Rái cá biển: nắm tay nhau khi ngủ, “skin care” 5h/ngày, dùng tảo bẹ làm chăn

Rái cá biển là một số loài động vật sống dưới nước đáng yêu và dễ thương nhất. Chúng cũng có những biểu cảm và tập tính không thể nào đỡ nổi. Tuy nhiên, một phần nào đó chúng không hề dễ thương một chút nào!

1. Có bộ lông dày nhất thế giới động vật

Bộ lông của rái cá biển chứa từ 600.000 đến 1.000.000 nang lông trên mỗi inch vuông cơ thể của chúng. Không giống như hầu hết các loài động vật có vú ở biển khác, rái cá biển không có lớp lông tơ. Thay vào đó, chúng phụ thuộc vào bộ lông dày đặc. Bộ lông dày này có khả năng giữ không khí, tạo thành một lớp cách nhiệt ấm áp để giữ chúng thoải mái như rái cá.

Để giữ ấm, rái cá biển dành phần lớn thời gian trong ngày (khoảng 5 giờ) để chải chuốt và chăm sóc bộ lông của chúng. Hành động này giữ không khí và nhiệt bên cạnh da của chúng.

rái cá biển

Tuy nhiên, loại lông này cũng khiến rái cá trở thành một trong những loài dễ bị tổn thương nhất trong quá trình tràn dầu. Vì dầu bị mắc kẹt trong lông của rái cá biển có thể ngăn cản khả năng giữ nhiệt của chúng, dẫn đến hạ thân nhiệt và khả năng rái cá có thể chết.

2. Chu trình skin care cực kỹ

Rái cá biển rất coi trọng vấn đề vệ sinh. Bộ lông của chúng có rất nhiều chức năng quan trọng và do đó cần phải được chăm chút rất nhiều. Nếu lông của chúng bị bẩn, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng nổi và điều hòa thân nhiệt của rái cá biển. Do đó, chúng phải thường xuyên skin care chải lông. Rái cá có da lỏng lẻo và cơ thể khá linh hoạt và có khả năng tiếp cận và chải lông từ mọi bộ phận trên cơ thể.

Điều này khá giống với loài mèo. Mèo cũng dành phần lớn thời gian của mình để chải chuốt và liếm láp. Đôi khi chúng còn liến cả bạn nữa. Vậy lý do là gì? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong bài viết “Tại sao mèo lại liếm bạn” sau đây.

Thời gian trung bình để một con rái cá biển skin care là khoản 5 tiếng mỗi ngày. Chúng chủ yến skin care trước và sau khi kiếm ăn, nhưng cũng trong khi kiếm ăn và nghỉ ngơi. Chu trình skin care cũng khá là cầu kỳ. Sau khi ăn xong, chúng tắm mình trong đại dương, dùng răng và móng làm sạch bộ lông.

Chúng sẽ bắt đầu skin care ‘da mặt’ trước. Giống như lũ mèo, chúng làm ướt bàn chân trước múp máp của mình bằng nước bọt, sau đó đưa chân lên chà xát vào mặt. Chúng massage da mặt theo chuyển động vòng tròn, không khác gì cách chúng ta chăm sóc da mặt cả. Trong quá trình cọ xát bộ lông, chúng sẽ ‘làm mềm’ lông để tạo thêm không khí cho nó và hỗ trợ lan truyền chất dầu tự nhiên do da tiết ra. Có lẽ vì lý do này mà rái cá biển nhìn rất trẻ trung.

Khi chải lông, rái cá gỡ các nút thắt và xù lông ra để tự làm sạch, bạn có thể thấy hành động này giống như gãi ngứa vậy. Rái cá mẹ cũng có thể thổi vào bộ lông của con mình để giữ cho chúng ấm và bồng bềnh. Ngoài ra, rái cá biển thường xuyên lăn lộn trong nước để rửa sạch thức ăn thừa khỏi lông của chúng.

3. Ăn như heu

Đừng để những quả cầu lông dễ thương này đánh lừa bạn, sự thèm ăn của chúng rất lớn. Với khả năng trao đổi chất cao, rái cá biển cần liên tục cung cấp năng lượng cho cơ thể bé nhỏ của mình để bắt kịp với việc tiêu hao năng lượng. Mỗi ngày, rái cả biển ăn lượng thức ăn gần bằng 25% – 40% trọng lượng cơ thể của chúng chỉ để giữ ấm. Nếu một con rái cá nặng 63kg, nó sẽ ăn khoảng 15kg thực phẩm mỗi ngày.

