8 nguyên nhân khiến chó bị nôn mửa và cách xử lý

Chó bị nôn mửa vì nhiều lý do. Điều này có thể bình thường, nhưng đôi khi, chó nôn mửa là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được chữa trị ngay lập tức. Điều quan trọng là bạn phải biết lý do tại sao chó bị nôn, khi nào nên lo lắng và bạn có thể làm gì để giúp đỡ.

1. Chó bị nôn mửa và nôn trớ

Một điều quan trọng bạn cần lưu ý là chó bị nôn mửa và nôn trớ không giống nhau. Nguyên nhân và cách điều trị cho hai tình trạng này rất khác nhau, và nôn mửa có xu hướng đáng lo ngại hơn là nôn trớ.

a. Chó bị nôn mửa

Chó bị nôn mửa khi thức ăn từ dạ dày và ruột trên bị đẩy ra ngoài một cách mạnh mẽ. Có thể chó bị nôn dịch vàng hoặc nôn ra thức ăn chưa tiêu một phần và thường có mùi chua. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau khi chó ăn hoặc bất cứ thời điểm nào sau đó. Các dấu hiệu cho thấy chó sắp nôn gồm như chảy nước dãi, liếm môi và nuốt quá mức.

chó bị nôn
Dấu hiệu chó bị bệnh: chó bỏ ăn nôn ra dịch vàng

Một số con chó có thể ăn cỏ trước hoặc sau khi chúng nôn mửa. Hành động này có thể để giúp chó nôn ra hoặc bảo vệ thực quản, vì cỏ có thể bao phủ các vật sắc nhọn như mảnh xương khi chó bị nôn mửa. Tuy nhiên, bạn nên ngăn chó ăn một lượng lớn cỏ, vì điều này có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sau khi chó ói xong, chúng có thể ăn lại chất nôn của chính mình như 1 bản năng.

Vì nôn mửa làm mất nước, con chó của bạn có thể cố gắng uống nhiều nước nhất có thể. Điều này có thể khiến chó bị nôn mửa nhiều hơn, vì vậy hãy cố gắng hạn chế lượng nước tiêu thụ của chúng tại một thời điểm.

b. Chó bị nôn trớ

Mặt khác, nôn trớ là hiện tượng tống thức ăn chưa tiêu hóa nhẹ ra khỏi thực quản của chó; có nghĩa là thức ăn chưa xuống đến dạ dày của chó thì bị đẩy ra ngoài. Một điểm khác biệt chính là nôn trớ không liên quan đến việc phập phồng ở vùng bụng.

Tình trạng chó bị nôn sau khi ăn thường là nôn trớ. Có thể con chó của bạn đã ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh. Hoặc con chó của bạn có thể quá phấn khích hoặc căng thẳng.

2. Chó nôn mửa màu gì?

Khi bạn đã chắc chắn rằng con chó bị nôn mửa chứ không phải nôn trớ, bạn có thể xác định loại chất nôn mửa thông qua hình dạng và màu sắc của nó. Chất nôn trông như thế nào có thể giúp xác định nguyên nhân khiến chó bị ói mửa.

– Màu vàng: Chó nôn ra dịch vàng rất phổ biến khi chó bị đói, màu vàng mà bạn nhìn thấy là do dịch mật tiết ra. Điều này xảy ra phổ biến nhất vào giữa đêm hoặc sáng sớm. Nó có thể được gây ra bởi sự tích tụ axit, trào ngược hoặc bất kỳ tình trạng nào khác gây ra cảm giác buồn nôn khi bụng đói.

– Màu trắng, có bọt: Chó nôn ra bọt trắng có thể do sự tích tụ của axit trong dạ dày. Sủi bọt có thể do chất nôn tiếp xúc với không khí hoặc bị sủi bọt trong dạ dày trước khi nôn xảy ra.

Chó bị nôn bọt trắng, chó khạc ra bọt trắng

– Trong suốt, lỏng: Nếu chó bị nôn ra chất lỏng trong suốt, có thể là do dịch tiết trong dạ dày hoặc khi có nước đọng lại trong dạ dày và tự trào ra khi chó bị nôn. Thông thường, điều này xảy ra khi một con chó uống nước trong khi cảm thấy buồn nôn và chúng thậm chí không thể giữ được nước trong cơ thể.

