Thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa: căn bệnh gây tử vong cho thỏ chỉ trong vài giờ

Một trong những phần đáng sợ nhất khi nuôi thỏ là chúng bị ốm. Và một trong các căn bệnh thường gặp nhất đó là thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa, hay còn gọi là ứ trệ tiêu hóa. Thỏ của bạn có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng chỉ trong vài giờ, chúng có thể trở nặng và cần được đưa đến thú y cấp cứu.

1. Thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là gì?

Tắc nghẽn tiêu hóa ở thỏ là một tình trạng đường ruột nguy hiểm, mà ở đó đường tiêu hóa của thỏ sẽ hoạt động chậm lại. Điều này là do sự thay đổi trong quần thể vi khuẩn có trong đường tiêu hóa, có chức năng lên men (tiêu hóa) thức ăn của thỏ. Tình trạng tắc nghẽn này thường không phải do vật cản gây ra (chẳng hạn như búi lông hoặc dị vật ăn phải như khăn hoặc thảm), mà là do sự thay đổi vi khuẩn trong hệ tiêu hóa của thỏ.

Sự chậm lại của đường ruột có thể khiến lông và thức ăn đọng lại ở bất cứ đâu dọc theo đường tiêu hóa, tạo ra tắc nghẽn tiềm ẩn. Ngoài ra, do manh tràng không được làm trống đủ nhanh, các vi khuẩn có hại như các loài Clostridium (có liên quan đến những loại gây bệnh ngộ độc và uốn ván) có thể sinh sôi, số lượng của chúng lấn át vi khuẩn và nấm có lợi trong manh tràng.

Một khi điều này phát triển quá mức, khí do vi khuẩn thải ra có thể gây đau đớn tột độ. Một số loài Clostridium cũng tạo ra chất độc có thể gây chết thỏ. Nhiệm vụ của gan là giải độc những chất độc này, điều này khiến gan bị tổn thương. Khi đường tiêu hóa ngừng hoạt động, thỏ sẽ giảm cảm giác thèm ăn, bỏ ăn và không đi vệ sinh. Cơ thể và các cơ quan quan trọng của chúng sẽ bắt đầu ngừng hoạt động, và có khả năng thỏ sẽ chết nếu không được chăm sóc y tế khẩn cấp.

2. Các triệu chứng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa

Để giúp thỏ phục hồi sau chứng ứ trệ GI, bạn cần phát hiện bệnh sớm nhất có thể để có thể đưa chúng đi thú y kịp thời. Một số triệu chứng cũng có thể xuất hiện trước thời vài ngày, vì vậy nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu ít khẩn cấp hơn, hãy theo dõi bé thỏ của mình và cho chúng khám bác sĩ.

a. Thỏ bỏ ăn

Triệu chứng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa bạn có thể nhận thấy đầu tiên là khi chúng đột nhiên không ăn. Thỏ không quan tâm đến thức ăn viên, cỏ khô, hoặc thậm chí là đồ ăn vặt và rau xanh. Nếu bạn nhận thấy hành vi này, hãy nhớ lại xem đâu là lần cuối cùng bạn nhìn thấy thỏ ăn.

Có rất nhiều lý do để thỏ chán ăn, không riêng gì tình trạng ứ trệ GI. Bạn nên xem thêm các nguyên nhân khiến thỏ bỏ ăn để có thể xử lý kịp thời. Nếu thỏ của bạn không ăn trong hơn 10 giờ, đây là trường hợp khẩn cấp và thỏ nên được đưa đến bác sĩ thú y ngay lập tức.

Để giúp theo dõi thói quen ăn uống của thỏ, bạn nên cố gắng phân chia thức ăn mà cho chúng thành nhiều bữa trong ngày. Ví dụ, bạn có thể cho thỏ ăn thức ăn viên và bổ sung cỏ khô cho chúng trước tiên vào buổi sáng. Vào đầu buổi tối, bạn có thể cho chúng ăn rau xanh, sau đó đãi chúng một chút trái cây ngay trước khi đi ngủ. Điều này cho phép bạn kiểm tra chúng ít nhất ba lần một ngày để đảm bảo rằng thỏ vẫn ăn uống bình thường.

b. Không đi cầu

Thỏ đi vệ sinh rất nhiều, một ngày chúng có thể thải ra từ 200 – 300 cục phân viên mỗi ngày. Và điều này là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể xem thêm lý do vì sao thỏ đi ỉ nhiều như vậy trong bài viết sau đây.

