của chúng.
Thỏ sẽ ngủ ở một trong ba tư thế. Chúng sẽ nằm kiểu ổ bánh mì giống như mèo vậy, và ngủ với đôi mắt mở. Nếu thỏ cảm thấy rất an toàn và thoải mái, chúng cũng có thể nằm xoãi ra hoặc nằm nghiêng. Ở những vị trí này, thỏ có thể chọn nhắm mắt khi ngủ.
Nhưng tại sao thỏ ngủ mở mắt? Tất cả đều vì cơ hội sống còn. Trong môi trường hoang dã, thỏ luôn mở mắt vì các cơ quan cảm thụ ánh sáng của chúng sẽ tiếp tục hoạt động. Nếu một kẻ săn mồi đến gần, các tín hiệu sẽ vẫn truyền đến não thỏ và chúng có thể bắt kịp chuyển động nhanh hơn nhiều so với khi nhắm mắt.
Mở mắt khi ngủ cũng có tác dụng ngăn chặn những kẻ săn mồi. Những kẻ săn mồi sẽ ít có khả năng đuổi theo một con mồi mà chúng tin là đang còn thức. Vì vậy, bằng cách mở mắt, thỏ có thể thuyết phục những kẻ săn mồi này hãy đuổi theo con mồi khác dễ dàng hơn.
2. Các vấn đề sức khỏe với mắt thỏ
Mắt thỏ có khả năng tuyệt vời và chúng rất hữu ích trong việc giúp thỏ trốn tránh những kẻ săn mồi. Nhưng vì là một cơ quan quan trọng trong cơ thể nên mắt thỏ dễ gặp một số vấn đề sức khỏe khác nhau. Nhiều vấn đề sức khỏe trong số này không gây tử vong cho thỏ, nhưng chúng có thể là dấu hiệu của các bệnh nặng hơn. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này trên mắt thỏ, hãy đưa chúng đến thú y.
a. Đục thủy tinh thể
Khi thỏ lớn tuổi, chúng có thể bắt đầu bị đục thủy tinh thể ở một hoặc cả hai mắt. Đây là khi một chất có màu trắng đục hình thành trên mắt thỏ, chặn ánh sáng và cuối cùng gây mù. Đôi khi đục thủy tinh thể hình thành do nhiễm trùng mắt, nhưng đôi khi không có bất kỳ nguyên nhân rõ ràng nào.
Sự tích tụ của bề mặt trắng đục trên mắt thỏ có thể mất từ một tuần đến vài năm trước khi nó làm thỏ bị mù hoàn toàn. Bác sĩ có thể phẫu thuật để điều chỉnh thị lực của một con thỏ bị đục thủy tinh thể, nhưng không khả năng này rất ít vì nó có thể vừa nguy hiểm vừa tốn kém.
Tin tốt là ngay cả khi thỏ của bạn bị mù hoàn toàn, chúng vẫn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc. Miễn là đồ đạc vẫn ở đúng vị trí và không để bất kỳ đồ vật nào mới xuất hiện xung quanh phòng, chúng có thể di chuyển bình thường. Thỏ có thể hơi chậm chạp và cẩn thận hơn trước, nhưng chúng sẽ nhanh chóng học cách sử dụng các giác quan khác của mình để bù đắp cho việc thiếu thị lực.
b. Thỏ bị chảy nước mắt
Bình thường thỏ không khóc hoặc chảy nước mắt. Ở mắt thỏ khỏe mạnh, mọi lượng nước dư thừa sẽ được thoát ra ngoài qua ống dẫn nước mắt ở phía trước mắt của chúng. Mặc dù đôi mắt đầy nước thường không phải là một nguy cơ sức khỏe đáng kể, nhưng đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Thỏ chảy nước mắt có thể do bất kỳ vấn đề nào, bao gồm:
- Răng mọc um tùm
- Tắc nghẽn ống dẫn nước mắt
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng mắt
- Khó chịu mi mắt
Nếu để tự nhiên, vùng da quanh mắt thỏ của bạn sẽ bị kích ứng và viêm. Cuối cùng nó có thể tự lành nhưng tốt nhất là bạn nên kiểm tra với bác sĩ thú y để đảm bảo rằng đây không phải là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn.
c. Đỏ mắt
Thỏ bị đau mắt đỏ rất giống với mắt đỏ ở người. Đó là khi các mạch máu trong mắt thỏ sưng lên khiến mắt thỏ có màu đỏ hoặc hồng. Tình trạng này thường đi kèm với mắt thỏ bị sưng tấy, chảy nước mắt hoặc có mụn thịt xung quanh mắt.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở thỏ. Nó có thể là kết quả của một thứ đơn giản như dị ứng, đến một số thứ nguy hiểm hơn nhiều, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp. Vì vậy, nếu nhận thấy thỏ bị đau mắt đỏ, bạn nên hẹn gặp bác sĩ thú y để tìm nguyên nhân và giúp thỏ khỏi bệnh.