– Nhầy nhớt, giống như bùn loãng: Chó bị nôn chất nhầy nhụa xảy ra khi, chó chảy nước dãi và nó đọng lại trong dạ dày để phản ứng với một số kích ứng lớn. Con chó sẽ giảm cảm giác buồn nôn khi chúng nôn ra chất nhầy đó.

– Màu đỏ hoặc hồng: nghĩa là chó nôn ra máu và đây là tình trạng khá nghiêm trọng. Bản thân máu đã gây buồn nôn, vì vậy chó bị nôn ra nếu máu đọng lại ở đường tiêu hóa trên (GI). Nếu màu sắc không chuyển sang màu đỏ, và tình trạng nôn mửa không kéo dài hoặc nhiều; thì chất nôn màu hồng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, nếu có cục máu đông, máu tươi, hoặc chất bã cà phê xuất hiện trong chất nôn, thì đây là tình trạng nguy hiểm. Những thứ này có thể cho thấy chó bị xuất huyết vào dạ dày hoặc phần trên của ruột non. Máu cũng có thể là dấu hiệu của vết loét, khối u, thiếu đông máu hoặc ăn phải thuốc diệt chuột. Tất cả những tình trạng này cần được điều trị càng sớm càng tốt.

– Màu xanh: Chó nôn ra dịch màu xanh có thể là do chúng ăn cỏ, ăn lá cây. Nó cũng có thể do sự co bóp của túi mật trước khi nôn (thường là lúc bụng đói), dẫn đến dịch mật trong dạ dày.

– Màu nâu: Chó nôn ra dịch màu nâu có thể chỉ là thức ăn (hạt cho chó) trào ngược từ thực quản. Ngoài ra, nó có thể là dấu hiệu một con chó ăn quá nhanh và không nhai thức ăn hoặc nuốt nhiều không khí. Mặc dù chất nôn màu nâu có thể trông giống như thức ăn hạt khô, nhưng đôi khi, nó có thể còn nhiều hơn thế nữa. Tốt nhất bạn nên kiểm tra chất nôn để xác định các chất bên trong.

Chó bị nôn ra dịch màu nâu cũng có thể là dấu vết của 1 ít máu. Chất nôn màu nâu cũng có thể là một dấu hiệu của chứng coprophagia (ăn phân).

chó bị nôn
Chó nôn mửa bỏ ăn

– Chó nôn ra giun: Giun và các sinh vật truyền nhiễm khác có thể gây nôn mửa cho chó. Nếu chó có giun sống hoặc ổ nhiễm lớn trong người, chẳng hạn như giun đũa, chúng có thể nôn ra giun và bỏ ăn. Thông thường hơn, phân của chó sẽ có lốm đốm màu trắng, đó là trứng của giun sán.

– Có cỏ trong bãi nôn: Cỏ là một thành phần phổ biến trong chất nôn của chó. Chó thường ăn cỏ khi chúng đau bụng, điều này đôi khi có thể khiến chó bị nôn mửa.

3. Nguyên nhân chó bị nôn

Chó bị nôn là bệnh gì? Không có câu trả lời rõ ràng cho lý do tại sao một con chó bị nôn mửa. Các độ tuổi khác nhau, giống chó và hành vi khác nhau có thể khiến chó dễ bị nôn hơn. Có thể chúng bị tác động bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Dưới đây là danh sách các nguyên nhân có thể khiến chó bị nôn, cho dù đó là cấp tính (một lần, đột ngột) hay mãn tính (xảy ra thường xuyên theo thời gian):

  • Thay đổi chế độ ăn uống đột ngột
  • Bệnh lí Addison
  • Đầy hơi
  • U não
  • Bệnh ung thư
  • Táo bón
  • Đái tháo đường
  • Uống nước bị ô nhiễm
  • Ăn cỏ (có thể do nguyên nhân khác)
  • Ăn phân (chứng coprophagia)
  • Ăn quá nhanh
  • Tập thể dục sau khi ăn
  • Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
  • Viêm dạ dày hoặc đau bụng do ăn rác hoặc thức ăn hỏng
  • Viêm dạ dày ruột (viêm dạ dày và đường ruột)
  • Loét đường tiêu hóa
huấn luyện chó
Chó ói là bệnh gì? Tập thể dục sau khi ăn có thể chó bị nôn ra thức ăn
  • Chấn thương đầu, tác dụng phụ của thuốc
  • Say nắng
  • Viêm dạ dày ruột xuất huyết
  • Nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút hoặc nấm)
  • Bệnh viêm ruột
  • Ăn phải thực vật độc hại hoặc các chất độc khác
  • Tắc ruột do dị vật
  • Ký sinh trùng đường ruột
  • Bệnh thận
  • Bệnh gan
  • Megaesophagus
  • Viêm màng não
  • Vấn đề tai giữa
  • Say tàu xe do ngồi trên xe
  • Viêm tụy
  • Parvovirus
  • Phản ứng với thuốc