Vì vậy, nếu thỏ không đi cầu thì đây là một triệu chứng khẩn cấp khác không bao giờ được xem nhẹ. Nó có thể báo hiệu rằng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa. Nếu thỏ của bạn không đi ị trong hơn 10 giờ, hãy coi đó là trường hợp khẩn cấp và chúng cần phải đến thú y ngay lập tức.

Mặc dù bạn không cần phải dọn sạch toàn bộ hộp vệ sinh của thỏ mỗi ngày, nhưng ít nhất bạn nên dọn phần lớn phân bên trong ra. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi các loại phân mà chúng thải ra để có thể kiểm tra được sức khỏe của chúng. Bạn cũng sẽ biết rõ hơn về số lượng phân mà thỏ thường đi ị trong một ngày. Nếu đột nhiên thấy phân ít hơn bình thường, bạn có thể theo dõi thỏ và kiểm tra các dấu hiệu thỏ bị bệnh khác, theo hướng dẫn sau.

c. Thiếu năng lượng

Một triệu chứng phổ biến khác cho thấy thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa, mà khó phát hiện hơn là thiếu năng lượng. Nếu thỏ của bạn chỉ ngồi một chỗ hoặc thỉnh thoảng chuyển sang chỗ khác để ngồi một lúc, thì có thể thỏ bị ốm. Đây là điều đặc biệt cần quan tâm nếu thỏ của bạn thường rất hiếu động.

Thỏ bị ốm thường ngủ nhiều và ít hoạt động

Nếu thỏ của bạn thường hoạt động và nhảy nhót, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi về hành vi này hơn. Tuy nhiên, nhiều con thỏ sẽ đằm lại khi chúng già đi. Thỏ cũng có xu hướng ít hoạt động hơn vào buổi chiều so với buổi sáng và buổi tối. Bạn sẽ cần so sánh với mức năng lượng điển hình của thỏ và sử dụng các triệu chứng khác trong danh sách này để xác định xem thỏ của bạn có bị bệnh hay không.

d. Tư thế gập người

Tư thế khom lưng là tư thế phổ biến mà thỏ thực hiện khi chúng không được khỏe vì chứng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa. Thỏ có thể trông giống như đang cố gắng ngồi trong tư thế ổ bánh mì, nhưng chúng vẫn giữ trọng lượng của mình trên bàn chân trước để tránh cho bụng của chúng ép xuống đất, vì nó rất là đau đớn. Khi bị đau, thỏ cũng thường bị lác mắt, một số con thỏ cũng sẽ nghiến răng to.

Thỏ ngồi trng tư thế bị đau

e. Bụng kêu to hoặc không kêu

Giống như hầu hết các loài động vật ăn cỏ, dạ dày và ruột của một con thỏ khỏe mạnh không bao giờ trống rỗng. Bạn có thể nghe thấy một số âm thanh ùng ục khi đặt tai gần bụng chúng. Điều này là bình thường và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tiếng ọc ọc rất lớn có thể nghe thấy từ khắp phòng, đó có thể là dấu hiệu của khí đang di chuyển xung quanh dạ dày hoặc ruột của thỏ và khiến chúng đau đớn.

Ngoài ra, nếu bạn không nghe thấy âm thanh nào phát ra từ dạ dày thỏ, ngay cả khi đặt tai ngay bên cạnh chúng, thì đó là dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa đã hoàn toàn ngừng hoạt động và thỏ của bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tìm các dấu hiệu thỏ bị bệnh khác, chẳng hạn như không ăn hoặc đi ị và đưa chúng đến bác sĩ thú y.

f. Hành vi bất thường

Một trong những dấu hiệu thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa chính là sự bất thường về hành vi của chúng. Bạn hiểu rõ tính cách thỏ của mình hơn bất kỳ ai khác, vì vậy chỉ có bạn mới có thể là người đánh giá những gì được coi là bất thường.

