Cho chó ăn gì để phù hợp với độ tuổi, nhu cầu và tình trạng của chúng?

Cho chó ăn gì? Nghe có vẻ dễ nhưng thực ra lại không dễ tí nào. Cho chó ăn phức tạp hơn bạn tưởng vì mỗi một độ tuổi khác nhau sẽ cần một chế độ ăn khác nhau. Những con chó bị bệnh hoặc mang bầu cũng cần môt chế độ ăn riêng của chúng. Vậy nên cho chó ăn như thế nào là đúng? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Nhu cầu dinh dưỡng của chó

Tất cả các loài chó, ở mọi lứa tuổi, giới tính và tình trạng, đều cần một loạt các chất dinh dưỡng để sống một cuộc sống khỏe mạnh. Chúng bao gồm các chất dinh dưỡng vĩ mô như protein và chất béo mà chó cần với số lượng lớn đến vi chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất cần với lượng nhỏ hơn nhiều nhưng cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của chó.

a. Protein

Protein là một phần quan trọng của mọi tế bào trong cơ thể chó và cần thiết cho sự phát triển và phục hồi khỏe mạnh. Da và mô cơ đều chứa một lượng lớn protein và nó cũng là thành phần chính của tóc và móng tay. Protein cũng là một nguồn năng lượng quan trọng đối với chó.

Protein trong đồ ăn cho chó có thể có nhiều dạng từ nhiều nguồn. Dạng thức ăn tự nhiên và dễ tiêu hóa nhất dành cho chó là thịt và cá. Chó đã phát triển để tiêu thụ lượng thịt tương đối cao và sinh lý của chúng đã thích nghi để dễ tiêu hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng mà thịt có. Đây là lý do tại sao các chuyên gia dinh dưỡng luôn chú trọng nhiều đến hàm lượng thịt của thực phẩm.

cách làm thức ăn cho chó

Thịt là một thành phần khá là đắt đỏ, nó khiến giá thức ăn cho chó tăng lên. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất thức ăn cho chó mèo thay thế thịt bằng các nguồn protein rẻ hơn như bột đậu nành, gluten ngô, protein khoai tây, protein thực vật…để tiết kiệt chi phí và làm thức ăn cho chó giá rẻ.

Tuy nhiên, protein từ các nguồn không phải thịt sẽ khiến cơ thể chó khó tiêu hóa và có khả năng cao gây ra chứng không dung nạp thực phẩm trong chế độ ăn uống.

Hầu hết các loại hạt cho chó chứa 20 – 30% protein, trong khi pate cho chó chứa 5 – 8% protein.

b. Chất béo/dầu

Chất béo cần cho một số chức năng cần thiết ở chó. Da và tóc khỏe mạnh được duy trì bởi chất béo và mỗi gam chất béo cung cấp gấp đôi năng lượng của protein hoặc carbohydrate. Một số chất béo, được gọi là axit béo thiết yếu (omega 3 và 6) bắt buộc phải được lấy từ đồ ăn cho chó. Những loại chất béo này rất quan trọng trong việc kiểm soát chứng viêm, đông máu và phát triển não bộ. Ăn quá ít có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.

Một số loại dầu, khi ăn với lượng vừa phải, có thể có lợi cho chó. Các chất bổ sung dầu dinh dưỡng phổ biến bao gồm dầu cá, dầu hoa anh thảo, dầu cây lưu ly và dầu hương thảo.

cho chó ăn thịt sống
Cho chó ăn thức ăn giàu chất chống viêm

Tuy chất béo rất cần thiết và có lợi, những chất béo khác có thể có hại và quá nhiều chất béo có thể khiến chó thừa cân béo phì và phát triển một loạt các vấn đề sức khỏe khác.

Nhiều nhà sản xuất đồ ăn cho chó bổ sung một lượng lớn chất béo chất lượng thấp, chất béo đã qua chế biến cao (thường được gọi là ‘dầu và chất béo’ hoặc ‘mỡ động vật’) để làm cho thức ăn ngon miệng hơn. Nhưng những chất béo này có xu hướng chứa một lượng lớn chất béo bão hòa và hydro hóa, có thể làm tăng cholesterol trong máu và có thể góp phần gây ra bệnh tim ở chó.

Phần lớn thức ăn khô cho chó chứa 9-14% chất béo, pate chó chứa khoảng 2-4%. Nếu chó của bạn dễ bị tăng cân, bạn nên tìm hạt không quá 10% chất béo và pate không quá 2,5%.

c. Chất xơ

Chất xơ là một phần thực vật không thể tiêu hóa được. Do đó, nó cung cấp rất ít calo nhưng lại có một số vai trò rất quan trọng.

– Chất xơ hấp thụ nước giống như một miếng bọt biển. Điều này có nghĩa là nếu có dư nước trong ruột kết, chẳng hạn như khi bị tiêu chảy, bất kỳ chất xơ nào trong thực phẩm sẽ hấp thụ nó và giúp phân khô hơn.

Mặt khác, nếu có quá ít nước trong ruột kết, thường dẫn đến táo bón, chất xơ sẽ hút nước từ các mô xung quanh và giúp giải quyết vấn đề. Như bạn có thể thấy, chất xơ rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đường ruột và có thể điều trị hiệu quả cả táo bón và tiêu chảy cho chó.

Thức ăn chó cần đầy đủ và cân bằng dưỡng chất

– Một chức năng quan trọng khác của chất xơ là tiền sinh học. Điều này có nghĩa là nó cung cấp phương tiện và nguồn thức ăn cho vi khuẩn đường ruột có lợi. Những vi khuẩn này hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và giúp ngăn chặn các vi khuẩn có hại hình thành.

– Chất xơ cũng làm chậm quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm khác khi được tiêu thụ cùng lúc. Điều này có thể đặc biệt hữu ích ở những con chó bị tiểu đường vì chất xơ giúp giải phóng lượng đường vào trong máu chậm và ổn định.

