Bệnh FIP ở mèo (viêm phúc mạc): cách nhận biết và phòng ngừa

Bệnh FIP ở mèo là một trong những căn bệnh nguy hiểm và khó lường nhất. Tuy không quá phổ biến nhưng một khi đã mắc bệnh, 98% mèo sẽ tử vong. Vậy bệnh FIP ở mèo là gì và tại sao mèo lại bị?

1. Bệnh FIP ở mèo là bệnh gì?

FIP, hay còn gọi là bệnh viêm phúc mạc truyền nhiễm ở mèo, là căn bệnh do virus ở mèo gây ra bởi một số chủng virus được gọi là coronavirus. Tuy nhiên, đây không phải là loại Corona 2019nCoV cho người, mà là loại virus Corona của mèo FCoV (Feline Corona).

Đây không phải là căn bệnh đặc biệt phổ biến, nhưng bệnh FIP ở mèo phần lớn gây tử vong, lên đến 98%.

 

Virus tạo ra bệnh FIP ở mèo

FCoV là một loại virus phổ biến và truyền nhiễm được truyền qua phân của mèo. Nó thường được tìm thấy trong nơi có nhiều mèo. Virus này không ảnh hưởng đến động vật khác hoặc người. 2 loại FCoV sinh học thường được biết đến là:

  • Virus Corona đường ruột (FeCV): gây nhiễm trùng ruột mèo
  • Virus viêm phúc mạc truyền nhiễm (FIPV): khi các lỗi ngẫu nhiên xảy ra, virus biến đổi từ FeCV thành FIPV. FIPV gây ra căn bệnh nguy hiểm không thể cứu chữa FIP ở mèo.

2. Đối tượng dễ bị bệnh FIP mèo

– Bất kỳ con mèo nào mang virus FeCV đều có nguy cơ phát triển FIP, nhưng nguy cơ mèo con bị FIP cao hơn, với khoảng 70% trường hợp được chẩn đoán ở mèo dưới 5 tháng tuổi và 50% trường hợp xảy ra ở mèo dưới 7 tháng tuổi.

– Môi trường có nhiều mèo (nhà nuôi 3,4 con mèo hoặc nơi foster mèo, trạm cứu hộ): theo nghiên cứu thì trong môi trường có nhiều mèo, khả năng chúng mắc virus Corona FIPV sẽ cao hơn và dễ lây lan hơn.

Càng nuôi nhiều mèo, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao

Người ta vẫn chưa biết được chính xác tại sao FCoV lại xảy ra lỗi đột biến. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một số tác nhân dưới đây có thể gia tăng sự biến đổi của virus Corona:

  • Tuổi tác: mèo già và trẻ dễ mắc bệnh hơn
  • Mèo có hệ thống miễn dịch kém hoặc mặc nhiều bệnh cùng lúc
  • Một số giống mèo nhất định có nhiều khả năng bị FIP ở mèo hơn các giống khác. Những giống này bao gồm Abyssinian, Bengal, Birman, Himalayan, Ragdoll và Devon Rex.
Giống mèo Abyssinian dễ bị FIP
  • Những con mèo bị căng thẳng do nhốt chuồng, vừa mới phẫu thuật hoặc bị nhiễm trùng đồng thời (nhiều hơn một lần nhiễm trùng) cũng có thể dễ bị FIP hơn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tránh các trường hợp gây căng thẳng cho mèo. Bạn có thể áp dụng các cách giảm căng thẳng cho mèo theo hướng dẫn sau.
  • Các yếu tố di truyền cũng được cho là đóng góp vào sự phát triển của FIP trên mèo (khá hiếm).

3. Mèo bị FIP như thế nào?

Nguyên nhân gây ra bệnh FIP ở mèo là do virus FeCV đột biết thành FIPV. Mèo bị nhiễm virus FeCV hay Corona thường bị lây từ những con mèo khác qua:

– Phân và nước bọt: những con mèo hay đi vệ sinh chung thau cát hoặc mèo thường xuyên liếm láp nhau dễ bị lây bệnh.

– Chất gây ô nhiễm trong không khí: mèo có thể bị nhiễm loại virus này do hít phải các chất gây ô nhiễm trong không khí của 1 số chủng Corona. Mặc dù virus khá mỏng manh và không tồn tại quá 24-36 giờ trong môi trường bình thường, người ta tin rằng nhiệt độ lạnh có thể bảo tồn virus trong nhiều tháng. Sự lây truyền virus qua quần áo hoặc các đồ vật khác chỉ có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc.