a. Chó bị nôn mửa cấp tính

Nôn mửa cấp tính là hiện tượng xảy ra đột ngột và không diễn ra trong một thời gian dài. Dưới đây là một số lý do khiến chó bị nôn mửa cấp tính:

– Ăn bậy bạ: Tình trạng ăn bậy bạ phổ biến hơn ở những con chó con. Chúng thường bới thùng rác, moi móc từ chỗ này tới chỗ kia, ăn từ phân mèo, băng vệ sinh cho tới các loại cây cỏ độc hại. Nếu chó ăn bậy bạ một thứ gì đó nhưng nó không gây tắc nghẽn hệ tiêu hóa, thì nó có thể khiến chó bị nôn. Nếu chó ăn thức ăn siêu béo, nó có thể bị bệnh dạ dày nghiêm trọng khác được gọi là viêm tụy.

– Bệnh lây nhiễm: Tình trạng chó bị nôn cũng có thể do một số bệnh truyền nhiễm gây ra, bệnh này cũng phổ biến hơn ở những chú chó con. Một trong bệnh truyền nhiễm đó là bệnh parvovirus. Một số giống chó nhất định có thể dễ bị nhiễm parvovirus hơn, bao gồm Rottweiler, Doberman Pinschers, German Shepherd, Labrador Retrievers. Đây là một căn bệnh nguy hiểm đòi hỏi phải chữa trị sớm. Bạn nên đọc thêm các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh Parvo ở chó để phòng ngừa và điều trị kịp lúc.

– Ký sinh trùng đường ruột: Ký sinh trùng cũng có thể khiến chó bị nôn. Thông thường, chó mang ký sinh trùng mà vẫn thể hiện bình thường. Sau đó, đột nhiên, chúng có thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa.

Tình trạng đầy hơi có thể khiến chó bỏ ăn nôn, chó nôn mửa bỏ ăn

– Nước bị ô nhiễm: Uống nước ở vũng nước hay uống nước chung với nhiều con chó có thể gây ra tình trạng mất cân bằng vi khuẩn, có thể gây đau bụng ở chó. Tệ hơn nữa, nếu chó của bạn uống nước ở hồ có vi khuẩn cyanobacterium (vi khuẩn lam), chúng có thể tử vong. Đầu tiên con chó bị nôn mửa, nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể tiến triển đến các dấu hiệu thần kinh và tử vong.

– Đầy hơi: Chó bị nôn mửa có thể do chúng bị chướng bụng, đầy hơi. Việc ăn uống quá nhiều hoặc quá nhanh có thể là một yếu tố làm phát triển chứng đầy hơi ở chó.

Nếu dạ dày của chó bị chướng do chứa nhiều không khí, nó có thể tự xoắn lại và khiến chó bị sốc. Tình trạng này phổ biến nhất ở những giống chó to và ngực sâu, bao gồm chó Becgie Đức, chó săn lớn, chó Poodle tiêu chuẩn, Labrador và Golden Retriever.

b. Chó bị nôn mửa mãn tính

Tình trạng mãn tính là tình trạng diễn ra trong một thời gian dài và có thể liên tục hoặc thường xuyên. Chó bị nôn mãn tính có thể khiến bạn khó chịu nếu bạn không biết nguyên nhân gây ra chúng. Một số con chó dễ bị nôn mửa một cách thường xuyên, khiến chúng nôn liên tục.

Chó con bị ói mãn tính thường do ký sinh trùng hoặc nhạy cảm với thức ăn. Nó cũng có thể do một số bệnh hoặc vấn đề sức khỏe gây ra. Việc xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm hoặc sinh thiết thường được tiến hành để chẩn đoán vấn đề.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến chó bị nôn mãn tính.