Điều này là do thỏ có bản năng che giấu bất kỳ bệnh tật và điểm yếu nào. Trong môi trường hoang dã, điều này có thể giúp ngăn việc chúng bị động vật ăn thịt bắt đi, nhưng là vật nuôi, điều đó có nghĩa là rất khó để biết khi nào một con thỏ bị ốm.

Đôi khi, một sự thay đổi lớn trong thói quen hoặc tính cách của chúng là dấu hiệu đầu tiên mà bạn sẽ nhận biết được. Ví dụ là một con thỏ thường rất thân thiện, đột nhiên trở nên hung dữ. Hoặc một con thỏ ngồi hàng giờ trong thau cát trong khi đó không phải là nơi chúng thường ở.

g. Hình dạng phân bất thường

Phân ban đêm nhão hoặc không có hình dạng

Phân ban đêm cecotropes là loại phân mà thỏ sẽ ăn trực tiếp từ hậu môn của chúng để hấp thụ dinh dưỡng, nhưng đôi khi bạn có thể nhìn thấy một cụm phân ban đêm như chùm nho mà thỏ của bạn để lại.

Nếu hệ tiêu hóa của thỏ bị mất cân bằng, nó có thể ảnh hưởng đến hình dạng phân ban đêm. Thay vì nhận được một cụm cecotropes, bạn sẽ thấy chúng vón cục với kết cấu giống như đất sét hơn. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy hệ tiêu hóa bị mất cân bằng và thường dẫn đến các triệu chứng của bệnh tắc nghẽn tiêu hóa ở thỏ.

Dấu hiệu thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa khi phân viên dính lại với nhau

Phân viên nhỏ hoặc dính thành đôi

Các dấu hiệu khác cho thấy bệnh ứ máu đường ruột ở thỏ là phân viên của chúng nhỏ hoặc 2 cục phân dính lại với nhau thành đôi. Nếu chỉ thấy 2, 3 cục phân dính lại với nhau thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, khi kích thước trung bình của các viên phân giảm đáng kể hoặc có nhiều phân viên dính thành 2, thành 3 so với các viên phân khỏe mạnh bình thường, bạn nên tìm lời khuyên của bác sĩ thú y để ngăn chặn ứ trệ tiêu hóa trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Nguyên nhân khiến thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa

Tắc nghẽn tiêu hóa ở thỏ có thể là một căn bệnh riêng biệt, hoặc nó có thể là kết quả của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác. Đó là lý do tại sao nó rất phổ biến ở thỏ. Bất kỳ loại căng thẳng hoặc đau đớn nào cũng có thể dẫn đến tình trạng ứ trệ đường ruột.

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Nguyên nhân chính của chứng khiến thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là do chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu chất xơ. Một lượng lớn thức ăn có đường có thể dễ dàng gây ra sự mất cân bằng trong ruột của thỏ, sau đó có thể dẫn đến việc thỏ đi cầu ít lại và gặp các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như tắc nghẽn tiêu hóa.

Các chấn thương hoặc bệnh tật khác: Thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa cũng có thể bị gây ra bởi bất kỳ bệnh tật và thương tích nào khác. Đau hoặc khó chịu do các rối loạn khác có thể khiến hệ tiêu hóa của thỏ hoạt động chậm lại, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa nghiêm trọng.

Nếu bạn nuôi một con thỏ thường xuyên phải chăm sóc y tế vì chứng ứ trệ đường ruột, chúng có thể mắc các bệnh tiềm ẩn nào đó. Các tình trạng như răng mọc um tùm, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI’s), bệnh gan, bệnh thận hoặc thậm chí là thỏ bị chướng hơi có thể là nguyên nhân khiến thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa; và cần được giải quyết để giúp ngăn ngừa bệnh trong tương lai.

Căng thẳng hoặc lo lắng

Căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài cũng có thể là nguyên nhân. Sự sợ hãi mà thỏ cảm thấy cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng và khiến nó chậm lại. Trong một số trường hợp, thỏ lo lắng và căng thẳng cũng sẽ ăn ít hơn, điều này có thể khiến các triệu chứng của bệnh ứ trệ tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn vì chúng không ăn nhiều để giúp duy trì hoạt động của hệ thống.