Như đã giải thích ở trên, hầu hết các trường hợp nhiễm corona ở mèo tương đối vô hại. Thật không may, nhiễm trùng lành tính ban đầu này sau đó có thể đột biến để gây ra bệnh viêm phúc mạc ở mèo (bệnh FIP ở mèo). Virus có thể ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể mèo hoặc không hoạt động từ vài tháng đến nhiều năm trước khi chúng phát bệnh.

4. Triệu chứng FIP ở mèo

– Mèo bị nhiễm FeCV thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong lần nhiễm virus ban đầu, nhưng đôi khi có thể bị tiêu chảy từng cơn ngắn và / hoặc các dấu hiệu nhẹ ở đường hô hấp trên (hắt hơi, chảy nước mắt và chảy nước mũi), sau đó chúng tự khỏi. Giai đoạn này có thể bị nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp trên của mèo. Bạn có thể xem thêm các dấu hiệu ở bệnh cúm mèo để phân biệt 2 bệnh với nhau.

Mèo bị nhiễm FeCV thường có phản ứng miễn dịch, qua đó các kháng thể chống lại virus được tạo ra trong vòng 7-10 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

 

Bệnh fip mèo triệu chứng

– Tại sao mèo bị FIP? Trong khoảng 10% mèo bị nhiễm FeCV, một hoặc nhiều đột biến của virus có thể làm thay đổi hành vi sinh học của nó, dẫn đến các tế bào bạch cầu bị nhiễm virus và lây lan khắp cơ thể mèo. Khi điều này xảy ra, virus được gọi là FIPV. Phản ứng viêm dữ dội đối với FIPV xảy ra xung quanh các mạch trong mô nơi các tế bào bị nhiễm bệnh này định vị, thường ở bụng, thận hoặc não.

Chính sự tương tác này giữa hệ thống miễn dịch của cơ thể và virus là nguyên nhân gây ra sự phát triển của bệnh FIP ở mèo. Một khi bệnh FIP ở mèo phát triển lâm sàng, bệnh thường tiến triển và hầu như luôn gây tử vong nếu không có liệu pháp điều trị.

Dấu hiệu bệnh FIP ở mèo

– Dấu hiệu FIP ở mèo ban đầu có thể rất mơ hồ:

  • tình trạng thờ ơ
  • chán hoặc bỏ ăn
  • sụt cân và sốt dao động

– Sau khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần, các triệu chứng bệnh FIP ở mèo khác thường bắt đầu xảy ra. Ở giai đoạn này, mèo nhiễm FIP sẽ phát triển thành 2 dạng:

– FIP thể ướt ở mèo:

Chất lỏng sẽ tích tụ trong các khoang cơ thể của mèo, như trong ổ bụng, dẫn đến bụng sưng lên; hoặc trong khoang ngực, dẫn đến khó thở. Chất lỏng tích tụ thường có hàm lượng protein rất cao và thường có màu vàng trong. Tuy nhiên, các bệnh khác (bệnh gan và ung thư) cũng có thể gây ra tình trạng tích nước tương tự.

Cách nhận biết mèo bị fip ướt

– Bệnh FIP ở mèo dạng khô:

FIP thể khô gây ra các tổn thương viêm mãn tính phát triển xung quanh các mạch máu ở nhiều cơ quan và vị trí khác nhau trong cơ thể. Tình trạng viêm này đa số ảnh hưởng đến mắt (30%) và não (30%). Nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến hầu hết các mô trong cơ thể bao gồm gan, thận, phổi và da.

Do đó, dấu hiệu mèo bị FIP thể khô có thể bao gồm bệnh thần kinh (như dáng đi loạng choạng và không vững), chảy máu trong mắt và các dấu hiệu bệnh mơ hồ khác có thể xảy ra với các tổn thương ở gan hoặc các cơ quan nội tạng khác.