– Megaesophagus: là tình trạng mở rộng thực quản nói chung, có nghĩa là thực quản sẽ giãn ra và giảm hoặc mất khả năng di chuyển thức ăn vào dạ dày. Nó có thể do một số bệnh lý gây ra và nó ảnh hưởng đến chó ở mọi lứa tuổi. Một số con chó có thể được sinh ra với tình trạng này vì đó chỉ là cách thực quản của chúng được hình thành. Những con chó khác có thể bị do các tình trạng như bệnh Addison, bệnh nhược cơ hoặc suy giáp.

Dấu hiệu nổi bật nhất cho thấy chó của bạn có thể đang bị megaesophagus là nôn trớ và nôn mửa. Một dấu hiệu phổ biến khác của chứng rối loạn này là viêm phổi hít. Các triệu chứng của viêm phổi hít phải bao gồm chảy nước mũi, sốt và ho.

Chó ăn xong bị nôn

– Bệnh viêm ruột: Chó bị nôn mửa mãn tính có thể do bệnh viêm ruột (IBD) gây ra. Đôi khi nôn mửa là triệu chứng chính của bệnh viêm ruột.

– Viêm tụy: là một nguyên nhân cấp tính phổ biến chó bị nôn. Tuy nhiên, một số con chó bị viêm tụy mãn tính dễ bị nôn mửa liên tục. Những con chó này cần được cho ăn một chế độ ăn uống rất ít chất béo. Chó Schnauzer, Shetland Sheepdog, Yorkshire Terrier, chó Poodle và Bichon Frisé dễ bị viêm tụy mãn tính về mặt di truyền; điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường ở chúng.

4. Làm gì khi chó bị nôn?

Điều quan trọng nhất cần xác định là khi nào cần đưa chó đến bác sĩ thú y và khi nào thì có thể thử biện pháp khắc phục tại nhà hoặc chỉ đợi chó đến khi chó hết nôn.

– Nếu chó bị nôn mửa trong vòng chưa đầy 12 giờ và con chó của bạn tươi tỉnh và có thể ăn uống bình thường, thì bạn có thể chờ và theo dõi tình hình. Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất khi chó bị nôn mửa là mất nước. Khi một con chó bị mất nước, các chức năng thiết yếu của cơ thể bắt đầu bị phá vỡ.

– Hãy mang chó của bạn tới thú y, nếu chó của bạn:

  • Là chó con, vì chó con có thể trở nên yếu ớt vì mất nước hoặc bị hạ đường huyết nếu chúng không thể ăn.
  • Là chó già
  • Chó bị nôn khạc (có thể là dấu hiệu của sự tắc nghẽn)
  • Thở phập phồng, cố gắng nôn mửa nhưng không nôn được gì (triệu chứng đầy hơi, có thể nguy hiểm đến tính mạng)
  • Nôn ra máu
  • Nôn ra các mảnh hoặc toàn bộ dị vật
  • Hôn mê (dấu hiệu cho thấy toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng)
  • Đi tiểu ít hơn (dấu hiệu mất nước)
  • Chó bị nôn và đi ngoài ra máu
  • Bỏ ăn nôn ra bọt trắng
Chó bị nôn và tiêu chảy ra máu
  • Bụng mềm hoặc to ra (có nguyên khiến chó bị nôn nghiêm trọng hơn)
  • Chó nôn bỏ ăn, chó ăn vào là nôn
  • Không thể uống nước được, uống vào là ói ra liền
  • Có dấu hiệu mất nước (da không đàn hổi trở lại sau khi bị kéo nhẹ; nướu khô)
  • Tiêu chảy bỏ ăn (có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước)
  • Có vấn đề y tế từ trước
  • Chó hay nôn (nôn mãn tính) hoặc nôn không ngừng nghỉ, kéo dài hơn 24h
  • Giảm cân do chó hay bị nôn (nôn mãn tính)
  • Ngoại hình xơ xác, te tua

– Tình huống khẩn cấp: Dưới đây là các tình huống khẩn cấp mà bạn cần đưa chó của mình đi thú y càng sớm càng tốt.

