Viêm tụy là một căn bệnh rối loạn hay gặp ở chó và mèo. Nếu mèo bị viêm tụy không được chữa trị, chúng sẽ có thể phát sinh thêm các bệnh khác như tiểu đường hay không có khả năng tiêu hóa thức ăn.
1. Viêm tụy ở mèo là gì?
Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng nằm ở phía bên phải của bụng, tiếp giáp với dạ dày. Mặc dù tuyến tụy chỉ nặng khoảng 170 – 226 gram, nhưng nó phục vụ hai chức năng rất khác nhau quan trọng để duy trì sức khỏe. Tuyến tụy có hai phần riêng biệt, tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết, phục vụ hai chức năng khác nhau:
– Tuyến tụy nội tiết sản xuất các loại hormone khác nhau. Hai trong số các hormone chính do tuyến tụy sản xuất là glucagon và insulin, có tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu. Rối loạn tuyến tụy nội tiết thường gặp nhất là bệnh đái tháo đường, nguyên nhân là do giảm mức sản xuất insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Bạn có thể xem thêm về bệnh đái tháo đường ở mèo trên website của chúng tôi.
– Tuyến tụy ngoại tiết sản xuất các enzym được đưa đến đường ruột để hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo, protein và carbohydrate. Nếu các enzym này được kích hoạt sớm, chúng có thể thấm vào tuyến tụy, tràn vào khoang bụng và các mô xung quanh, gây tổn thương và viêm. Bệnh này được gọi là viêm tụy ở mèo.
Viêm tụy từng được cho là rất hiếm gặp ở mèo, nhưng hiện nay mèo bị viêm tụy thường xuyên hơn. Mèo ở mọi độ tuổi, giới tính, giống loài đều có thể bị viêm tụy. Viêm tụy cấp ở mèo có thể có dạng phù nề nhẹ, dạng xuất huyết nặng hơn. Một số con mèo bị viêm tụy cấp tái đi tái lại nhiều lần sau đợt phục hồi. Đây được gọi là viêm tụy mãn tính.
2. Nguyên nhân mèo bị viêm tụy?
Thông thường, các enzym tuyến tụy được sản xuất ở trạng thái không hoạt động và đi qua ống tụy đến tá tràng, một phần của ruột non. Khi đến ruột non, chúng sẽ được kích hoạt để bắt đầu tiêu hóa.
Với tình trạng viêm tụy, các enzym này được kích hoạt sớm trong tuyến tụy thay vì muộn hơn ở ruột non. Trong trường hợp này, các enzym tuyến tụy bắt đầu tiêu hóa trước khi chúng cần. Điều này dẫn đến sự tiêu hóa của chính tuyến tụy và do đó, các dấu hiệu lâm sàng bắt đầu.

Ở mèo, viêm tụy xuất hiện tự phát mà không có bất kỳ nguyên nhân kích thích nào được xác định. Viêm tụy ở mèo cũng có thể xảy ra thứ phát do các nguyên nhân cơ bản như bệnh viêm ruột hoặc bệnh đái tháo đường.
Viêm tụy có thể do tuyến tiêu hóa bị viêm, do thuốc hoặc tiêu thụ thứ gì đó mà tuyến tụy khó xử lý, chẳng hạn như bữa ăn có nhiều chất béo hoặc thậm chí do căng thẳng về đường cao trong gan. Việc cho mèo ăn chất béo đã được đun sôi cũng có thể khiến mèo bị viêm tụy.
3. Dấu hiệu mèo bị viêm tụy
Các dấu hiệu lâm sàng của viêm tụy ở mèo thường thay đổi, và cường độ của bệnh sẽ phụ thuộc vào mức độ liên quan của các cơ quan. Các dấu hiệu lâm sàng mèo bị viêm tụy phổ biến nhất bao gồm:
- buồn nôn, nôn: mèo có triệu chứng này có thể bị các vấn đề khác nữa. Để biết mèo có bị viêm tụy hay không, chúng tôi khuyến khích bạn nên xem “Nguyên nhân mèo bị nôn thường xuyên” để phân biệt tốt hơn.
- sốt, hôn mê
- đau bụng, tiêu chảy
- giảm cảm giác thèm ăn
- sốc cấp tính hoặc tử vong (trường hợp nặng)
4. Chẩn đoán viêm tụy ở mèo
Việc chẩn đoán mèo bị viêm tụy có thể khó khăn trong nhiều trường hợp, vì không có một xét nghiệm nào xác định được căn bệnh này. Bác sĩ thú y sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của mèo, nhiều xét nghiệm máu và kết quả hình ảnh.
– Xét nghiệm máu sinh lý và hóa học sẽ có những thay đổi không cụ thể, như tăng một số men gan, số lượng bạch cầu tăng cao, cũng như thay đổi chất điện giải do nôn mửa. Mất nước cũng có thể dẫn đến tăng số lượng hồng cầu hoặc tăng nhẹ giá trị thận. Nhưng không có thay đổi nào trong số này là đặc trưng cho mèo bị viêm tụy và chúng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.
– Xét nghiệm máu cụ thể nhất cho bệnh viêm tụy ở mèo được gọi là phản ứng miễn dịch lipase tụy ở mèo, hoặc fPLI. Xét nghiệm này để tìm một dấu hiệu đặc trưng cho tuyến tụy và nồng độ thường tăng lên khi bị viêm tuyến tụy. Mặc dù đây hiện là xét nghiệm máu nhạy cảm nhất hiện có để chẩn đoán viêm tụy ở mèo, nhưng nó có thể bỏ sót các trường hợp mèo bị viêm tụy nhẹ hoặc mãn tính.
