Bệnh giảm bạch cầu ở mèo FPV và cách điều trị, phòng ngừa

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo (FPV) là một trong những căn bệnh nguy hiểm. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bé mèo của bạn có thể không qua khỏi. Vậy làm thế nào để chữa trị và phòng ngừa căn bệnh gbc ở mèo?

1. Bệnh giảm bạch cầu FPV là bệnh gì?

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo (Feline panleukopenia virus) do virus Feline parvovirus gây nên. Nó được gọi là bệnh giảm bạch cầu do khi mèo mắc bệnh, số lượng bạch cầu của chúng có thể giảm từ mức bình thường vài nghìn trên một ml máu xuống chỉ còn vài trăm. Điều này làm cho mèo dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng khác.

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo FPV còn được gọi là bệnh pravo ở mèo hay bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở mèo (FIE).

Bệnh giảm bạch cầu (gbc) ở mèo rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao: 50% với những con mèo trưởng thành và 99% với mèo con.

Virus Gbc ở mèo

Loài virus này “sống” khá dai. Chúng có thể chịu được các chất sát trùng, acid và chloroform; sống tới 30 phút ở nhiệt độ 56oC. Chúng tồn tại trong nhân tế bào của vật chủ, sinh sôi nảy nở và nhanh chóng hủy hoại vật chủ một cách dễ dàng. Tất cả  mèo đều có khả năng mắc bệnh FPV.

2. Nguyên nhân giảm bạch cầu ở mèo

Mèo bị suy giảm bạch cầu do bị lây virus từ những con mèo nhiễm bệnh khác. Bệnh gbc ở mèo được lây qua 2 đường trực tiếp và gián tiếp:

– Lây nhiễm trực tiếp:

  • Mèo của bạn có thể bị lây bệnh từ các con mèo bị bệnh giảm bạch cầu khác thông qua virus trong phân, nước bọt, chất tiết. Trường hợp này dễ xảy ra với các trạm cứu hộ, chỗ foster mèo và những nơi nhận gửi mèo.

  • Mèo hoang, không rõ nguồn gốc có thể lây lan dịch bệnh gbc mèo. Vì vậy, khi bạn đem bất cứ một bé mèo ngoài đường nào về nhà nuôi, hãy cách ly với các con mèo khác của bạn và theo dõi từ 10-14 ngày. Bạn có thể xem thêm cách xử lý khi mới mang mèo hoang về nhà để an toàn cho cả bạn và mèo.
  • Những nơi bắt trộm, giết mổ và buôn bán mèo cũng là nguồn lây nhiễm bệnh suy giảm bạch cầu ở mèo.

– Lây nhiễm gián tiếp:

Virus giảm bạch cầu ở mèo tồn tại trong 1 năm, trong môi trường bên ngoài và kháng lại các chất khử trùng thông thường, chờ cơ hội để bùng phát. Chúng bám trên bề mặt các vật dụng dùng chung cho mèo như chuồng nhốt mèo, cây mèo cat tree, khay ăn, tấm thảm nằm, thau cát và lây nhiễm sang các con mèo không bệnh khác.

Ngay cả con người cũng có thể làm vật chủ trung gian để lây nhiễm virus từ con mèo này sang con mèo khác, thông qua quần áo hay tay của bạn.

3. Triệu chứng giảm bạch cầu ở mèo

Trong vòng 24 tiếng, virus FPV sẽ xâm nhập vào máu, tiến thẳng vào tế bào lympho, tấn công hệ miễn dịch và phá hủy niêm mạc ruột. Thời giản ủ bệnh giảm bạch cầu ở mèo từ khi nhiễm bệnh cho đến khi phát triển các dấu hiệu lâm sàng thường là 3-5 ngày, hiếm khi lâu hơn một tuần.

Mèo con dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt là khi các kháng thể bảo vệ mà chúng nhận được trong sữa mẹ đã suy yếu vào khoảng 4 đến 12 tuần tuổi. Mèo trưởng thành chưa được tiêm phòng cũng dễ mắc bệnh này và việc tiêm vaccine tăng cường mất hiệu lực có thể gặp nhiều rủi ro.