– Chất xơ cũng giúp chó giảm cân vì thức ăn giàu chất xơ được tiêu hóa chậm hơn, cho phép chó cảm thấy no lâu hơn trong khi cung cấp ít calo hơn.

Chất xơ chỉ được tìm thấy trong thực vật, vì vậy hầu như tất cả các loại ngũ cốc và rau đều chứa một số chất xơ, trong khi thịt không chứa chút nào.

d. Khoáng chất / tro

“Tro” (Ash) một trong những thuật ngữ thường bị hiểu lầm nhất trong đồ ăn cho chó mèo. Tro chỉ đơn giản là thước đo hàm lượng khoáng chất của thực phẩm. Khi tính toán nhiệt lượng của thực phẩm, nó được đốt và đo năng lượng giải phóng. Tất cả carbohydrate, chất béo và protein bị đốt cháy chỉ để lại các khoáng chất. Đây được gọi là hàm lượng tro.

Đồ ăn cho chó chứa thịt đỏ có hàm lượng tro cao hơn. Khoáng chất tham gia vào mọi quá trình trong cơ thể chó. Dưới đây là danh sách một số khoáng chất quan trọng với chó:

  • Canxi: Cần thiết cho sự hình thành xương và răng, dẫn truyền thần kinh, co cơ.
  • Phốt pho: Cần thiết cho cấu trúc bộ xương, cấu trúc DNA, RNA; sự chuyển hoá năng lượng.
  • Magiê: Cần thiết để cho phép các enzym hoạt động; tiết hormone; giao diện màng tế bào thần kinh.
  • Kali: Cần thiết cho chức năng thần kinh khỏe mạnh; phản ứng enzym; sự chuyển hoá năng lượng.
  • Sắt: cần cho sự chuyển hoá năng lượng; enzim trong quá trình hô hấp.
  • Đồng: chuyển hóa sắt; hình thành tế bào máu và bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa.
  • Kẽm: Chức năng của enzym; chuyển hóa protein và carbohydrate; chức năng da và chữa lành vết thương.
  • Mangan: Các phản ứng của enzym; phát triển xương; hình thành sụn; chức năng thần kinh và chuyển hóa.
  • Selen: Quan trọng trong hệ thống miễn dịch và bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa.

e. Vitamin

Vitamin là một nhóm các hợp chất cần thiết để giữ cho con chó của bạn khỏe mạnh. Chó không thể tích hợp hay tự tạo đủ vitamin, vì vậy chúng cần phải nạp thông qua đồ ăn. Các loại vitamin quan trọng cho sức khỏe của chú chó của bạn gồm:

  • Vitamin A: Cần thiết cho thị lực, tăng trưởng, chức năng miễn dịch, sự phát triển của thai nhi, cho làn da và bộ lông khỏe mạnh.
  • Vitamin B (8 loại): Chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa hoặc tạo ra năng lượng từ thực phẩm
  • Vitamin C: Rất quan trọng cho một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
  • Vitamin D: Quan trọng trong quá trình phát triển hệ xương, cân bằng phốt pho, cần thiết để hấp thụ canxi ở ruột.
  • Vitamin E: Bảo vệ chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
  • Vitamin K: Tham gia vào quá trình phát triển xương và đông máu.

2. Cho chó ăn gì?

Thức ăn chó là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng. Chó của bạn cần phải có đủ chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng cần để có thể phát triển một cách đầy đủ và khỏe mạnh. Quá nhiều hoặc quá ít bất kỳ một chất dinh dưỡng nào cũng có thể nhanh chóng gây ra rối loạn. Từ lúc chó cai sữa cho đến khi chó già đi, chế độ ăn uống là yếu tố quyết định chất lượng và tuổi thọ của chó nhà bạn.

Tôi nên cho chó ăn gì? Không có một câu trả lời duy nhất cho tất cả các con chó. Mỗi con chó sẽ cần 1 chế độ ăn uống khác nhau, phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe của chúng. Nó cũng phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của cả bạn nữa. Vì vậy, bạn cần xác định rõ điều gì phù hợp cho chú chó của mình và cho cả bạn.

a. Cách chọn thức ăn cho chó

Đầu tiên, bạn sẽ cần phải quyết định xem sẽ cho chó ăn loại đồ ăn nào để phù hợp nhất với bạn và chó. Hiện nay trên thị trường có 4 loại thức ăn cho chó mèo phổ biến:

  • Thức ăn hạt cho chó
  • Pate cho chó
  • Thức ăn tươi cho chó
  • Thức ăn raw

Các loại thức ăn này lại được phân loại nhỏ ra dựa vào cách chế biến và bảo quan của chúng. Ví dụ như hạt cho chó sẽ gồm các phương thức chế biến khác như nướng, đùn, sấy thăng hoa, ép lạnh hoặc sấy nhiệt. Mỗi một cách sẽ đem lại giá trị dinh dưỡng khác nhau. Bạn có thể xem các loại thức ăn cho chó để biết được sự khác biệt giữa chúng là như thế nào.

Một trong 4 loại thức ăn trên sẽ có những ưu-nhược điểm riêng của chúng, việc lựa chọn cho chó ăn gì là tốt nhất hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

– Thức ăn raw: Bằng cách cho chó ăn raw đúng cách, bạn có thể đảm bảo được dinh dưỡng cần thiết mà chó cần. Thức ăn sẽ đảm bảo chất lượng hơn và không có chất bảo quản. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải bỏ công sức để nghiên cứu và chuẩn bị. Thực phẩm có thể bảo quản trong ngăn mát từ 2 -3 ngày và từ 6 – 12 tháng trong ngăn đông. Bạn chỉ nên rã đông ngay trước khi cho chó ăn. Bạn có thể tìm hiểu những lợi ích và rủi ro khi cho chó ăn raw để đưa ra quyết định riêng cho chú chó của bạn.