Mất nước: Uống nhiều nước giúp hệ tiêu hóa của thỏ di chuyển dễ dàng hơn qua dạ dày và ruột non. Nó có thể ngăn chặn thức ăn và các mảnh lông kết lại với nhau gây tắc nghẽn nếu đường tiêu hóa hoạt động chậm lại. Điều quan trọng là đảm bảo thỏ của bạn uống đủ nước để chúng có đường ruột khỏe mạnh.

Hầu hết thời gian, thỏ của bạn sẽ có thể tự duy trì lượng nước miễn là bạn cung cấp đủ nước cho chúng. Bạn nên cung cấp một chiếc bát lớn thay vì một chai nước vì đây là cách dễ dàng và tự nhiên hơn để thỏ uống nước.

Tắc nghẽn đường ruột: Tắc nghẽn đường ruột thường không phải là nguyên nhân gây ra chứng ứ trệ tiêu hóa trừ khi thỏ của bạn ăn thứ mà chúng không nên ăn. Tuy nhiên, điều này thường xảy ra do đường ruột hoạt động chậm lại, khiến tình trạng của thỏ xấu đi nhanh chóng.

Béo phì là 1 trong những nguyên nhân khiến thỏ mắc bệnh

Béo phì ở thỏ cũng có thể là một biến chứng làm cho khả năng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa cao hơn. Khi thỏ di chuyển và chạy đua trong phòng, về cơ bản chúng đang xoa bóp các cơ quan tiêu hóa bên trong của chúng, giúp chúng hoạt động trơn tru hơn. Điều này hạn chế khả năng xuất hiện khí và giữ cho hệ tiêu hóa của thỏ khỏe mạnh hơn.

Di truyền: Một số thỏ chỉ đơn giản là có gen di truyền dễ bị ứ trệ tiêu hóa. Giống thỏ tai cụp và thỏ bạch tạng có xu hướng có nhiều vấn đề về tiêu hóa hơn. Điều này có thể là do sự lai tạo nhiều hơn. Cũng có một mối liên hệ giữa thỏ đốm trắng và sức khỏe hệ tiêu hóa. Thỏ càng ít đốm và càng trắng thì chúng càng dễ bị các đợt ứ trệ tiêu hóa nghiêm trọng. Các giống phổ biến bị ảnh hưởng bởi gen này là Hotots, Rhinelanders, Checkered Giants và English Spotted. Tuy nhiên, các giống thỏ khác và thỏ lai cũng có thể có gen dạng đốm này.

4. Làm gì khi thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa?

Nếu bạn tin rằng thỏ của bạn bị tắc nghẽn tiêu hóa, bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y để được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Hãy nhớ rằng nếu thỏ của bạn không ăn hoặc đi ị trong hơn 10 giờ, đó một trường hợp cấp cứu y tế. Tiếp tục theo dõi tình trạng của thỏ và đảm bảo đưa chúng đi kiểm tra sức khỏe để bác sĩ có thể tìm kiếm các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và giúp đảm bảo thỏ của bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Nếu bác sĩ thú y đã xác định rằng không có tắc nghẽn đường ruột, có một số phương pháp hỗ trợ mà bạn có thể dùng để giúp chú thỏ của bạn.

a. Xoa bóp bụng cho thỏ

Một trong những cách hiệu quả nhất để kích thích đường ruột của thỏ hoạt động là massage bụng thỏ nhẹ nhàng. Ngoài việc kích thích các cơ, việc massage dường như giúp làm vỡ bong bóng khí và làm dịu cơn đau bụng. Bạn có thể làm thường xuyên nếu thỏ cho phép và thích thú.

Bạn hãy trải một chiếc khăn trên mặt bàn và đặt thỏ nằm trên đó. Hãy đảm bảo rằng chú thỏ không thể nhảy xuống và tự làm mình bị thương. Dùng tay và các đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng của chúng, nhưng hãy chậm lại ngay lập tức nếu thỏ tỏ ra đau đớn.

