Chó mập và béo phì không hề cute, chúng đầy bệnh tật và dễ “thăng” sớm

Chó mập và béo phì có thể mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, có tuổi thọ ngắn hơn, ngay cả khi chúng chỉ thừa cân ở mức độ vừa phải. Béo phì có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe lớn, bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim và viêm khớp. Vì vậy, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là điều cần thiết. Làm gì khi chó của bạn béo phì thừa cân?

1. Tại sao phải giảm cân cho chó?

Mặc dù không phổ biến như mèo, nhưng tình trạng chó béo phì thừa cân cũng không ít. Nó tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe chó, khiến chúng có nguy cơ mắc một số bệnh lý nghiêm trọng. Các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng tiềm ẩn khi chó mập thường bao gồm:

  • Giảm tuổi thọ, giảm khả năng vận động
  • Viêm xương khớp, viêm mãn tính
  • Bệnh tiểu đường loại 2, suy giáp
  • Bệnh hô hấp
  • Huyết áp cao, bệnh tim mạch: tim mạch là một căn bệnh nguy hiểm cho chó. Để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bạn nên tìm hiểu thêm các dấu hiệu chó bị bệnh tim.
  • Tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư trong ổ bụng
  • Những con chó mập và béo phì thường có tuổi thọ ngắn hơn so với những con chó có cân nặng bình thường.
  • Chó mập có xu hướng ít tương tác với gia đình và ít hoạt bát và vui tươi hơn. Vì chúng có xu hướng nằm nhiều hơn, nên chúng ta dễ dàng bỏ qua bệnh tật vì chúng ta cho rằng sự thờ ơ của chúng là “sự lười biếng bình thường”.

2. Làm sao biết chó bị thừa cân hay không?

– Có một số cách để kiểm tra xem con chó của bạn có bị thừa cân hay không. Nếu bạn không còn cảm thấy xương sườn của chó khi bạn chạm vào ngực của chúng, hoặc nhìn chó của bạn xồ xệ, chảy mỡ, thì đây là những dấu hiệu cho thấy chó của bạn đang thừa cân, hoặc thậm chí có thể là béo phì.

– Bạn cũng có thể sử dụng Biểu đồ điểm thể trạng của chó bên dưới để xem chó mập hay không:

Bạn có thể biết con chó béo phì hay không dựa vào điểm thể trạng
  • Thiếu cân: Xương sườn, xương sống và / hoặc xương chậu có thể nhìn thấy rõ ràng. Chó không hoặc gần như không có tí mỡ nào.
  • Cân nặng lý tưởng: Tuy không nhìn thấy xương sườn nhưng bạn có thể cảm thấy chúng khi vuốt nhẹ. Chó có lớp mỡ mòng và có vòng eo rõ ràng khi nhìn từ trên xuống.
  • Thừa cân: Bạn không thể sờ thấy xương sườn khi vuốt chó nhẹ nhàng. Không có sự khác biệt giữa thân trên và vòng eo khi nhìn từ trên xuống.
  • Chó mập, béo phì: Bạn chỉ cảm thấy xương sườn của chó khi đè hoặc sờ mạnh vào ngực nó. Vòng eo bằng phằng hoặc rộng hơn phần thân trên. Chó thậm chí có bụng.

Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn chung cơ bản. Sẽ có sự chênh lệch vì mỗi giống chó sẽ có 1 thể trạng khác nhau. Ví dụ như chó săn xám và hầu hết chó săn cảnh sẽ có trọng lượng bình thường ngay cả khi bạn có thể nhìn thấy xương sườn của chúng từ xa.