– Thức ăn hạt đem lại sự tiện lợi và nhanh chóng nhưng nó lại chứa nhiều chất bảo quản, tinh bột và dễ khiến chó của bạn bị sỏi thận vì chúng có độ ẩm rất ít. Hạt cho chó ăn cũng có những mặt tối của nó. Bạn sẽ phải tự mình quyết định có nên cho chó ăn thức ăn hạt hay không.

– Trong khi đó, pate chứa khá nhiều độ ẩm, ít tinh bột nhưng lại dễ ôi thiu và khá là tốn kém khi cho chó ăn. Ngay sau khi mở nắp, pate cần được bảo quản lạnh.

Nếu quyết định lựa chọn thức ăn công nghiệp và phân vân giữa 2 loại này, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn ưu-nhược điểm của chúng thông qua bài “Pate và hạt: nên cho mèo ăn loại nào?“. Những điều này cũng áp dụng gần như tương tự với người bạn chó.

đồ ăn cho chó
Thức ăn cho chó 1 tháng tuổi, 2 tháng tuổi

b. Cách đọc nhãn đồ ăn cho chó

Nếu bạn quyết định chọn thức ăn công nghiệp, bạn cần phải biết cách đọc nhãn mác trên bao bì. Đây là điều tối thiểu bạn cần làm để đảm bảo dinh dưỡng cho chó của mình.

Danh sách thành phần

Danh sách thành phần là cơ sở để bạn biết được đồ ăn của chó được làm từ những gì, có tốt hay không. Các nhà chế biến thức ăn cho chó không thể nói dối danh sách thành phần. Mặc dù có nhiều cách để họ lấp liếm sự thật, nhưng điều này thường rất dễ phát hiện.

– Điều quan trọng nhất cần tìm trong danh sách thành phần đồ ăn cho chó là sự rõ ràng. Mỗi thành phần phải được đặt tên, và các thành phần quan trọng nhất phải ở đầu danh sách và chúng phải có tỷ lệ phần trăm.

– Giống như con người, chó có khả năng tiêu hóa và sử dụng nhiều loại thức ăn. Tuy nhiên, không giống như chúng ta, hệ tiêu hóa của chó hoạt động mạnh hơn để tiêu thụ thịt và hưởng lợi từ chế độ ăn nhiều thịt. Tốt nhất, thịt nên là thành phần đầu tiên và chiếm tỷ lệ cao nhất trong danh sách.

thức ăn cho chó mèo
Danh sách thành phần đồ ăn cho chó mèo

– Các thuật ngữ chung chung như ‘ngũ cốc’ và ‘thịt và các dẫn xuất từ ​​động vật’ có thể đề cập đến nhiều loại thành phần có chất lượng khác nhau; khiến bạn không thể biết được con chó của mình sẽ ăn những gì.

Nói chung, bạn nên tránh xa danh sách thành phần bao gồm các thuật ngữ không rõ ràng như thế này. Điều này đặc biệt quan trọng nếu con chó của bạn có xu hướng không dung nạp thực phẩm hoặc có hệ tiêu hóa nhạy cảm.

– Tất cả các thành phần phải được liệt kê theo thứ tự có bao nhiêu phần trăm % trong thực phẩm. Do đó, thành phần đầu tiên là phần lớn nhất và quan trọng nhất của thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thức ăn của chó có thể lấp liếm điều này theo những cách sau:

  • Dùng nhiều loại ngũ cốc: Bằng cách sử dụng các loại ngũ cốc khác nhau nên số lượng của mỗi loại tương đối nhỏ. Điều này khiến các nhà sản xuất đồ ăn cho chó có thể để chúng ở cuối danh sách thành phần. Tuy nhiên, thực tế là các loại ngũ cốc có thể trở thành thành phần đầu tiên nếu cộng dồn chúng lại.
    Điều này thậm chí có thể được thực hiện với một loại ngũ cốc. Ví dụ, trong đồ ăn cho chó có ngô, nhà bán thức ăn cho chó có thể ghi là “ngô”, hoặc chia nhỏ nó ra thành ‘bột ngô’, ‘gluten ngô’ riêng biệt. Bởi vì số lượng của mỗi cái nhỏ hơn, chúng xuất hiện xa hơn trong danh sách; khiến nhiều người mua nhầm tưởng rằng chúng có rất ít.
thức ăn cho chó mèo
Đọc kỹ bao bì các loại thức ăn cho mèo chó, đồ ăn cho chó
  • Tổng hàm lượng thịt’: Một xu hướng ngày càng tăng là các công ty sản xuất đồ ăn cho chó liệt kê ‘tổng hàm lượng thịt’ thay vì tỷ lệ phần trăm của các thành phần thịt riêng lẻ. Điều này cho phép nhóm tất cả các thành phần thịt lại với nhau. Ví dụ, thay vì ghi là: Thành phần: Bột gà (20%), dầu gà (5%), lòng gà (2%) …” thì họ có thể ghi: “Tổng hàm lượng gà: 27%. Thành phần: Bột gà, dầu gà, lòng gà…”
Giá trị dinh dưỡng

Giá trị dinh dưỡng là nơi bạn có thể tìm thấy thông tin về mức độ của một số chất dinh dưỡng trong thức ăn cho cún. Mỗi nhà sản xuất thức đều có quan điểm riêng về mức độ chất dinh dưỡng mà chó cần và do đó, lượng protein, chất béo và chất xơ có thể khác nhau rất nhiều giữa các loại thực phẩm.