Bạn có thể tham khảo cách massage bụng cho thỏ theo video dưới đây:

Bạn có thể nhẹ nhàng nâng phần chân sau của thỏ lên một vài cm, với đầu của thỏ được kẹp an toàn vào khuỷu tay của tay dùng để massage và cột sống của thỏ được hỗ trợ chắc chắn. Tư thế này sẽ giúp khí trong bụng thỏ thoát dễ dàng hơn và tạo cảm giác thoải mái cho chúng. Khi đã quen bị giữ theo cách này, thỏ thường sẽ thả lỏng chân để thoải mái và nhẹ nhõm hơn khi xoa bóp.

Các cơ quan nội tạng của thỏ rất mỏng manh; bạn phải cẩn thận để tránh làm chúng bị bầm tím và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sau khi xoa bóp thủ công một chút, hãy thử dùng máy mát xa rung điện. Cách này hiệu quả như massage bằng tay.

Loại máy massage có bề mặt phẳng, lớn có thể được giữ chặt vào bụng thỏ trong thời gian tương đối dài. Ấn mạnh máy massage vào bụng, bắt đầu từ mức thấp nhất và nâng cao hơn. Lúc đầu, chú thỏ có thể hơi ngạc nhiên, nhưng hầu hết chúng sẽ quen và tận hưởng điều này.

b. Cho thỏ uống thuốc

– Simethicone an toàn để sử dụng, ngay cả khi để phòng ngừa, miễn là nó không được sử dụng lâu dài. Nếu thỏ của bạn không cải thiện thì hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y khẩn cấp.

Các triệu chứng của chứng tắc nghẽn tiêu hóa rất giống với các triệu chứng mà thỏ mắc phải khi bị tích tụ khí. Trên thực tế, sự tích tụ khí có thể dẫn đến tình trạng ứ trệ tiêu hóa. Trong những trường hợp này, bạn có thể cho thỏ dùng thuốc simethicone của trẻ em để giảm đau do khí gây ra. Bạn có thể cho chúng uống 1ml simethicone mỗi giờ trong 3 giờ, sau đó cho chúng uông 1ml sau mỗi 3 đến 8 giờ. Bạn có thể dùng loại Simethicone dành cho trẻ em.

Bột Benebac Plus: có thể hữu ích trong việc giúp thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa.

c. Theo dõi nhiệt độ cơ thể

Hãy theo dõi nhiệt độ cơ thể của thỏ thật cẩn thận, bằng cách đo nhiệt độ thông qua trực tràng. Nếu nhiệt độ cơ thể của thỏ cao hơn bình thường (lớn hơn 38 – 40oC) thì thỏ có thể bị căng thẳng hoặc nhiễm trùng, và chúng cần được chăm sóc thú y ngay lập tức.

Nhiệt độ cơ thể thấp bất thường (hạ thân nhiệt) có thể là dấu hiệu của sốc hoặc nhiễm trùng huyết – một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào máu. Nếu thỏ có nhiệt độ thấp hơn 37,7° C thì đây được coi là một trường hợp khẩn cấp.

Để giữ ấm cho thỏ, hãy đặt chúng cạnh miếng đệm sưởi hoặc bình nước nóng. Bọc các dụng cụ sưởi ấm này trong một chiếc khăn để tránh làm bỏng thỏ. Bạn cũng có thể quấn khăn hoặc ôm thỏ vào người để sưởi ấm bằng thân nhiệt. Nó có thể mất một giờ hoặc hơn nếu thỏ bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng.

d. Cho thỏ uống nước

Một con thỏ khỏe mạnh cần uống từ 90 – 100ml nước cho mỗi ký cân nặng. Những con thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa cần nước để làm mềm các khối cứng trong bụng của chúng. Ngoài nước, bạn có thể cho thỏ uống chất điện giải không hương vị Pedialyte. Tránh bất kỳ chất lỏng nào có chứa một lượng lớn đường, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại trong manh tràng.

e. Ép thỏ ăn

Thỏ bỏ ăn là một tình trạng đáng lo ngại, và nó có thể gây ra các tình trạng xấu. Miễn là bác sĩ thú y của bạn đã xác định rằng không có sự tắc nghẽn thực sự và có đủ chuyển động của hệ tiêu hóa để giữ cho dạ dày không bị đầy quá mức, hãy tiếp tục cho thỏ ăn!