– Dấu hiệu giảm bạch cầu ở mèo:

  • Nhiệt độ thay đổi: sốt trong giai đoạn đầu và hạ thân nhiệt trong giai đoạn sau
  • Ói, miệng chảy nhớt và có mùi khó chịu
  • Tiêu chảy, phân lỏng, đôi khi còn kèm theo cả nhớt và máu, có mùi tanh
  • Lông xơ xác, bết, da mất đi độ đàn hồi do mất nước
  • Mèo đói và khát nhưng lại không thể ăn uống được
  • Ủ rũ, không chạy nhảy như bình thường; hay rúc vào chỗ tối để ngủ

Ói mửa dịch vàng thường là triệu chứng bệnh giảm bạch cầu ở mèo

Nếu bạn đang nuôi một con mèo mang thai, chúng tôi khuyến khích bạn nên tìm hiểu thêm cách chăm sóc mèo có bầu để đảm bảo mèo mẹ và con luôn trong tình trạng tốt nhất.

Thông thường mèo bị giảm bạch cầu phát triển các bệnh nhiễm trùng khác do hệ thống miễn dịch của chúng bị suy yếu. Chúng có thể bị chảy mủ (xanh / vàng) từ mắt và mũi. Ở mèo con bị nhiễm trùng nặng, đôi khi dấu hiệu mèo bị giảm bạch cầu duy nhất là đột tử.

4. Cách chữa bệnh giảm bạch cầu ở mèo

Nếu xuất hiện các triệu chứng mèo bị giảm bạch cầu, hãy làm theo các bước sau:

a. Cách ly mèo bị gbc ngay lập tức

Nếu nhà bạn nuôi hơn 1 con mèo thì ngay lập tức, hãy cách ly mèo bị gbc, tránh lây nhiễm cho các con mèo khác và bùng phát thành ổ dịch. Tốt nhất là để mèo bệnh vào một chuồng riêng và để ở khu vực riêng với đầy đủ các đồ dùng riêng cá nhân cho chúng. Điều này tiện cho việc theo dõi và vệ sinh môi trường xung quanh.

b. Xác định bệnh

Bạn có thể mua que test giảm bạch cầu ở mèo tại các phòng khám thú y hoặc tại các cửa hàng thú cưng. Các que test này có giá từ 80.000 – 150.000.

– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cách test giảm bạch cầu ở mèo. Dùng tăm bông lấy dịch ói/phân của mèo, sau đó bỏ vào lọ dung dịch mẫu, khuấy lên. Sau đó, bạn lấy 3,4 giọt trong lọ dung dịch và nhỏ vào que thử bệnh giảm bạch cầu mèo và chờ từ 5-10 phút.

  • 1 vạch là âm tính (mèo không bị bệnh FPV)
  • 2 vạch là dương tính (mèo bị giảm bạch cầu FPV)

c. Đưa mèo giảm bạch cầu ra thú y

Mèo bị giảm bạch cầu có chữa được không? FPV trên mèo là căn bệnh nguy hiểm không có thuốc chữa. Tất cả cách điề trị giảm bạch cầu ở mèo là để điều trị triệu chứng. Tuy bệnh giảm bạch cầu mèo không có thuốc chữa, nhưng nếu phát hiện bệnh kịp thời, các triệu chứng có thể được điều trị và mèo có thể phục hồi. Bác sĩ có thể:

– Dùng kháng sinh: Thuốc kháng sinh không tiêu diệt virus, nhưng hữu ích trong việc kiểm soát các bệnh nhiễm trùng thứ cấp thường phát triển do thiếu tế bào bạch cầu và dẫn đến giảm khả năng miễn dịch.

– Truyền dịch: bổ sung nước, gluco. Khi mắc bệnh FPV, mèo thường xuyên ói mửa, gây ra tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải, hạ thân nhiệt và dẫn đến tử vong. Vì vậy đa số các bác sĩ sẽ cho truyền nước và chăm sóc điều dưỡng tích cực. Nếu mèo được chăm sóc hỗ trợ tích cực trong giai đoạn đầu của bệnh, tiên lượng về khả năng hồi phục hoàn toàn là tốt.

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo bao lâu thì khỏi?