3. Cho chó ăn bao nhiêu là đủ?

Xác định chính xác lượng thức ăn cho chó ăn cũng quan trọng tương tự như việc bạn cho chó ăn gì vậy. Cho chó ăn quá ít có thể khiến chúng không thể lớn, không phát triển đầy đủ và đủ sức để chạy nhảy hoạt động. Trong khi đó, cho chó ăn quá nhiều có thể khiến chúng bị béo phì thừa cân, từ đó dễ mắc các căn bệnh nguy hiểm. Bạn có thể xem thêm “Những tác hại khi chó của bạn thừa cân” để hiểu được mức độ nguy hiểm của nó.
Vì vậy, điều quan trọng là cho chó ăn đủ với nhu cầu mà chúng cần. Bạn có thể xem hướng dẫn cho chó ăn trên bao bì các loại sản phẩm, hoặc ước lượng cho chúng ăn bằng mắt. Tuy nhiên, để chính xác hơn, bạn nên dựa vào độ tuổi và thể trạng của chó và áp dụng cách tính lượng thức ăn cho chó theo hướng dẫn sau.

Tuy nhiên, mỗi con chó sẽ có một quá trình trao đổi chất khác nhau nên bạn cần tính toán tăng giảm lượng thức ăn sao cho phù hợp. Nếu sau khi cho chó ăn một thời gian mà chúng mập lên thì bạn cần cho chúng ăn ít lại; hoặc cho chó ăn nhiều hơn nếu chúng ốm đi.

4. Cho chó ăn ngày mấy bữa?

Việc xác định cho chó ăn ngày mấy bữa sẽ giúp tạo lịch trình cố định cho chó, giúp cuộc sống của chúng và bạn dễ dàng hơn. Tùy theo giống chó lớn nhỏ và độ tuổi của chúng mà số bữa chúng cần ăn sẽ khác nhau. Những con chó trưởng thành thì chỉ cần ngày 2 bữa, tuy nhiên những con chó con thì cần phải ăn nhiều bữa hơn. bạn có thể tham khảo thời khóa biểu cho chó ăn để biết chi tiết hơn cho từng giống chó.
Một điều bạn cần lưu ý là hạn chế cho chó ăn tự do. Điều này nghe có vè tiện lợi, nhất là với những người thường xuyên vắng nhà. Tuy nhiên, điều này lại gây hại cho chó của bạn. Chúng sẽ không biết điểm dừng và ăn luôn miệng, cho tới khi nào chán thì thôi. Và kết quả là chúng sẽ tăng cân nhanh chóng, thậm chí là béo phì.

5. Thức ăn cho chó con

a. Chó con cần gì?

Chó con có nhu cầu cao hơn về nhiều chất dinh dưỡng trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển của mình. Cũng giống như trẻ sơ sinh, chó con có yêu cầu cao hơn đối với một số chất dinh dưỡng so với chó trưởng thành và đòi hỏi một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ.

Về cơ bản, chó con vẫn có thể ăn thức ăn của chó trưởng thành. Nhiều nhu cầu dinh dưỡng của chó con có thể được đáp ứng bằng thức ăn dành cho chó trưởng thành, nhưng một số chất dinh dưỡng quan trọng có thể bị thiếu.
Omega 3: cụ thể là EPA và DHA. EPA, axit eicosapentaenoic và DHA, axit docosahexaenoic, đều là hai loại axit béo omega 3 rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhận thức và sức khỏe của chó con. Mặc dù EPA và DHA thường có trong nhiều loại thức ăn cho chó, nhưng những hàm lượng này được bổ sung để hỗ trợ nhu cầu của chó trưởng thành, không phải chó con. EPA và DHA chỉ có thể được lấy từ các nguồn omega 3 có nguồn gốc động vật, như dầu cá.

Canxi và Phốt pho: cả hai khoáng chất này đều là nền tảng của hệ thống xương chắc khỏe. Sự dư thừa và thiếu hụt 2 chất này đều có thể dẫn đến các vấn đề và tình trạng xương trong tương lai. Vì vậy việc có đủ số lượng cả hai chất này là rất quan trọng đối với chó con.

thức ăn cho chó con

Calo: Do đang trong tuổi ăn tuổi lớn, chó con sẽ yêu cầu lượng calo cao hơn mức trung bình. Các loại thức ăn cho chó con thường chứa nhiều calo hơn, nhưng lượng calo trong đồ ăn cho chó con thường chứa nhiều carbonhydrate để cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, đó không phải là dạng calo mà chó cần.

Lượng calo mà chó cần phải từ các loại thịt và chất béo, để giúp xây dựng khối cơ và cung cấp năng lượng cho não của chó. Carbohydrate tuy cung cấp năng lượng cho cơ thể để hoạt động, nhưng nó gần như không cần thiết trong chế độ ăn của chó.

Chó con ăn gì để mập: cơm giúp chó tăng cân. Tuy nhiên, hãy cẩn thận

Thực phẩm có hàm lượng ngũ cốc nguyên hạt vừa phải hoặc các loại đậu có hàm lượng đường huyết thấp sẽ cung cấp năng lượng tốt hơn so với các thành phần có đường nhanh như ngô hoặc gạo.

Đối với nhiều chó con, bạn có thể sẽ cần cho chó ăn nhiều hơn hoặc thường xuyên hơn để đáp ứng nhu cầu calo của chúng. Cách cho chó ăn sẽ liên tục thay đổi trong suốt năm đầu tiên của chúng, hoặc cho đến khi chúng đạt ít nhất 80% về kích thước và trọng lượng đầy đủ. Về cơn bản, chó con cần ít nhất ba bữa một ngày. Khi chúng phát triển đến ba và sáu tháng tuổi, để giữ cho con chó của bạn khỏe mạnh thì cần phải thay đổi chế độ ăn uống.

b. Chó con ăn gì?