Bạn có thể ngâm khoảng 2 – 3 thìa thức ăn viên trong khoảng nửa cốc nước ấm hoặc trà hoa cúc cho đến khi chúng mềm và tơi ra. Thức ăn viên sẽ mềm nhanh hơn trong dung dịch hơi ấm, nhưng quá nóng có thể phá hủy một số thành phần dinh dưỡng của chúng. Trộn hỗn hợp này với  rau củ xay cho đến khi nó tạo thành một hỗn hợp sệt sệt với độ đặc như bánh pudding. Để hỗn hợp thật nguội và cho nó vào xi lanh.

Đưa đầu ống tiêm vào khoảng trống phía sau răng cửa của thỏ và bóp nhẹ sang hai bên để tránh thức ăn tràn xuống khí quản. Mỗi lần chỉ cho 1-2 cc, để thỏ có thời gian nhai và nuốt. Việc hít phải thức ăn có thể đe dọa đến tính mạng của chúng, vì vậy hãy cho thỏ ăn thật cẩn thận!

f. Cung cấp cỏ khô và các loại thảo mộc

Cung cấp nhiều cỏ khô tươi, chẳng hạn như timothy. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên tránh cho ăn cỏ khô cỏ linh lăng vì nó có quá nhiều protein và canxi. Loại cỏ này cũng có nhiều khả năng gây đầy hơi và chứa các loại nấm ký sinh tạo ra độc tố nấm mốc có thể khiến thỏ tử vong.

huấn luyện thỏ
Hãy cho thỏ các nhiều cỏ khô càng tốt

Chất xơ và độ ẩm trong rau tươi cũng sẽ giúp kích thích đường ruột. Cải xoăn là một lựa chọn tốt. Nếu thỏ không chịu ăn, hãy thử các loại thảo mộc thơm và tươi như bạc hà, húng quế, thì là, ngò, ngải giấm, xô thơm, mùi tây và những loại khác. Bạn có thể để những loại rau này dưới mũi thỏ hoặc thậm chí nhẹ nhàng đút vào khóe miệng của chúng. Một chút hương vị có thể kích thích thỏ của bạn nhấm nháp. Hãy thử nhiều loại rau khác nhau.

5. Điều trị tại thú y

Khi bạn mang thỏ đến phòng thú y, hãy nói với bác sĩ về tình trạng của thỏ. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe toàn diện trên thỏ của bạn, cũng như các xét nghiệm như chụp X-quang và xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng của thỏ.

Thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa thường trông đầy hơi, đi phân ít hoặc không có phân, dạ dày và ruột to, đầy hơi trên phim chụp X-quang. Các xét nghiệm máu thường cho biết về tình trạng mất nước và các giá trị điện giải bất thường. Cũng có thể có những thay đổi liên quan đến các bệnh tiềm ẩn khác (chẳng hạn như bệnh thận hoặc gan). Khi kiểm tra miệng thỏ có thể thấy các đầu nhọn trên răng, gây khó chịu khi nhai hoặc bằng chứng của bệnh áp xe răng (nhiễm trùng).

Sau khi bác sĩ thú y của bạn xác nhận rằng thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa và xác định nguyên nhân cơ bản khiến thỏ của bạn bỏ ăn, việc điều trị chăm sóc sẽ tùy thuộc vào tình trạng của thỏ. Điều này có thể bao gồm:

–  Cho thỏ uống hoặc truyền dịch để giữ nước và cung cấp cho chúng chất điện giải cần thiết. Một con thỏ bị mất nước sẽ cảm thấy mệt mỏi và ốm yếu, và có thể không có nhiều ý chí sống như những con được cung cấp đủ nước.

Truyền dịch là một trong những biện pháp giúp thỏ đỡ bị mất nước khi thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa

–   Cho thỏ uống thuốc điều chỉnh nhu động (chẳng hạn như cisapride hoặc reglan) để tăng cường sự di chuyển của thức ăn qua dạ dày và ruột. (lưu ý không bao giờ được dùng thuốc giảm đau có chất gây mê cùng với Reglan do khả năng tương tác nguy hiểm giữa hai loại thuốc này). Có thể mất đến hai tuần khi sử dụng thuốc trước khi ruột của thỏ hoạt động trở lại hoàn toàn.