– Bạn cũng có thể xem xét thêm các triệu chứng chó mập, béo phì bao gồm:

  • Tăng cân
  • Không có hoặc ít lộ vòng eo
  • Không sờ thấy xương sườn
  • Mỡ thừa trong cơ thể
  • Chó bị béo bụng, bụng chướng
  • Ít chải chuốt
  • Lười di chuyển, vận động
  • Hôn mê, thờ ơ
  • Khó thở

3. Nguyên nhân khiến chó mập và béo phì

Các yếu tố sau có thể góp phần khiến chó mập và béo phì:

a. Môi trường

– Cho ăn quá mức là lý do chính yếu khiến chó mập và béo phì. Nhiều người hay có thói quen cưng chó và cho chúng ăn nhiều hơn những gì chúng cần: từ bữa chính tới bữa phụ, từ đồ ăn của chó tới đồ ăn của người, bánh trái, đồ ăn vặt các kiểu…

– Ít vận động: Dù lớn hay nhỏ, trẻ hay già thì chó cần tập thể dục hàng ngày. Trong khi một số giống chó có những nhu cầu đặc biệt cần phải tính đến, tất cả các loài chó đều cần một số hình thức hoạt động thể chất hàng ngày. Nếu không có hoạt động, chó sẽ trở nên buồn chán, không khỏe mạnh và chó mập và béo phì là điều hiển nhiên.

chó mập
Chó gầy đi khi được vui chơi thể dục thường xuyên

– Quan niệm sai lầm về tình trạng cơ thể chó: Nhiều người không nhận ra chó mình mập, thừa cân hay bình thường; hoặc không biết được tình trạng thừa cân ở chó nguy hiểm như thế nào. Họ thường “bỏ quên” chó của mình với lý do quá bận hoặc không biết làm sao.

b. Sinh lý

– Tuổi tác: Khi chó già đi, chúng trở nên ít hoạt bát hơn, ít vận động hơn. Trên thực tế, nhu cầu năng lượng hàng ngày của một con chó 7 tuổi trung bình có thể ít hơn tới 20% so với một con chó trưởng thành nhỏ hơn 6 tuổi. Việc ăn cùng 1 lượng calo nhưng ít vận động sẽ khiến chó sẽ tăng cân nhanh, thậm chí là khiến chó mập lên.

Khi con chó của bạn lớn hơn, bạn sẽ muốn đặc biệt lưu ý về việc tăng cân. Dấu hiệu đầu tiên của sự lão hóa là sự giảm mức độ hoạt động nói chung, bao gồm cả xu hướng chó ngủ lâu hơn, và ít quan tâm đến các cuộc đi bộ dài và trò chơi đuổi bắt.

chó pug
Chó pug béo phì

– Xu hướng giống: một số giống chó có nhiều khả năng bị béo phì hơn. Đặc biệt: chó lạp xưởng mập, Cocker Spaniels, Cairn Terriers, Labrador Retrievers và Golden Retriever. Mặt khác, một số giống chó như Greyhounds và Whippets dường như ít bị thừa cân hoặc béo phì hơn nhiều.

c. Triệt sản/thiến

Triệt sản/thiến chó mèo làm giảm sản xuất hormone sinh dục. Điều này làm giảm tiêu hao năng lượng và có thể gây ra những thay đổi về cảm giác no, khiến chó mèo của bạn tăng cảm giác đói và thèm ăn nhiều hơn.

d. Thuốc men và bệnh tật

– Thuốc men: một số loại thuốc có thể khiến chó mập lên như

  • Phenobarbital (chống co giật) có thể làm giảm cảm giác no dẫn đến ăn quá nhiều
  • Glucocorticoid có thể dẫn đến lắng đọng chất béo bất thường và tăng cân

– Bệnh tật:

  • Suy giáp có thể dẫn đến giảm sản xuất hormone, góp phần làm tăng cân ở chó
  • Insulinoma có thể góp phần tăng cân, khiến chó mập
  • Hoặc tuyến thượng thận của chó có thể sản xuất quá nhiều hormone gọi là cortisol và dẫn đến tình trạng được gọi là bệnh Cushing. Những con chó mắc bệnh Cushing không thực sự tăng cân, nhưng chất béo của chúng được phân bổ lại ở bụng, khiến chúng trông như bụng bầu.