Chó cai sữa đến 8 tuần tuổi

Hãy bắt đầu giới thiệu thức ăn vào đầu tuần thứ 4 của chó con (không phải trước đó). Chó con sẽ bắt đầu ăn thức ăn một cách khá tự nhiên, trong khi vẫn bú một ít sữa từ mẹ của chúng. Chúng sẽ cần ít nhất 4 bữa ăn nhỏ mỗi ngày và trong những ngày tiếp theo, bạn sẽ nhận thấy những chú chó con ngày càng ăn nhiều thức ăn đặc hơn và giảm uống sữa từ mẹ của chúng. Toàn bộ quá trình cai sữa thường mất khoảng 10 ngày. Sau đó, bạn có thể cho chó con ăn thức ăn từ 5 – 6 tuần tuổi.
8 – 12 tuần tuổi: Sau khi chó con của bạn đã cai sữa mẹ (khoảng 8 tuần), bạn có thể bắt đầu cho chúng ăn thức ăn mềm như thức ăn đóng hộp pate. Đừng cho chó con ăn thức ăn cứng cho đến khi chúng được ít nhất 9-10 tuần tuổi. Nếu bạn quyết định cho chó ăn hạt, hãy nhớ làm mềm thức ăn bằng một ít nước.
chó con ăn gì4 – 9 tháng tuổi: Bạn có thể cho chó con ăn thức ăn riêng của chúng. Hiện nay có rất nhiều loại thức ăn cho chó con trên thị trường: hạt cho chó con, pate hay thức ăn raw. Bạn có thể lựa chọn tùy theo điều kiện của mình. Răng trưởng thành của chó con sẽ xuất hiện từ 3-7 tháng tuổi và có thể làm chậm quá trình ăn của chúng. Nếu bạn cho chó con ăn hạt hay thức ăn cứng, hãy làm mềm chúng bằng nước ấm trước.
– Trên 9 tháng tuổi, bạn có thể cho chó ăn thức ăn dành cho chó trưởng thành.

6. Thức ăn cho chó trưởng thành

– Chó đã triệt sản/thiến

Quá trình triệt sản/thiến làm thay đổi đáng kể sự cân bằng nội tiết tố của chó, do đó ảnh hưởng đến tỷ lệ trao đổi chất. Sau khi triệt sản, chó cái nói riêng (nhưng cũng có một số con đực) có xu hướng giảm tỷ lệ trao đổi chất, có nghĩa là chúng cần ít calo hơn từ chế độ ăn uống của mình.

Thông thường, nếu chúng tiếp tục nhận được cùng một lượng thức ăn, chúng sẽ bắt đầu tăng cân. Nếu bạn nhận thấy con chó của bạn tăng cân quá nhiều, hãy xem hướng dẫn cho chó thừa cân ăn.

– Chó năng động và thích vận động: cần phải nạp 1 lượng lớn calo, vì vậy chúng cần phải ăn nhiều hơn và ăn đồ ăn cho chó chất lượng hơn.

– Chó giống nhỏ: Những con chó giống đồ chơi và giống nhỏ thường có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn những giống chó lớn. Điều này có nghĩa là chúng sẽ cần các loại đồ ăn cho chó có năng lượng cao hơn.

– Giống chó lớn: Không giống như những con chó nhỏ hơn, các giống chó lớn và khổng lồ trưởng thành muộn hơn, thường đạt kích thước đầy đủ khi được 15-18 tháng tuổi, và sau đó chúng sẽ già nhanh hơn nhiều. Tuổi thọ trung bình của nhiều giống chó khổng lồ chỉ là 6 hoặc 7 năm. Do quá trình lão hóa nhanh chóng và do trọng lượng nặng ký, chúng cần phải có các chất bổ sung xương khớp trong đồ ăn cho chó.

7. Thức ăn cho chó có bầu

a. Thức ăn cho chó mang bầu

Mang thai là một trong những thay đổi nội tiết tố căng thẳng nhất và lớn nhất trong cuộc đời của chó cái. Và cách bạn cho chó có bầu ăn ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ sức khỏe của chúng mà còn cả sức khỏe của chó con. Chó có bầu cần bổ sung protein, axit béo, chất béo, vitamin (vitamin C, D, B9) và các loại khoáng chất (sắt, phốt pho…).

chó có bầu
Quá trình mang thai ở chó kéo dài trung bình từ 58 đến 60 ngày và chia làm 3 giai đoạn.

– Từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 6, bạn có thể cho chó ăn theo cách bình thường với các bữa ăn thông thường mà không cần tăng lượng thức ăn.

– Tuần thứ 6 – tuần 9, chó con đang phát triển nhanh chóng và quá trình sản xuất sữa bắt đầu. Hãy cho chó bầu ăn nhiều hơn để cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho chúng. Cứ mỗi tuần, hãy cho chúng ăn nhiều hơn 10% lượng thức ăn bình thường. Điều này có nghĩa là ở tuần thứ 8, chó bầu sẽ ăn nhiều hơn 50% so với bình thường.

– Ở những tuần cuối cùng, chó có thể giảm ăn và chừa lại 1/4 số thức ăn.

b. Thức ăn cho chó mới đẻ

Sau khi sinh, chó mẹ tiếp tục cung cấp mọi thứ mà chó con cần cho sự tăng trưởng và phát triển thông qua sữa của mình, và nhu cầu về chế độ ăn uống của chúng sẽ tiếp tục tăng lên. Tiếp tục cho ăn thức ăn năng lượng cao, và bắt đầu tăng số lượng cho ăn theo cách sau, tốt nhất là bạn nên cho chúng ăn nhiều bữa trong ngày thay vì ăn 1,2 bữa lớn.

  • Tuần 1: Cho ăn tối đa 150% lượng bình thường hàng ngày.
  • Tuần 2: Cho ăn tối đa 200% lượng bình thường hàng ngày.
  • Tuần thứ 3 đến khi cai sữa: Cho ăn tối đa 300% lượng bình thường hàng ngày.

Đây chỉ là hướng dẫn chung và bạn cần phải điều chỉnh tùy theo từng trường hợp. Ví dụ, một bà mẹ chó chỉ nuôi một hoặc hai con chó con sẽ cần ít hơn so với lượng ở trên. Trái lại, nhựng con chó mẹ có lứa rất lớn (trên 6 con chó con) có thể cần nhiều hơn. Đối với những con chó mẹ có nhiều con, bạn có thể cần cho chúng ăn tự do.