Rái cá biển ăn gì? Chúng ăn nhiều loại động vật không xương sống, hơn 100 loài săn mồi khác nhau, bao gồm nhím biển, bào ngư, trai, cua, ốc, sao biển, mực và bạch tuộc. Để tìm thức ăn, những con rái cá biển đôi khi có thể lặn sâu tới 76m và sẽ sử dụng chân trước và những chiếc râu nhạy cảm của mình để xác định vị trí con mồi nhỏ bên trong các kẽ hở hoặc chân trước khỏe của chúng để đào ngao.

4. Thợ lặn chuyên nghiệp

Rái cá biển phát triển mạnh trong môi trường biển có độ sâu lớn hơn nhiều và có thể lặn sâu tới 100m dưới nước trong khi kiếm ăn. Điều này có thể khá căng thẳng đối với xoang, nên giải phẫu của rái cá biển cho phép nó thực sự đóng tai và lỗ mũi của mình khi ở dưới nước, giúp cho việc lặn trơn tru hơn nhiều.

Dung tích phổi của rái cá lớn hơn 2,5 lần so với các động vật có vú trên cạn có kích thước tương tự. Rái cá biển có thể nhịn thở ở dưới nước hơn 5 phút. Tuy nhiên, rái cá sông có thể nín thở đến 8 phút. Thời gian ở dưới nước tăng lên giúp rái cá có cơ hội cảm nhận con mồi và kiếm thức ăn. Độ sâu lặn trung bình của rái cá biển California là khoảng 6m. Độ lặn sâu nhất được ghi nhận là 80m.

5. Bà mẹ của năm

Rái cá biển phương nam sinh sản quanh năm, trong khi rái cá biển phương bắc ở Alaska thường sinh con vào mùa xuân. Chúng thường chỉ sinh 1 con, khoảng 2% sẽ sinh đôi. Rái cá biển là loài rái cá duy nhất sinh con dưới nước. Các bà mẹ nuôi dưỡng con của mình trong khi nổi trên lưng. Chúng ôm đứa con của mình trên ngực để cho chúng bú, và nhanh chóng dạy chúng bơi và săn mồi.

rái cá biển
Mẹ bồng con

Một con rái cá con mới sinh cần được quan tâm thường xuyên và sẽ ở với mẹ của nó trong sáu tháng cho đến khi nó phát triển các kỹ năng sinh tồn. Rái cá biển hoàn toàn không thể bơi trong tháng đầu tiên của chúng, mặc dù được sinh ra ở biển khơi. Bộ lông của rái cá con dày đến mức nó không thể lặn dưới nước mà chỉ có thể nổi lơ lửng. Con mẹ sẽ phải chải lông cho con và thổi không khí vào bộ lông để tạo độ bồng bềnh.

Những đứa con không thể bơi, chúng dễ bị trôi theo sóng biển. Vì lý do này, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ để giữ chúng an toàn và được ăn đầy đủ. Khi rái cá biển mẹ lặn tìm thức ăn, chúng để lại các con trên mặt biển. Để giữ cho chúng không trôi đi, rái cá biển mẹ bọc con trong tảo bẹ.

Con mẹ dành đến 14 giờ mỗi ngày để kiếm ăn để hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng cao của con mình. Nhu cầu này cao tới nổi khiến rái cá mẹ cạn kiệt sức lực và nhiều con chết vì bệnh nhẹ.

6. Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé

Rái cá biển ngủ trên lưng, giống như kiểu vừa bơi ngửa vừa ngủ vậy. Và khi phải sống ở những vùng thủy triều, chúng có thể dễ dàng bị đánh khỏi nhau và khỏi nguồn thức ăn khi ngủ. Vì vậy, rái cá mẹ và con thường nắm tay nhau để tránh bị trôi đi. Đôi khi chúng cũng quấn mình trong những sợi tảo bẹ dài như một chiếc chăn. Tảo bẹ hoạt động giống như một cái neo và ngăn chúng trôi ra biển khơi.