5. Chẩn đoán bệnh FIP ở mèo

Bệnh FIP ở mèo là một căn bệnh rất khó chẩn đoán vì không có dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu để chẩn đoán, và không có xét nghiệm máu đơn giản để xác định chẩn đoán. Bệnh FIP ở mèo có thể được coi là có nhiều khả năng hơn khi:

– Mèo có dấu hiệu lâm sàng tương thích với FIP

– Mèo thuộc loại có nguy cơ cao hơn (mèo có hệ miễn dịch kém, mèo sống trong nhóm đông, …)

– Có những thay đổi trong các xét nghiệm máu định kỳ, gồm:

  • Giảm bạch huyết
  • Tăng bạch cầu trung tính
  • Thiếu máu
  • Nồng độ globulin tăng cao
  • Tăng men gan (ví dụ, ALT, ALP)
  • Bilirubin tăng cao (và vàng da hoặc vàng ở nướu và mắt)

Tuy nhiên, các thay đổi này cũng xảy ra với các bệnh khác. Nhưng nếu chúng thay đổi kết hợp với các dấu hiệu thích hợp khác thì khả năng chẩn đoán mèo bị viêm phúc mạc sẽ cao hơn. Những thay đổi này có thể không xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh, nhưng sẽ trở nên rõ ràng khi bệnh tiến triển. Vì vậy một số xét nghiệm cho kết quả bình thường có thể phải thực hiện lại sau đó.

Với viêm phúc mạc mèo, chất dịch lỏng trong khoang bụng/ngực luôn có hàm lượng protein cao (lớn hơn 35g/l) và ít nhất 50% protein là globulin. Bởi vì xét nghiệm này rất hữu ích và vì một số bệnh khác gây ra loại tích tụ chất lỏng này. Khi nghi ngờ FIP ở mèo, bác sĩ thú y thường chụp X-quang hoặc kiểm tra siêu âm để xem có chất lỏng hay không để có thể lấy mẫu phân tích. Phân tích mẫu này rất hiếm ở Việt Nam.

– Việc lấy mô ở mèo và đánh giá bằng kính hiển vi vẫn là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh FIP ở mèo.

– Việc test FIP ở mèo bằng máu qua que thử cũng chưa chắc ra kết quả chính xác. Kết quả dương tính chỉ có nghĩa là con mèo đã từng tiếp xúc với coronavirus trước đó, nhưng không nhất thiết là với FIPV.

Như bạn có thể thấy, bệnh FIP ở mèo là một trong những căn bệnh chẩn đoán khó nhất đối với bác sĩ thú y vì mức độ phức tạp của bệnh và những hạn chế của các xét nghiệm bệnh fip mèo hiện tại. Mặc dù những xét nghiệm này có thể hữu ích nhưng không có xét nghiệm nào chính xác 100% và mỗi xét nghiệm đều có những hạn chế riêng có thể dẫn đến kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.

6. Cách điều trị FIP ở mèo

– Với những con mèo bị nhiễm FCoV thông thường thì không cần điều trị, vì hệ thống miễn dịch của mèo sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus. Những con sẽ bị nhiễm có thể tự lành, nhưng bệnh có khả năng tái phát, thường trong vòng vài tuần. Một số con mèo không bao giờ lành, và giai đoạn bài tiết có chứa virus vẫn còn vĩnh viễn. Một số con mèo kháng virus và có thể tránh nhiễm trùng.

– Một số con mèo bị tái lại và chủng virus này (FCoV) có thể đột biến thành FIPV và dẫn đến căn bệnh FIP, nhất là trong môi trường có đông mèo. Những nơi mà có nhiều mèo sống chung với nhau (như chỗ foster mèo hoặc trạm cứu hộ) thì khả năng FCoV đột biến sẽ cao hơn.

Mèo bị fip bao lâu thì chết

Và rất tiếc là theo chúng tôi được biết thì không có cách chữa bệnh FIP ở mèo. 98% những con mèo mắc bệnh này sẽ chết. Mèo bị FIP dạng ướt chỉ có thể sống được vài ngày tới vài tuần (trung bình là 5 tuần), trong khi mèo bị FIP khô có thể sống lâu hơn, từ vài tuần tới vài tháng.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ có thể kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống, tuy nhiên, không có thuốc đặc trị. Thuốc chống viêm như corticosteroid (ví dụ: prednisolone) kết hợp với một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (ví dụ: cyclophosphamide), có thể tạm thời làm giảm viêm và cải thiện tình trạng của mèo.

Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm các loại thuốc mới. Hy vọng trong tương lai gần nhất sẽ có thuốc chữa trị bệnh FIP ở mèo.

7. Cách phòng bệnh FIP ở mèo

Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất đã phát triển vaccine tiêm phòng FIP cho mèo. Tuy nhiên vì các nguyên nhân khác nhau mà sự thành công của việc chích ngừa FIP cho mèo là không chắc chắn. Hiện tại, các loại vaccine FIP cho mèo không được khuyến khích sử dụng.

bệnh giảm bạch cầu ở mèo

– Cách duy nhất để ngăn ngừa dứt điểm bệnh FIP ở mèo là ngăn ngừa nhiễm virus FeCV, điều này có thể gặp nhiều khó khăn. Điều này đặc biệt đúng với những con mèo được nuôi nhốt với mật độ cao (trạm cứu hộ, chỗ foster). Nên nuôi mèo với số lượng từ 3 con trở xuống mỗi phòng để giảm thiểu những căng thẳng có thể liên quan đến điều kiện sống đông đúc.

– Nếu bạn nuôi nhiều hơn 1 con mèo thì bạn có thể giảm thiểu sự lây lan virus Corona bằng cách:

  • rửa sạch sẽ tô thức ăn và nước uống của từng con
  • làm sạch không gian sống
  • có ít nhất một cát cho mỗi hai con mèo, đặt ở những khu vực dễ làm sạch và khử trùng
  • để hộp cát xa bát đựng thức ăn và nước uống, đồng thời làm sạch / khử trùng chúng thường xuyên (ít nhất là hàng ngày)

– Tránh căng thẳng, duy trì vệ sinh tốt và chăm sóc sức khỏe phòng ngừa cho tất cả mèo của bạn. Hạn chế nuôi quá nhiều mèo trong một không gian quá bé.

– Giữ cho mèo càng khỏe mạnh càng tốt, bao gồm cả việc ngăn ngừa sự lây nhiễm của các vi rút khác như virus FeLV gây bệnh bạch cầu ở mèovi rút calicivirus bằng cách tiêm phòng thích hợp.

– Bệnh FIP ở mèo không lây sang người, chó hay các động vật khác, mà bệnh FIP chỉ lây từ con mèo này sang con mèo khác. Nếu mèo bị FIP, hãy cách ly chúng với những con khác trong nhà.

Nếu mèo của bạn không may qua đời, hãy chờ ít nhất 3 tháng xem những con mèo khác có phát bệnh hay không. Và chờ thêm 1 tháng nữa trước khi bạn mang bé mèo mới vào nhà. Tuy nhiên, những con mèo đã tiếp xúc trước đây có thể là vật mang mầm bệnh và có khả năng lây nhiễm cho bất kỳ con mèo mới nào.

– Không để mèo đi hoang.

Tổng kết

Bệnh FIP ở mèo là một trong những bệnh nguy hiểm gây tử vong cho mèo và không có thuốc chữa. Nguyên nhân mèo bị FIP là do sự độ biến của virus FeCV thành FIPV. Virus có khả năng đột biến nhiều trong các môi trường mèo đông đúc và căng thẳng, mèo có hệ miễn dịch kém như mèo già và mèo con.
Bệnh FIP ở mèo có 2 dạng: lỏng và khô. FIP ở mèo dạng lỏng thường tích nước ở ổ bụng hoặc khoang ngực khiến mèo khó thể. FIP dạng khô khó phát hiện hơn, nó thường ảnh hưởng đến não và mắt mèo, khiến mèo đi loạng choạng. Bệnh FIP ở mèo thường ủ vài tháng tới 1 năm trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng. Dấu hiệu nhận biết bệnh FIP ở mèo rất khó để phát hiện, các que test, xét nghiệm máu cũng không chính xác 100%, vẫn có sai sót xảy ra.
Không có các điều trị FIP ở mèo. Những con mèo bị FIP gần như không thể chữa trị. 98% những con mắc bệnh sẽ chết. Bạn có thể giảm thiểu khả năng mèo bị bệnh bằng cách nuôi từ 3 con mèo trở xuống để tạo không gian cho chúng, giảm căng thẳng cho mèo, dọn dẹp bát thức ăn nước uống và khay cát của chúng sạch sẽ. Bạn cũng nên hạn chế cho mèo đi rong ngoài đường.

Leave a Comment

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!