8. Thức ăn cho chó già

Đồ ăn chó là nền tảng của sức khỏe, và điều này càng đúng hơn đối với chó già. Việc cho chó già ăn uống phù hợp với thể trạng và độ tuổi, sẽ giúp chúng khỏe mạnh và bớt đau đớn vì bệnh tật hơn, làm chậm quá trình lão hóa lại. Vậy chó già nên cho ăn gì?
Thức ăn cho chó già nên có:
  • Ít calo
  • Tăng protein
  • Điều chỉnh chất béo cho phù hợp thể trạng
  • Ít carbonhydrate và tăng chất xơ
  • Ít natri và phốt pho
Thức ăn của chó già nên chứa một số chất bổ sung để giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến chúng. Ví dụ, các vấn đề về khớp thường xảy ra ở những con chó lớn tuổi nên thức ăn cho chó già thường bao gồm các chất bổ sung hỗ trợ khớp như dầu cá, chondroitin, glucosamine và MSM. Tất nhiên, những chất bổ sung này thay vào đó có thể được mua riêng và thêm vào thức ăn cho chúng.
 
Hầu hết người ta cho là chó già khi chúng đạt 7 tuổi. Tuy nhiên, các giống khác nhau và các cá thể khác nhau có thể già đi với tốc độ khác nhau đáng kể. Ví dụ, các giống chó nhỏ có thể thường bắt đầu chậm lại cho đến sau 10 năm, trong khi một số giống chó lớn có thể có một số dấu hiệu lão hóa khi lên 5 tuổi. Vì vậy, hãy nhận ra các dấu hiệu. Khi chó của bạn chậm lại hoặc ăn ít hơn, có lẽ đã đến lúc bạn nên thay đổi dần chế độ ăn uống cho chúng.
 

9. Chó tham ăn và biếng ăn

a. Chó biếng ăn

Nếu chó của bạn biếng ăn, hãy nhớ rằng chó không phải là động vật kén chọn bẩm sinh, mà là những sinh vật học rất nhanh. Ví dụ, khi một con chó không ăn do không đói hoặc vì nó cảm thấy hơi khó chịu vì thời tiết,  người chủ sẽ bắt đầu lo lắng và dụ nó ăn bằng những món ăn ngon, những món ăn mới hấp dẫn hoặc đút cho nó ăn. Và chó sẽ nhanh chóng học được rằng việc không thèm ăn luôn mang lại điều gì đó tốt đẹp.
 
Điều này giống hệt như cách bạn huấn luyện chó. Ví dụ khi bạn ra lệnh cho chó “Ngồi”, khí nó ngồi, nó sẽ được thưởng. Trong thời gian ngắn con chó sẽ ngồi theo lệnh. Với những con chó kén ăn, chuỗi sự kiện được cho thức ăn, con chó bỏ ăn, nó được phần thưởng; chủ đưa thức ăn, nó từ chối, và nó lại nhận được một một cái gì đó ngon ngon hoặc được đút.
 
Chìa khóa để phá vỡ chu kỳ là loại bỏ mối liên hệ cứ mỗi lần chó bỏ ăn là bạn lại thưởng cho chúng một cái gì đó. Hãy tạo ra giờ ăn cố định, một hoặc hai bữa mỗi ngày. Chỉ cho chúng ăn trong vòng 20 phút. Ngay cả khi chó bỏ ăn, ĐỪNG đưa bất cứ cái gì cho chúng.
 
Hãy kiên nhẫn, nếu đói chúng sẽ tự động ăn. Lặp lại quy trình này trong mỗi bữa ăn và giảm bớt lượng thức ăn giữa các bữa ăn cho đến khi chó không còn bỏ ăn nữa. Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy rằng thức ăn không phải là vấn đề, nó chỉ đơn giản là con chó đã được huấn luyện để từ chối bất cứ thứ gì được đặt trước mặt nó.
 
Tuy nhiên, chó bỏ ăn có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế tiềm ẩn, và bạn cần phải đưa chúng đi thú y. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc “Các lý do chó bỏ ăn, biếng ăn” để biết thêm các nguyên nhân và dấu hiệu để xử lý kịp thời.
 

b. Chó tham ăn

Nhiều con chó luôn đói. Bất kể chúng được cho ăn bao nhiêu, chúng luôn muốn nhiều hơn nữa. Một số giống chó như liên tục xin ăn và điều này có thể trở thành một vấn đề thực sự khi chúng cần xin năn nỉ được ăn liên tục.

Trước khi làm bất cứ điều gì, bạn cần xem chó có thừa cân hay không. Bạn có thể ap dụng cách xác định chó thừa hay thiếu cân của chúng tôi sau đây. Nếu con chó của bạn có trọng lượng dưới mức bình thường thì việc chúng đói là điều hiển nhiên. Miễn là chúng có sức khỏe tốt và không có gì bất ổn; bạn nên thử tăng dần lượng đồ ăn cho chó. Điều này sẽ giúp chống lại cơn đói của chó và cũng sẽ giúp chúng tăng cân khỏe mạnh hơn.

đồ ăn cho chó
Đồ ăn cho chó con

Mặt khác, nếu con chó của bạn có trọng lượng bình thường trở lên, thì lượng thức ăn chúng ăn là đủ. Thông thường, khi một con chó được thay đổi từ thức ăn cấp thấp sang chế độ ăn uống chất lượng cao, chúng thường có thể hơi đói.