– Dùng thuốc hỗ trợ tăng bạch cầu Neupogen: đây là thuốc dùng cho người nhưng dùng cũng khá hiệu quả cho mèo, nhất là những trường hợp mới phát bệnh (1-3 ngày đầu). Tùy vào mỗi cơ địa mà thuốc sẽ phát huy khả năng khác nhau. Tuy nhiên, giá của thuốc này khá chát: 300.000/mũi/ngày. Tính thêm tiền thuốc kháng sinh và truyền dịch thì chi phí chữa bệnh giảm bạch cầu ở mèo tầm 500.000/ngày.

Nếu bé mèo nhà bạn cầm cự qua được 7 ngày chữa trị thì khả năng chữa khỏi bệnh đang tăng lên. Hãy tiếp tục kiên trì chữa bệnh.

5. Cách chăm sóc mèo bị bệnh giảm bạch cầu

a. Giữ ấm cho mèo

– Đối với mèo giảm bạch cầu, thân nhiệt của chúng sẽ không ổn định. Các bé sẽ cảm thấy rất nóng, trong khi thân nhiệt lại đang giảm. Vì vậy, mấy ẻm sẽ tìm những nơi mát mẻ, ẩm ướt để nằm. Việc này càng làm cho thân nhiệt hạ nhanh hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

 

– Điều quan trọng khi chăm sóc mèo bị giảm bạch cầu là phải giữ cho thân nhiệt bé mèo được ổn định. Bạn có thể giữ ấm cho bé bằng cách:

  • Dùng đèn sưởi cho mèo (đèn vàng 40W) (nhất là vào ban đêm): để đèn sưởi trên cao hoặc gần chỗ mèo nằm. Lưu ý đừng nhiệt độ quá nóng, mèo sẽ mất nước

  • Dùng chai nước ấm: bọc khăn lông bên ngoài chai rồi để vào ổ của mèo. Vì nước dễ nguội nên các bạn nhớ thay chai nước thường xuyên
  • Dùng túi chườm nóng: túi này này có thể giữ nhiệt được hơn 6 tiếng. Bạn có thể dùng loại túi chườm nóng bằng điện Hướng Dương.

  • Che chắn chuồng/ổ của mèo kín kẽ, tránh gió và hơi lạnh

b. Thức ăn dễ tiêu hóa

– Mèo mắc FPV sẽ hay ói, vì vậy đừng nên ép các bé mèo ăn nếu chúng không muốn. Càng ép ăn thì mèo sẽ càng ói, càng mất nước và càng mệt.

Cách chữa bệnh giảm bạch cầu ở mèo tại nhà

– Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh suy giảm bạch cầu ở mèo, nếu mèo của bạn có dấu hiệu tích cực và đòi ăn thì bạn nên cho các bé ăn thức ăn dễ tiêu hóa:

  • Cháo thịt + rau củ: xay nhuyễn để bé mèo dễ ăn
  • Gel dinh dưỡng: bạn có thể mua tại các tiệm bán đồ chó mèo hoặc thú y. Lưu ý cho bé mèo ăn đúng liều lượng, ăn dư sẽ bị tiêu chảy. Phần gel còn lại có thể bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
  • Bổ sung nước bằng Oresol

– Tuyệt đối không cho mèo ăn đồ tanh như cá hoặc uống sữa người

– Cho mèo ăn từ từ, từng chút một. Nếu bé ói thì ngưng lại, không cho ăn nữa.

6. Cách phòng bệnh giảm bạch cầu ở mèo

– Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng giảm bạch cầu cho mèo. Ở Việt Nam không có vaccine phòng bệnh FPV riêng lẻ mà chỉ có dạng vaccine chung 4 bệnh. Để phòng ngừa bệnh cho mèo, bạn tốt nhất nên đưa chúng đi chích ngừa khi chúng hơn 3 tháng tuổi. Ngoài ra, bạn cũng nên biết các lưu ý khi chích ngừa cho mèo để tránh những sự cố đáng tiếc.

Vaccine không phải là phương pháp bảo vệ mèo của bạn tuyệt đối. Mèo tiêm phòng rồi có thể bị giảm bạch cầu lại nhưng với các triệu chứng và tình trạng nhẹ hơn nhiều. Cơ hội chữa khỏi bệnh cũng cao hơn.