Bạn không nên nhầm lẫn tình trạng này với những con thỏ mắt đỏ. Một số con thỏ bị bạch tạng và có đôi mắt màu đó, đó chỉ là màu mắt của chúng. Hãy kiểm tra xem mắt có sưng hoặc chảy nước mắt không vì bạn sẽ không thể nhận biết chỉ bằng màu sắc.
d. Mắt thỏ có ghèn
Đôi khi thỏ sẽ đổ ghèn mắt khi chúng cần loại bỏ các vật thể lạ (chủ yếu là bụi) khỏi mắt. Thường thì thỏ sẽ tự dọn dẹp những thứ này khi chúng liếm láp cơ thể hàng ngày. Đôi khi, những ghèn mắt này sẽ bắt đầu đóng vảy quanh mắt thỏ và chúng không thể lấy ra được. Trong những trường hợp này, hãy nhẹ nhàng giúp thỏ loại bỏ cặn bẩn ra khỏi mắt chúng. Mục đích là để tránh sự tích tụ của gỉ mắt để nó không gây tắc nghẽn ống dẫn nước mắt.
Nếu bạn thấy rằng mình phải thường xuyên giúp loại bỏ ghèn từ mắt thỏ, bạn nên nhờ bác sĩ thú y kiểm tra, đặc biệt nếu bạn cũng bắt đầu nhận thấy bất kỳ kích ứng da nào xung quanh mắt thỏ. Bác sĩ thú y sẽ có thể cho bạn biết nếu có bất kỳ vấn đề sâu hơn nào đang gây ra sự tích tụ ghèn mắt dư thừa trên thỏ.
e. Áp xe
Áp-xe ở thỏ thường là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng. Đây là những vết sưng đầy mủ trên da thỏ, giống như u nang hoặc vết phồng rộp. Thỏ của bạn có thể dính những thứ này vào khá nhiều vùng trên cơ thể chúng, đặc biệt là xung quanh những nơi đã bị thương hoặc bị nhiễm trùng.
Áp-xe quanh mắt đặc biệt phổ biến khi thỏ gặp vấn đề về răng miệng với răng má của chúng. Nếu răng của chúng phát triển quá mức, chúng có thể bắt đầu bị đẩy trở lại hộp sọ của thỏ và gây nhiễm trùng. Các vết sưng nhỏ sẽ hình thành xung quanh vùng mắt, và chúng sẽ sưng lên thành các ổ áp xe lớn hơn khi tình trạng tồi tệ hơn.
Tổng kết
Là con mồi, mắt thỏ nằm ở vị trí chiến lược ở hai bên đầu của chúng. Điều này giúp chúng có phạm vi quan sát lên tới 360o, có nghĩa là thỏ có thể nhìn hai bên phía sau lưng của chúng. Khác với con người chúng ta, mắt thỏ chủ yếu nhìn mọi thứ ở chế độ 2D vì chúng thiếu đi khả nhận thức chiều sâu. Chúng cũng bị mù màu do không thể nhìn thấy được màu đỏ, tuy nhiên, thỏ lại nhìn trong bóng tối tốt hơn so với chúng ta. Tất cả những khả năng này giúp thỏ có thể chạy thoát khỏi kẻ thù của mình.
Mắt thỏ đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc sinh tồn của chúng. Nhưng chúng lại hay gặp một số vấn đề sức khỏe như đổ ghèn, áp-xe, đục thủy tinh thể, chảy nước mắt hay đỏ mắt. Nếu nhận thấy một trong các dấu hiệu bệnh tật này, bạn nên đưa thỏ của mình đi thú y trước khi quá muộn.
Nguồn:
- “7 Fun Facts About Rabbit Eyes” The Bunny Lady
- “Rabbit Vision vs. Human Vision” Animal Wised