Điều này là do đồ ăn cho chó chất lượng cao có xu hướng chứa ít chất độn hơn và nhiều thành phần dinh dưỡng hơn nên lượng cho ăn thấp hơn. Con chó của bạn sẽ quen với lượng cho ăn nhỏ hơn trong thời gian ngắn, nhưng trong thời gian chờ đợi, bạn có thể thử một số cách dưới đây:

  • Cho ăn nhiều bữa thường xuyên hơn, nhỏ hơn. Ví dụ, thay vì cho ăn hai bữa 120g mỗi ngày, bạn có thể cho ăn ba bữa 80g. Điều này sẽ giúp chó có ít thời gian hơn giữa các bữa ăn để tạo cảm giác thèm ăn.
  • Với chế độ ăn nhẹ chứa ít calo hơn, bạn có thể cho chó ăn nhiều hơn một chút
  • Bạn có thể cho chúng ăn trái cây, những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ không chỉ giúp chó no lâu mà còn làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn thông thường, khiến chúng cảm thấy no lâu hơn.

10. Chó bị bệnh ăn gì?

Bệnh tật không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Nó luôn là kết quả của một số yếu tố. Trong đó, chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Hãy cho chó ăn những thứ cần thiết mà cơ thể chúng cần và loại bỏ bất kỳ thành phần nào không phù hợp với chế độ ăn tự nhiên của chúng (như lúa mì, phụ gia hóa học, sữa, đậu nành…).

a. Chó bị rối loạn tiêu hóa

Đây là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở chó với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, biếng ăn…Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này ở chó, chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân chính yếu.

Nếu chó của bạn bị nhẹ, hãy cho chúng ăn một chế độ ăn nhẹ nhàng như gà luộc với ít cơm. Nếu tình trạng nặng hơn, hãy để dạ dày của chúng nghỉ ngơi khoảng 1 ngày và cho chúng ăn chế độ ăn nhạt. Để biết kỹ hơn cách xử lý, bạn hãy xem hướng dẫn cho chó bị rối loạn tiêu hóa ăn của chúng tôi.

Ngoài ra, chó cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa do bạn thay đổi thức ăn quá nhanh. Hệ tiêu hóa của chó cần thời gian để thích nghi hoàn toàn với một loại thức ăn mới. Vì lý do này, khi bạn muốn thay đổi loại đồ ăn cho chó, hãy thực hiện một cách từ từ đế chúng không bị rối loạn tiêu hóa.
Cách đơn giản nhất là cho chó ăn theo tỷ lệ 75% thức ăn cũ với 25% lượng thức ăn mới trong một hoặc hai ngày, với tỷ lệ 50/50 trong 1 -2 ngày tiếp theo, và trong vài ngày cuối cùng bạn hãy cho ăn 25 % thức ăn cũ với 75% thức ăn mới. Thay đổi từ từ là đặc biệt quan trọng đối với những con chó có dạ dày nhạy cảm và chúng có thể cần phải thích ứng trong thời gian dài hơn.
Các loại đồ ăn cho thú cưng khác nhau có thể có lượng cho ăn khác nhau đáng kể, vì vậy hãy nhớ kiểm tra hướng dẫn trên bao bì của thực phẩm mới. Vì cho chó ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

 

b. Chó bị bệnh ngoài da

Việc gãi hoặc nhai / liếm da, đặc biệt là xung quanh bàn chân là hiện tượng rất phổ biến ở chó. Điều này có thể gây căng thẳng, khó chịu và thường xuyên gây đau đớn cho chó của bạn. Không những gây khó chịu, nó còn là dấu hiệu của những vấn đề lớn hơn. Thức ăn và sức khỏe hệ tiêu hóa đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các vấn đề về da. Vì vậy nếu con chó của bạn có làn da nhạy cảm, hãy nhớ xem hướng dẫn toàn diện cho chó hay ngứa ăn của chúng tôi tại đây.
 

c. Chó bị khớp

Nhiều con chó phát triển các vấn đề về khớp vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của chúng. Sự hao mòn trong suốt thời gian dài khiến những con chó già dễ mắc bệnh hơn. Các yếu tố di truyền có thể góp phần rất lớn, đó là lý do tại sao một số giống chó dễ bị các vấn đề về khớp hơn những giống khác.

Bất kỳ tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật khớp cũng có thể dẫn đến các vấn đề cho chó ở mọi lứa tuổi. Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hướng sức khỏe xương khớp, và dễ kiểm soát nhất, là chế độ ăn uống.

đồ ăn cho chó
Làm đồ ăn cho chó, làm thức ăn cho chó

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến các khớp theo hai cách:

  • Thứ nhất, nếu đồ ăn cho chó phù hợp, thì toàn bộ cơ thể sẽ tốt hơn rất nhiều để đối phó với tổn thương và bệnh tật. Nó có sự cân bằng chính xác của các chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và thực hiện bất kỳ sửa chữa cần thiết nào.
    Mặt khác, một chế độ ăn uống không phù hợp có thể làm mất ổn định hệ thống miễn dịch, làm cho nó hoạt động kém hiệu quả hoặc quá nhạy cảm và có thể không cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cần thiết cho việc sửa chữa khớp.
  • Thứ hai, chế độ ăn uống của chó có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến xương khớp. Một lượng nhỏ cân nặng dư thừa có thể gây căng thẳng thêm rất nhiều cho các khớp, vì vậy, đảm bảo chó của bạn có trọng lượng khỏe mạnh là điều cần thiết.

Bạn có thể bổ sung các thực phẩm chức năng cho những con chó bị khớp.

  • Chondroitin và glucosamine là thành phần tự nhiên của thịt.
  • Methyl-sulphonyl-methane (MSM) là một chất bổ sung tự nhiên phổ biến khác cho khớp.
  • Nhiều loại dầu bao gồm dầu cá và dầu tìm thấy trong vẹm xanh cũng có khả năng làm giảm viêm và hỗ trợ vận động khớp.
  • Loại thảo mộc, móng vuốt của quỷ, đã được chứng minh là có lợi cho những người có vấn đề về khớp nhưng rất đắt tiền và do đó không được sử dụng thường xuyên trong đồ ăn cho chó.