– X quang có thể cho thấy những thay đổi liên quan đến tình trạng viêm ở vùng tụy bị viêm tụy cấp xuất huyết nặng.
– Siêu âm có thể cho thấy tình trạng viêm trong tuyến tụy hoặc khu vực xung quanh; bao gồm viêm tụy, viêm mô xung quanh, phì đại tuyến tụy hoặc dịch xung quanh khu vực. Những thay đổi này thường rõ ràng hơn trong các trường hợp viêm tụy cấp ở mèo.
– Sinh thiết tuyến tụy để xác định những thay đổi cấp tính hoặc mãn tính đối với tế bào tuyến tụy dưới kính hiển vi có thể rất hiệu quả về mặt chẩn đoán, nhưng vì xét nghiệm này đòi hỏi phải gây mê toàn thân và phẫu thuật ổ bụng, nó thường không được khuyến khích trong các trường hợp điển hình
5. Mèo bị viêm tụy điều trị như thế nào?
Việc điều trị mèo bị viêm tụy sẽ phụ thuộc vào việc chẩn đoán sớm và điều trị y tế kịp thời. Bốn mục tiêu chính của điều trị viêm tụy ở mèo là kiểm soát tình trạng mất nước, buồn nôn, đau và dinh dưỡng. Đối với các trường hợp tương đối nhẹ, điều này có thể đạt được thông qua điều trị ngoại trú và tại nhà, nhưng đối với các trường hợp mèo bị viêm tụy cấp tính và nặng, có thể phải nhập viện để điều trị bằng đường tĩnh mạch và hỗ trợ dinh dưỡng chuyên sâu.
– Tuyền dịch truyền tĩnh mạch là rất quan trọng trong điều trị viêm tụy ở mèo. Mất nước là một phát hiện rất phổ biến và mất nước có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến huyết áp ở một số con mèo. Trong trường hợp ít nghiêm trọng hơn, có thể truyền dịch dưới da tại phòng khám thú y hoặc thậm chí tại nhà.
– Thuốc chống buồn nôn được khuyên dùng ở mèo bị viêm tụy, ngay cả trong trường hợp không thấy nôn. Mèo không muốn ăn thường liên quan đến buồn nôn và tình trạng này thường có thể được cải thiện khi chứng buồn nôn được điều trị. Hỗ trợ dinh dưỡng sớm là chìa khóa trong điều trị viêm tụy ở mèo. Mèo ăn uống trở lại càng sớm thì tiên lượng hồi phục tốt càng tốt.
Nếu liệu pháp này không thành công, bác sĩ thú y có thể đặt một ống dẫn thức ăn để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày. Liệu pháp dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp mèo phục hồi nhanh hơn sau khi mèo bị viêm tụy mà còn ngăn ngừa các biến chứng khác của chứng biếng ăn kéo dài, chẳng hạn như chứng nhiễm mỡ gan ở mèo.
– Nhiều trường hợp cũng sẽ cần dùng thuốc chống viêm, hoặc thuốc khác để kiểm soát nôn mửa hoặc tiêu chảy. Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng nếu nghi ngờ nhiễm trùng đồng thời.
– Bạn cũng có thể cung cấp cho mèo của mình một chế độ ăn đơn giản, ít chất béo với ức gà bỏ da có thể giúp giảm căng thẳng cho gan. Điều quan trọng là mèo cần phải uống đủ nước.
– Nếu bác sĩ thú y của bạn nghi ngờ rằng nguyên nhân cơ bản có thể liên quan đến bệnh viêm ruột, mèo của bạn có thể cần duy trì chế độ ăn phù hợp. Ngoài ra, nếu mèo của bạn được phát hiện đồng thời mắc bệnh đái tháo đường, thì có thể phải điều trị thêm.
6. Tiên lượng mèo bị viêm tụy
Tiên lượng cho mèo bị viêm tụy có thể khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bệnh. Đối với mèo mắc các dạng bệnh nhẹ đến trung bình, tiên lượng phục hồi nói chung là rất tốt, mặc dù có thể xảy ra các đợt lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, viêm tụy có thể gây tử vong ở mèo bị viêm tụy cấp rất nặng.
Hầu hết mèo hồi phục mà không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, với mèo bị viêm tụy cấp nặng hoặc tái phát, một hoặc nhiều vấn đề sau có thể phát triển:

– Nếu một số lượng đáng kể các tế bào sản xuất các enzym tiêu hóa bị phá hủy, có thể dẫn đến tình trạng thiếu khả năng tiêu hóa thức ăn thích hợp. Đây được gọi là suy tuyến tụy ngoại tiết và có thể được điều trị bằng cách sử dụng viên nén hoặc bột enzyme trong thức ăn hàng ngày.
– Nếu một số lượng đáng kể các tế bào sản xuất insulin bị phá hủy, mèo sẽ bị bệnh đái tháo đường. Điều này thường có thể được điều trị bằng cách tiêm insulin hàng ngày.
– Nếu ở dạng mãn tính, mèo có thể bị viêm tụy lặp đi lặp lại rất khó chẩn đoán. Những con mèo này có thể chán ăn vài ngày, sốt và hôn mê. Trong một số trường hợp, mèo có thể phát triển bệnh tiểu đường.
Tổng kết
- Sốt, buồn nôn
- Tiêu chảy
- Chán ăn
- Sốc cấp tính