4. Chó bị béo phì phải làm sao?

Trước khi giảm cân cho chó mập ú, bạn hãy đem chúng đến bác sĩ thú y để chắc rằng chúng không bị bệnh. Một số bệnh phổ biến khiến chó tăng cân bao gồm suy giáp và suy vỏ thượng thận hoặc bệnh Cushing. Sau khi loại trừ yếu tố về y tế, bạn có thể làm theo các cách sau:

a. Điều chỉnh chế độ ăn uống

– Thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống là 1 trong những cách tốt nhất để giảm cân cho chó mập và béo phì. Thay vì cho chó nạp calo vô tội vạ, cho chó ăn bao nhiêu tùy thích thì bạn nên tính toán lại lượng calo hàng ngày mà chúng thực sự cần.

Hãy bắt đầu bằng việc thử cắt giảm 10% lượng thức ăn bạn cho chó ăn hàng ngày. Sau đó, khi chú chó mập và béo phì của bạn giảm được 0,5kg, bạn lại điều chỉnh lượng thức ăn; cho đến khi chúng đạt được mức cân nặng phù hợp, và sau đó sẽ duy trì số cân nặng đó.

Để tính toán chính xác hơn, bạn có thể tham khảo cách tính cân nặng lý tưởng của chó và lượng calo mà chúng cần theo hướng dẫn tại đây.

chó mập
Chó lạp xưởng béo phì

Nếu sau 2-3 tuần, con chó mập và béo phì của bạn vẫn không thể giảm được cân nào, hãy giảm thêm 10% lượng thức ăn nữa. Nếu bạn cho chó ăn vặt ngoài bữa chính (bánh trái…), hãy tính toán lượng calo của tất cả chúng và trừ vào bữa ăn. Điều này giúp chó không ăn quá lượng calo mà chúng cần.

– Để giảm cân cho chó mập và béo phì, hãy đảm bảo rằng con chó của bạn có một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng. Hạn chế các món ăn nhiều chất béo, giảm lượng carbs đã qua chế biến; thay thế bằng các loại protein và rau quả tốt cho sức khỏe. Để biết nên cho chó ăn loại trái cây nào tốt, bạn có thể tìm thiểu thêm theo hướng dẫn của chúng tôi. Thay vì chọn các loại thức ăn rẻ tiền (có thể khiến chó mau đói), hãy chọn thức ăn cho chó chất lượng cao.

– Tránh cho chó ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Chỉ sử dụng đồ ăn vặt để thưởng cho chú chó của bạn khi có hành vi tốt.

Lưu ý:

– Đừng bắt chó mập của bạn nhịn ăn hay đưa chúng vào một chế độ ăn uống khắc nghiệt. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng như bệnh viêm gan nhiễm mỡ chẳng hạn. Mức giảm cân an toàn cho chó là 3-5% trọng lượng cơ thể mỗi tháng.

– Thay vì cho chó ăn 2 bữa lớn, bạn có thể cho chúng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để chúng không cảm thấy đói. Đảm bảo rằng con chó của bạn được uống nhiều nước.

– Khi thay đổi chế độ ăn cho chó, hãy làm điều này 1 cách từ từ để chó không bị khó chịu dạ dày. Hãy bắt đầu bằng cách thay thế 1/4 chế độ ăn trong một đến hai ngày, sau đó tăng lên một nửa tổng khối lượng thức ăn trong hai ngày nữa, sau đó là 3/4 thức ăn mới trong hai đến ba ngày cuối cùng trước khi chuyển hoàn toàn sang chế độ ăn mới .

b. Tập thể dục

Tất cả các con chó đều cần tập thể dục, cho dù chó mập và béo phì hay không. Tập thể dục đốt cháy calo và giúp chó khỏe mạnh. Chó cần ít nhất 30-60 phút tập thể dục mỗi ngày, những giống chó lớn hơn và nhiều năng lượng hơn thì cần tập nhiều hơn. Bạn có thể:

  • Dắt chó đi dạo mỗi ngày, đi bộ nhanh, chạy bộ với chúng
  • Chơi với chúng: Sử dụng đồ chơi, bóng, trò chơi, đồ chơi có tiếng kêu, bất cứ thứ gì con chó của bạn thấy thú vị để đuổi theo và bắt đầu hoạt động thể chất. Cố gắng cho chó tham gia hoạt động thể dục ít nhất 10 – 15 phút hai lần một ngày.
  • Di chuyển bát thức ăn lên lầu để chó phải vận động trước khi ăn.