– Hạn chế cho mèo ra ngoài đường, tiếp xúc với những con mèo hoang khác. Tốt nhất là bạn nên nuôi mèo trong nhà. Nếu có ý định gửi mèo ngày lễ Tết, hãy chọn chỗ gửi mèo uy tín (chỗ đòi hỏi gửi mèo phải có giấy tờ tiêm phòng). Hoặc bạn có thể để mèo ở nhà trong 1, 2 ngày. Mèo sẽ vẫn ổn khi ở nhà 1 mình nếu bạn làm theo các bước để mèo ở nhà một mình dài ngày sau.

bệnh giảm bạch cầu ở mèo

– Nếu bạn nuôi nhiều hơn 1 con mèo thì việc quan trọng là không để bệnh lây lan. Hãy thay quần áo, vệ sinh sạch sẽ khi muốn tiếp xúc với những con mèo khác.

– Cách ly khu vực chuồng bệnh, khử trùng toàn nhà để tránh sự tồn tại của virus FPV trong không khí và trên bề mặt đồ vật. Bạn có thể mua thuốc bột sát trùng Virkon, pha với nước theo tỷ lệ. Dùng hỗn hợp này để phun xịt và lau chùi nhà cửa, đồ đạc 2 lần/ngày và liên tục ít nhất là trong 1 tháng.

– Khi bạn ra ngoài và tiếp xúc với một con mèo khác, hãy rửa tay (tắm rửa) thật kỹ trước khi đụng vào mèo của mình.

7. Một số lưu ý khác

– Bệnh giảm bạch cầu ở mèo không lây sang người hoặc sang chó.  Virus bệnh giảm bạch cầu FPV chỉ lây từ mèo sang mèo. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng mình bị nhiễm bệnh.

– Nếu mèo bị giảm bạch cầu không thể qua khỏi thì bạn hãy loại bỏ hết tất cả những vật dụng của bé, khử trùng tất cả những chỗ bé nằm để loại bỏ hoàn toàn virus. Nếu bạn dự định  nuôi một em mèo khác, hãy chờ hết 1 năm để đảm nơi bạn ở khồng còn virus.

Điều quan trọng là phải giảm ô nhiễm bằng cách loại bỏ bất kỳ chất thải của mèo bị bệnh và khử trùng kỹ khu vực bằng chất khử trùng tiết niệu thích hợp. Đặc biệt cần chú ý đến khay vệ sinh, bát đựng thức ăn / nước và chất độn chuồng

– Nếu có khả năng, hãy hỏa thiêu bé. Vì virus giảm bạch cầu ở mèo vẫn có thể tồn tại nếu bạn chôn. Nếu không may có một con mèo nào đi ngang qua đào bới hoặc đến gần thì sẽ lại nhiễm virus đó.

Tổng kết

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo (FPV) là một căn bệnh nguy hiểm và có thể khiến mèo tử vong. Nguyên nhân mèo bị giảm bạch cầu là do bị lây nhiễm bởi một con mèo mang virus, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do virus FPV có thể tồn tại lâu trong không khí và trên các loại đồ vật nên mèo rất dễ bị nhiễm bệnh.
Dấu hiệu bệnh giảm bạch cầu ở mèo thường sẽ là nôn mửa, tiêu chảy, bỏ ăn, mệt mỏi, lờ đở, thân nhiệt thay đổi (sốt và giảm dần nhiệt độ), đi loạng choạng. Để chính xác hơn, bạn có thể mua que xét nghiệm bệnh giảm bạch cầu ở mèo.
Nếu mèo bị gbc, điều cần làm trước tiên là cách ly mèo ra một chỗ cố định để chúng khỏ lây lan virus trong nhà. Đem mèo đến thú y càng sớm càng tốt để được chữa trị. Vì virus FPV sống rất lâu, nên bạn cần khử trùng nhà cửa và các vật dụng sạch sẽ. Bệnh giảm bạch cầu ở mèo có thể phòng ngừa bằng cách chích vaccine cho chúng và hạn chế cho mèo tiếp xúc với mèo lạ.
Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!