–  Cho thỏ uống thuốc giảm đau: rất quan trọng trong sự phục hồi của thỏ. Một con thỏ bị chứng ứ máu đường ruột đôi khi bỏ cuộc và chết vì đau bụng dữ dội.

– Cho dùng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết, kháng viêm

– Dùng enzym thực vât hỗ trợ tiêu hóa như papain (được tìm thấy trong đu đủ) và bromelain (được tìm thấy trong dứa): hữu ích trong việc làm lỏng và làm mềm một khối thức ăn và lông bị kẹt trong đường tiêu hóa. Lưu ý là bạn không nên dùng nước ép dứa tươi vì nó chứa nhiều đường.

– Chất kích thích thèm ăn: Vitamin nhóm B, được dùng bằng đường uống hoặc tiêm, hoặc Periactin (cyproheptadine) có thể được sử dụng để kích thích sự thèm ăn và cung cấp các chất cần thiết.

Trong hầu hết các trường hợp, thỏ sẽ có thể hồi phục sau các bước này. Bạn càng sớm nhận được sự chăm sóc cần thiết cho họ, thì họ càng có nhiều khả năng phục hồi nhanh chóng. Điều quan trọng nhất trong việc chữa trị thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là tìm ra nguyên nhân chính của vấn đề.

  • Thỏ thiếu chất xơ, ăn quá nhiều đồ ăn vặt
  • Bị nhiễm trùng hoặc bệnh tiềm ẩn gây ra đau đớn / căng thẳng
  • Răng mọc quá mức hay răng bị áp xe
  • Nnhững thay đổi lớn trong gia đình gây căng thẳng tâm lý cho thỏ (mất bạn đời của thỏ, thú cưng mới vào nhà, khách đến thăm, công trình xây dựng..)

Hãy tìm bác sĩ thú y có kinh nghiệm và giỏi về thỏ. Thật không may, không có nhiều bác sĩ ở Việt Nam chuyên về thỏ. Nếu họ chữa trị cho một con thỏ như thể nó là một con chó hoặc con mèo có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

6. Cách chăm sóc thỏ

Điều cần thiết khi chăm sóc một con thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là phải kiên nhẫn, hãy đợi các phương pháp điều trị và thuốc phát huy tác dụng. Có thể mất vài ngày trước khi thỏ bắt đầu đi vệ sinh lại và có thể mất hai tuần hoặc hơn trước khi ruột của chúng hoạt động bình thường trở lại.

Sau khi thỏ ở nhà với bạn, bạn cần đảm bảo giữ ấm và thoải mái cho chúng. Bạn nên tránh ôm ấp hay bế thỏ càng nhiều càng tốt, vì điều đó có thể gây căng thẳng cho chúng, nhưng bạn có thể vuốt ve chúng. Tuân thủ theo lịch cho thỏ uống thuốc.

Không nên mang thỏ đến bác sĩ thú y hơn mức cần thiết, việc căng thẳng khi đi lại có thể làm chậm quá trình hồi phục. Thay vào đó, bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y thường xuyên để kiểm tra về tiến độ và bất kỳ thay đổi nào. Bất cứ khi nào có thể, hãy dùng thuốc tại nhà, nơi thỏ cảm thấy an toàn và an toàn.

Vuốt ve giúp thỏ cượt qua được bệnh tật

Trong khi bạn đang điều trị thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa, ĐỪNG BAO GIỜ tách chúng ra khỏi người bạn thỏ của mình (nếu bạn nuôi 2 con). Bản thân căng thẳng của sự chia ly có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn nuôi thỏ 1 mình, điều quan trọng là bạn hãy dành cho nó sự quan tâm và tình cảm trong suốt quá trình thử thách này.

Thỏ sẽ nhanh chóng phục hồi hơn khi biết rằng chúng không bị bỏ rơi trong cơn khốn khó. Nhưng hãy làm điều này một cách vừa phải. Nhiều con thỏ có thể cảm nhận được sự sợ hãi và đau buồn của bạn và điều này có thể gây ra căng thẳng. Hãy thăm hỏi và yêu thương chú thỏ của bạn, nhưng cũng cho chúng thời gian để tự phục hồi.