5. Một số lưu ý khi giảm cân cho chó

– Với một số con chó mập, khi bạn thay đổi chế độ ăn, chúng sẽ nhìn bạn với con mắt tội nghiệp và rên ư ử đòi ăn. Dưới đây là một số mẹo để xử lý chúng:

  • Cưng nựng hoặc chơi với chó khi chúng xin thức ăn.
  • Cho chó đi dạo hoặc dắt nó ra ngoài khi nó xin ăn. Sự phân tâm và tương tác có thể đủ để khiến chó quên đi cảm giác thèm ăn.
  • Cho chó mập ăn các bữa nhỏ thường xuyên. Chia tổng khối lượng hoặc calo thành bốn đến sáu bữa ăn nhỏ hơn. Dù bạn làm gì, đừng nhượng bộ và cho ăn thêm thức ăn hoặc khẩu phần.
  • Khi bát đã hết và con chó của bạn đang van xin, hãy thử thêm một 1 -2 miếng đồ ăn; bạn không nên cho nhiều hơn
chó ăn trái cây
Chó ăn trái cây: chó ăn được rau củ gì
  • Cho chó ăn các loại rau như cà rốt non, bông cải xanh, bí xanh…. Hầu hết các con chó đều thích đồ ăn giòn, vì vậy hãy chọn món ăn lành mạnh và ít calo.
  • Cho chúng nước thay vì thức ăn.

– Nếu nhà bạn nuôi nhiều hơn 1 con chó và chỉ có 1 con bị thừa cân béo phì, hãy thử các cách sau để giúp chó giảm cân:

  • Cho ăn riêng: đây là giải pháp tốt nhất cho các hộ gia đình nuôi nhiều chó. Cho chó mập ăn chế độ ăn của nó trong một phòng trong khi cho chó khác của bạn ăn ở một vị trí khác, tốt nhất là khuất tầm nhìn của con chó kia. Sau một thời gian quy định, thường là 15 đến 30 phút, hãy cất thức ăn đi cho đến lần cho ăn tiếp theo.
  • Không để thức ăn ra ngoài khi bạn đi vắng.

– Hãy theo dõi cân nặng của chó hàng tuần của chó, ghi chép các dữ liệu lại. Sau vài tuần, bạn hãy mở ra xem các dữ liệu đó xem chúng có biến động hoặc chó của bạn có thật sự giảm cân hay không. Nếu chúng không giảm cân hoặc rất ít, bạn nên có phương pháp điều chỉnh phù hợp.

Chó con mập ú, chó alaska béo phì

Hầu hết các con chó sẽ đạt được trọng lượng lý tưởng trong vòng sáu đến tám tháng. Nếu quá trình diễn ra lâu hơn mức này, bạn cần phải thay đổi chế độ ăn hoặc phương pháp tập thể dục. Mức giảm cân lành mạnh thường là từ 3 đến 5% trọng lượng cơ thể mỗi tháng dựa trên độ tuổi và tình trạng thể chất hiện tại. Tùy vào sự trao đổi chất, một số con chó có thể cần giảm cân chậm hơn trong khi những con khác có thể giảm cân nhanh hơn.

6. Tổng kết

Chó mập và béo phì có tuổi thọ ngắn hơn và dễ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Cân nặng phù hợp giúp con chó của bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Đối với hầu hết các con chó, tình trạng béo phì là do chúng ăn quá nhiều và ít vận động. Điều này sẽ khiến chúng chết sớm hoặc phát triển các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, huyết áp hoặc bệnh tim.

Để giảm cân hiệu quả, hãy luôn cố gắng kết hợp việc ăn uống lành mạnh với nhiều bài tập thể dục. Với những chú chó không quen vận động nhiều, hãy chú ý xây dựng hoạt động của chúng một cách từ từ. Bạn không nên bắt chó nhịn ăn hoặc tập thể dục quá sức ngay từ lúc bắt đầu, điều này sẽ khiến chúng gặp nguy hiểm nhiều hơn.

Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!