Đưa tay đây nào

7. Ngủ tập thể

Giống như hầu hết các loài rái cá, rái cá biển trưởng thành thích săn mồi một mình. Tuy nhiên, khi đến lúc chúng nghỉ ngơi, chúng lại ngủ tập thể với những con rái cá cùng giới khác. Điều này cũng giúp chúng tránh bị thủy triều đánh trôi đi. Một nhóm rái cá ngủ với nhau thường được gọi là 1 chiếc bè.

Một chiếc bè thường chứa khoảng 10 đến 100 con rái cá. Các bè rái cá đực có xu hướng lớn hơn các bè cái. Chiếc bè rái cá lớn nhất được ghi nhận thậm chí còn chứa hơn 2.000 cá thể rái cá.

rái cá biển

8. Biết dùng công cụ

Tương tự như Khá Lửng mật ong, rái cá là một trong số ít loài động vật có vú biết sử dụng công cụ. Sau khi săn mồi dưới đáy biển, rái cá biển quay trở lại mặt nước để ăn. Chúng nằm nổi trên lưng và dùng ngực làm bàn, sau đó dùng công cụ để bẻ con mồi, đặc biệt nếu bữa tối là cua, ngao hoặc trai.

Chúng thường sử dụng một miếng đá có thể làm búa hoặc đe để phá vỡ con mồi có vỏ cứng. Để thuận tiện cho việc có thể ăn mọi lúc, rái cá biển giữ dụng cụ ngay bên mình. Chúng có một mảng da lỏng lẻo dưới nách để dự trữ cả thức ăn chúng kiếm được và tảng đá nữa. Khi nào cần ăn thì chúng chỉ việc móc dụng cụ ra và xài thôi.

9. Bắt cóc tống tiền

Khi người mẹ lặn tìm thức ăn và để lại đàn con của chúng trên mặt biển, đôi khi những con đực lợi dụng điều này. Chúng bắt cóc con của rái cá biển cái và giữ chúng làm con tin để tống “tiền”. Trong một số trường hợp, rái cá biển đực còn ác tới nỗi nhấn đầu của rái cá con xuống dưới nước cho đến khi con mẹ mang thức ăn tới cho nó.

10. Sở thích tình dục bệnh hoạn

Mặc dù rái cá biển có vẻ ngoài ngây thơ và đáng yêu, nhưng thói quen giao phối của chúng đôi khi có thể gây nguy hiểm và gây chết đối phương. Rái cá biển đực rất hung dữ trong việc giao phối, và thường sẽ cưỡng bức rái cá cái.

Sự giao cấu thường xảy ra trong nước, nơi rái cá biển đực sẽ tiếp cận con cái từ phía sau, dùng chân trước kẹp chặt con cái vào ngực và dùng răng cắn chặt mũi hoặc một bên mặt của con cái. Thông thường, con đực sẽ cắn vào mặt của con cái. Sự phát triển của các vết rách da và mô mềm ở mũi và mặt của con cái đôi khi có thể gây tử vong. Những con đực trẻ hơn thường bắt chước hành vi giao phối với nhau, điều này có thể gây ra thương tích tương tự.

Con đực thô bạo nhấn con cái xuống nước

Quá trình giao phối diễn ra trong nước và kéo dài khoảng 10-30 phút. Trong thời gian này, hai con rái cá lao vào nhau và quay cuồng dữ dội. Rái cá biển đực đôi khi giữ con cái dưới nước cho đến khi giao phối xong, dẫn đến việc tắt thở mà chết. Có tới 11% số ca tử vong của rái cá biển là do hành vi giao phối hung hãn này. Việc những con đực ép mình vào những con chưa trưởng thành về mặt tình dục cũng không phải là chuyện chưa từng xảy ra.

Chưa hết, những con rái cá đực cũng có hành vi tình dục hết sức bệnh hoạn. Rái cá biển đực đôi khi tấn công hải cẩu con và cố gắng giao cấu với chúng. Bằng cách cắn và nhúng nước tương tự, hải cẩu con thường chết vì các cuộc đụng chạm này, sự khác biệt về kích thước giữa hai con vật có nghĩa là chúng có thể bị thủng từ bên trong.

Con cái bị thương ở mũi sau khi giao phối xong

Như thể điều đó vẫn chưa đủ nghiệt ngã, những con rái cá biển đực thỉnh thoảng sẽ bám vào một con rái cá đã chết và tiếp tục cưỡng hiếp xác của nó. Người ta đã ghi lại được chúng cố gắng giao phối với rái cá và hải cẩu con đã chết trong vòng một tuần. Đôi khi chúng giao cấu với chim chết và thậm chí cả chó.