Bạn nên sắm cho mình một ống nghe (không nhất thiết phải là loại đắt tiền) để theo dõi âm thanh đường ruột. Việc bụng thỏ dần dần trở lại với tiếng kêu ục ục nhẹ nhàng là một dấu hiệu rất tốt. Đây là dấu hiệu của sự hồi phục, ngay cả khi thỏ chưa đi cầu ra nhiều phân. Bạn nên tiếp tục sử dụng các thuốc tăng nhu động ruột, xoa bóp nhẹ nhàng và chăm sóc hỗ trợ, và giảm dần khi thỏ phân của thỏ dần ổn định trở lại.

Đừng lo lắng nếu đợt phân viên đầu tiên của nhỏ cứng và không ổn định, thậm chí có kèm theo một số chất nhầy. Cũng đừng ngạc nhiên nếu thỏ tạo ra một loạt các viên nhỏ, không đi gì trong một ngày, và sau đó lại đi nhiều hơn. Đôi khi, ruột dường như phục hồi lại chức năng của nó một cách vừa vặn và bắt đầu, thay vì tất cả cùng một lúc. Điều trị đều đặn, nhẹ nhàng và giảm căng thẳng là điều cần thiết vào lúc này.

Ngoài những loại thuốc này, bạn cũng có thể sẽ được hướng dẫn cho thỏ ăn cho đến khi chúng ăn uống bình thường trở lại. Thỏ sẽ có thể ăn thức ăn thông thường trong vòng vài ngày, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn, vì vậy hãy đảm bảo quan sát thỏ và hỏi ý kiến ​​bác sĩ thú y nếu bạn không biết phải làm gì.

7. Các bước phòng ngừa

Cho thỏ của bạn ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Hầu hết thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là do chế độ ăn uống không lành mạnh và không cân bằng. Bằng cách đảm bảo rằng thỏ ăn đúng cách theo các hướng dẫn sau, bạn có thể giúp giữ cho đường ruột của chúng khỏe mạnh.

Đảm bảo cho thỏ uống đủ nước để thức ăn có thể di chuyển trơn tru. Bạn cũng có thể cho chúng hấp thụ nước từ lá rau vừa rửa sạch.

– Cho thỏ tập thể dục không chỉ giữ cho cơ xương chắc khỏe mà còn giữ cho cơ trơn của ruột săn chắc và hoạt động tốt.

–  Kiểm tra thú y thường xuyên: Khám sức khỏe hàng năm có thể giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, trước khi nó trở thành một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

– Giảm căng thẳng. Cố gắng giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống của thỏ. Đảm bảo rằng họ có đủ khả năng xã hội hóa và tránh đặt họ vào những tình huống đáng sợ.

Tổng kết

Thỏ bị tắc nghẽn tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến nhất mà thỏ có thể mắc phải. Có rất nhiều lý do gây ra vấn đề này như khi thỏ bỏ ăn, do căng thẳng, thiếu nước, do bệnh tật hoặc béo phì. Tắc nghẽn tiêu hóa ở thỏ là một bệnh đột ngột có thể gây tử vong cho thỏ trong khoảng thời gian 24 giờ, nên điều quan trọng là phải biết được các triệu chứng để có thể giúp chúng kịp thời

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng thông thường, chẳng hạn như thỏ không đi ị hoặc bỏ ăn, mệt mỏi, bụng kêu to…thì hãy đưa chúng đến phòng khám thú y cấp cứu càng sớm càng tốt. Nếu nhận được trợ giúp y tế sớm thì chúng có thể hồi phục hoàn toàn. Cách tốt nhất để ngăn chặn ứ trệ tiêu hóa là đảm bảo thỏ của bạn có một chế độ ăn uống làm lành mạnh, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ và cố gắng giảm bớt căng thẳng cho chúng.

Nguồn:

  • Gastrointestinal Stasis: The Silent Killer” House Rabbit Society
  • How to Quickly Detect GI Stasis in Rabbits” The Bunny Lady
Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!