Nếu bạn muốn thêm bất kỳ chất bổ sung nào vào đồ ăn cho chó, chế độ ăn uống của chó, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ thú y hoặc chuyên gia thảo dược về sự phù hợp và liều lượng.

d. Vấn đề hành vi

Mặc dù đồ ăn cho chó, chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề về hành vi, nhưng điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​bác sĩ thú y hoặc bác sĩ hành vi nếu hành vi của chúng đang trở nên có vấn đề.

Đồ ăn của chó có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của chúng. Thực phẩm có đường và một số chất phụ gia thực phẩm từ lâu đã có liên quan đến chứng tăng động và các vấn đề hành vi liên quan khác.

Tương tự như vậy, mức năng lượng, mức độ chú ý và thái độ của chó có thể dao động đáng kể sau khi ăn một số loại đồ ăn cho chó nhất định. Nếu con chó của bạn có dấu hiệu tăng động, bạn nên tránh xa bất kỳ chất phụ gia nhân tạo nào, đặc biệt là chất bảo quản và chất tạo màu, cũng như thực phẩm có thêm bất kỳ loại đường nào. Để biết các chất phụ gia bảo quản có hại cho chó mèo, bạn có thể tham khảo theo hướng dẫn sau.

e. Bệnh tiết niệu ở chó

Ngày càng nhiều càng con chó bị các vấn đề ở đường tiết niệu, nhất là những con chó ăn hạt. Chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề nhỏ về đường tiểu.
 
Có nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu của chó. Sỏi bàng quang hoặc thận, tinh thể tiết niệu, nhiễm trùng do vi khuẩn và viêm bàng quang (tình trạng viêm do các bệnh lý khác gây ra) là một trong những bệnh phổ biến nhất. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chó bị các bệnh tiết niệu, nhưng cách phòng ngừa tốt nhất là giữ cho nước tiểu của chó không quá cô đặc.
 
Nước tiểu càng cô đặc thì chó càng có nhiều khả năng phát triển các loại sỏi. Vi khuẩn trong nước tiểu ăn hết các chất dinh dưỡng trong nước tiểu, do đó, một lần nữa, giữ cho nồng độ chất dinh dưỡng thấp sẽ hữu ích. Nước tiểu loãng cũng giúp ích với căn bệnh viêm bàng quang.
 
Vậy chúng ta phải làm thế nào để nước tiểu không quá cô đặc? Bạn có thể tìm hiểu cách phòng ngừa và cách cho chó bị viêm đường tiết niệu ăn theo hướng dẫn sau trên website.
 

f. Chó thừa cân béo phì

Khi những con chó mang trọng lượng quá lớn, chúng sẽ gặp phải những vấn đề giống hệt như con người thừa cân. Tình trạng hôn mê, huyết áp cao, các vấn đề về khớp, tim và tiểu đường đều phổ biến hơn nhiều ở những con chó thừa cân. Do đó, giữ cho con chó của bạn có trọng lượng khỏe mạnh là vô cùng quan trọng.
 
Mặc dù một số con chó dễ tăng cân hơn những con khác, nhưng việc tăng cân chỉ có thể xảy ra khi số lượng calo nạp vào lớn hơn lượng mà con chó đang sử dụng. Do đó, để ngừng tăng cân hoặc giảm cân, chó của bạn có hai lựa chọn: ăn ít calo hơn hoặc đốt cháy nhiều hơn – hoặc lý tưởng nhất là cả hai. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc thêm “Cách giúp chó giảm cân an toàn” trước khi thực hiện bất kỳ phương thức nào.
 

11. Không nên cho chó ăn gì?

Chó là loài ăn tạp, chúng thích ăn đủ thứ, từ thức ăn của người cho tới mèo; và điều này không tốt một tí nào. Như chúng tôi đã nói ở trên, bất cứ loại thực phẩm nào không phù hợp với chó hay mèo đều có thể khiến chúng bị bệnh theo thời gian. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm bạn tuyệt đối không nên cho chó ăn vì chúng có thể khiến chó của bạn tử vong.

Để phòng ngừa cho chó của mình, bạn nên xem danh sách các loại thực phẩm không nên cho chó ăn, theo hướng dẫn sau đây.

12. Sai lầm khi cho chó ăn

Đây là mục cuối cùng nhưng đóng vai trò quan trọng trong bài viết “Cho chó ăn gì”.
Nếu bạn cho chó ăn thức ăn tốt nhưng lại cho chúng ăn sai cách, thì thức ăn tốt cũng không có tác dụng gì. Cho chó ăn đúng cách cũng quan trọng không kém gì việc chọn thức ăn cho chó. Cho ăn đúng sẽ giúp chó của bạn khỏe mạnh hơn.
Rất nhiều người trong chúng ta đang cho chó ăn sai cách mà không hề hay biết. Những sai lầm này có thể tích tụ và khiến sức khỏe của người bạn 4 chân ngày càng tồi tệ thêm. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu thêm những sai lầm phổ biến khi cho chó ăn và cách khắc phục, để tránh những lỗi không đáng có khi cho chó ăn.

Tổng kết

Trên đây là những vấn đề tổng hợp giúp bạn trả lời câu hỏi cho chó ăn gì. Tuy có vẻ dài dòng nhưng đây là những điều cốt lõi và chính yếu nhất khi bạn cho chó ăn. Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp sẽ giúp chú chó thân yêu của bạn khỏe mạnh hơn và ít bệnh tật hơn. Nếu bạn đầu tư ngay từ ban đầu ở khâu thức ăn, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí thú y sau này và giúp chó của mình hạnh phúc hơn.
Một điều bạn cần lưu ý, đây chỉ là chỉ dẫn chung nhất. Mỗi một cá thể sẽ cần một sự điều chỉnh riêng để phù hợp với tình trạng của chúng.
Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!