11. Cần thiết cho hệ sinh thái

Tuy bệnh hoạn là vậy, rái cá biển đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Là một loài sinh vật chủ chốt, rái cá biển có tác động rất lớn đến hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, rái cá biển giúp kiểm soát quần thể nhím biển. Nếu không có rái cá biển, nhiều con mồi của chúng – chẳng hạn như nhím biển – sẽ khiến tảo biển chết và trôi đi.

Các khu vực bị ảnh hưởng sau đó trở thành trại nuôi nhím và sẽ có rất ít đa dạng sinh học. Một cách gián tiếp, rái cá biển đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho các khí nhà kính này không gây hại đến điều kiện khí quyển trong các hệ sinh thái ven biển.

Rái cá góp phần bảo vệ tảo biển

Một trong những sự thật thú vị khác về rái cá là chúng cũng giúp kiểm soát sự thay đổi khí hậu ở một mức độ nào đó. Vì các khu rừng tảo bẹ thu nhận carbon dioxide từ khí quyển, sự hiện diện của rái cá giúp cung cấp oxy cho thế giới.

12. Phân mèo có thể khiến rái cá chết

Rái cá phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, với hầu hết các loài rái cá đều dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Họ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như săn trộm, phá hủy môi trường sống và ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, một trong những mối đe dọa đặc biệt hơn là phân mèo. Đôi khi, nó có thể chứa một loại ký sinh trùng nhất định gọi là Toxoplasma gondii. Khi gặp rái cá bị nhiễm bệnh, trên cạn hoặc trong vùng nước ô nhiễm, chúng có thể bị bệnh và có khả năng chết.

13. Những sự thật khác về rái cá biển

– Khoảng 90% rái cá biển sống gần bờ biển Alaska.

– Chúng dành khoảng 9 đến 12 giờ để kiếm ăn mỗi ngày.

– Trung bình, một con rái cá biển California đực trưởng thành tiêu thụ hơn 4.000 calo mỗi ngày. Không giống như rái cá biển phía bắc được tìm thấy ở Alaska, rái cá biển phía nam ở California không ăn cá.

– Thời gian lặn trung bình của rái cá biển California là khoảng 60 giây. Lần lặn dài nhất từng được ghi nhận là chỉ dưới 8 phút.

– Chúng hoạt động như nhau cả đêm và ngày.

– Cá mập trắng cắn hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho rái cá biển ở California. Phần lớn tỷ lệ tử vong của rái cá biển phía Nam là do các bệnh truyền nhiễm, nhiều trong số đó được biết là có nguyên nhân từ con người như chất ô nhiễm ven biển và dầu tràn.

– Chúng có thể sống cả đời mà không cần rời khỏi mặt nước.

– Đây là loài động vật có vú biển duy nhất có khả năng lật trên các tảng đá dưới đáy biển, trong trường hợp này là để tìm kiếm thức ăn. Và nó cũng là loài động vật biển có vú duy nhất bắt cá bằng chân chứ không phải bằng miệng.

Rái cá biển dễ thương

– Với dân số từng được ước tính lên tới gần 300.000 con, rái cá biển bị săn lùng ráo riết để lấy lông và thịt. Sau lệnh cấm săn bắn quốc tế, số lượng của chúng đã tăng trở lại đáng kể trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở Biển Bering và vùng biển Alaska, nơi trú ẩn chính của chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân loại là “có nguy cơ tuyệt chủng”.

– Tuy trông mềm mại và dễ thương nhưng đây vẫn là loài động vật hoang dã nguy hiểm. Chúng có hàm răng chắc khỏe và cú cắn cực mạnh. Vì vậy, cho dù bạn nhìn thấy rái cá trên đất liền hay trên biển, hãy đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 50 m và không bao giờ cho chúng ăn.

Tên gọi chung: Rái cá biển

Tên khoa học: Enhydra lutris

Phân loài: Động vật có vú

Chế độ ăn: Động vật ăn thịt

Tuổi thọ trung bình trong tự nhiên: Lên đến 23 năm

Kích thước: 1,2 mét

Cân nặng: 29 kg

 

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!