  • Nôn mửa kèm theo tiêu chảy (đặc biệt nếu chó nôn đi ngoài ra máu): có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước nghiêm trọng và phải nhập viện.
  • Chó hôn mê sau khi nôn mửa hoặc vừa chó bị nôn mửa vừa rung (lắc) người: có thể là kết quả của đau bụng dữ dội hoặc chuột rút do mất cân bằng điện giải.
  • Con chó của bạn ăn phải một vật lạ, một chất độc đã biết hoặc một thứ gì đó mà bạn nghi ngờ có thể là chất độc

5. Cách chữa cho chó bị nôn

a. Tại nhà

Có một số cách chữa chó bị nôn bỏ ăn tại nhà mà bạn có thể thử nếu con chó của bạn bị nôn nhẹ và không có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào đã đề cập trước đó. Bạn có thể dùng như Pepcid AC (famotidine) và Prilosec (omeprazole). Đây là những loại thuốc an toàn hơn, giúp giảm sản xuất axit và trào ngược axit của chó bị nôn. Những loại thuốc này thường giúp ổn định, làm dịu lại dạ dày của chó.

b. Thú y

Cách điều trị chó bị nôn bỏ ăn là đem chúng ra thú y để chữa trị. Để điều trị, bác sĩ có thể sẽ:

  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân
  • Siêu âm
  • Sinh thiết
  • X quang
  • Nội soi
  • Phẫu thuật thăm dò

Sau khi biết điều gì đang khiến con chó bị nôn, bác sĩ thú y có thể đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất như kê đơn thuốc kháng sinh nếu tình trạng nôn mửa là do nhiễm trùng. Các loại thuốc khác có thể bao gồm thuốc chữa chó bị nôn, được sử dụng để kiểm soát nôn mửa. Trong các trường hợp khác, chó có thể cần điều trị bằng truyền dịch. Phẫu thuật có thể được khuyến nghị trong những trường hợp nghiêm trọng.

6. Cách ngăn ngừa chó bị nôn mửa

Không thể ngăn ngừa được nhiều nguyên nhân khiến chó bị nôn mửa, nhưng bạn có thể phòng ngừa một số trường hợp nếu làm theo các điều dưới đây:

– Đừng thay đổi chế độ ăn của chó một cách đột ngột, mà hãy làm điều này một cách từ từ và dần dần. Thay đổi chế độ ăn uống đột ngột là nguyên nhân khiến chúng bị rối loạn tiêu hóa gây nôn mửa.

– Không cho con chó của bạn đồ chơi có thể nuốt hoặc nhai thành từng miếng. Chúng có thể gây kích ứng hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa, khiến chó bị nôn.

– Đừng cho chó của bạn ăn xương đã nấu chín hoặc các loại xương không an toàn.

– Tránh những thực phẩm độc hại cho chó. Bạn nên tham khảo danh sách các loại thực phẩm của con người gây ngộ độc cho chó sau đây để né chúng.

– Đừng để con chó của bạn ăn bậy bạ khi đi dạo hoặc khi tiếp cận với thùng rác. Điều này làm tăng nguy cơ chó nuốt phải dị vật và tiếp xúc với chất độc.

Hãy quan sát những con chó quá tò mò cẩn thận. Bạn thậm chí có thể muốn thử dùng mõm để ngăn chúng ăn bất cứ thứ gì chúng có thể tìm thấy khi bạn đi dạo.

Tổng kết

Chó dễ bị nôn mửa hơn mèo do chúng thường ăn bậy bạ, nhất là chó con. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chó bị nôn mửa, phổ biến nhất là do bệnh tật, nhiễm virus và vi khuẩn, ăn những thứ lạ, bị ngộ độc, viêm đường tiêu hóa, không dung nạp thực phẩm, ký sinh trùng hoặc do ăn quá nhanh.

Điều bạn cần làm khi chó bị nôn là hãy quan sát chất nôn của chó và các biểu hiện khác của chúng để quyết định có nên đưa chúng đi thú y hay không. Nếu chó của bạn là chó trưởng thành và tình trạng nôn mửa không kéo dài quá 12 tiếng, không nôn liên tục; bạn có thể để chó ở nhà để chữa trị và theo dõi thêm.

Tuy nhiên, nếu chó của bạn là chó con, chó già hoặc, có bệnh lý hoặc chúng có những dấu hiệu nguy cấp như tiêu chảy, hôn mê, nôn ra máu hoặc ăn phải chất độc…, bạn cần đưa chúng đến thú y ngay lập tức để điều trị.

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!