Khi nuôi thỏ, mọi người hay có thói quen để chúng đi vệ sinh ngay luôn trong chuồng. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ trong thau cát, giống như mèo vậy. Đây là 1 trong những cách nuôi thỏ không hôi bạn có thể tham khảo.
Theo bản chất tự nhiên, thỏ chọn một hoặc một vài nơi (thường là các góc) để đi tè và ị. Việc dạy thỏ đi vệ sinh vào khay cát bao gồm nhiều thứ hơn là đặt một thau cát vào nơi thỏ chọn đi. Trong khi việc huấn luyện thỏ đi ị chỉ yêu cầu bạn cho thỏ ở một nơi mà chúng biết rằng sẽ không bị người khác xâm phạm. Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn hướng dẫn thỏ đi vệ sinh đúng chỗ trong khay.
1. Yếu tố ảnh hưởng
Trước khi dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ, bạn cần biết có một số tác nhân ảnh hưởng và tạo ra sự khác biệt với quá trình này.
– Tuổi tác: Thỏ trưởng thành dễ huấn luyện hơn thỏ con. Khả năng chú ý và học hỏi của thỏ tăng lên khi chúng lớn lên. Vì vậy, bạn nên áp dụng cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ vào khay cát khi chúng được ít nhất 3 tháng tuổi là lý tưởng nhất.
– Triệt sản: đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới quá trình huấn luyện thỏ đi vệ sinh. Khi thỏ được 4 – 6 tháng tuổi, nội tiết tố của chúng được kích hoạt; và chúng sẽ bắt đầu đánh dấu lãnh thổ của mình. Bằng cách triệt sản, thỏ sẽ có nhiều khả năng sử dụng hộp vệ sinh hơn. Điều này cũng giúp thỏ khỏe mạnh và vui vẻ hơn nhiều.
2. Trước khi huấn luyện đi vệ sinh
Những thứ bạn cầm chuẩn bị trước khi dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ:
a. Khay vệ sinh cho thỏ
– Bạn có thể mua một thau cát được thiết kế cho thỏ có phần lưng nhô cao (để ngăn cát bay khắp nơi khi chúng cào) và phần trước thấp (để thỏ chui vào dễ dàng hơn). Hãy mua nhiều hơn một cái khay vệ sinh cho thỏ để có thể dễ dàng hoán đổi chúng khi muốn lau rửa và phơi nắng cái đang dùng. Bạn có thể dùng loại nhà vệ sinh cho thỏ dưới đây.
– Bạn cũng có thể dùng nhà vệ sinh cho mèo thông thường, nhưng hãy dùng loại có các mặt thấp. Bạn có thể đọc để biết thêm các loại thau cát mèo được khuyến khích dùng trên thị trường.
– Hộp carton cũng là một sự lựa chọn, nhưng hãy chuẩn bị nhiều hộp để thường xuyên vì thỏ sẽ gặm nhấm chúng.
b. Cát vệ sinh cho thỏ
Trước khi lựa chọn loại cát vệ sinh cho thỏ phù hợp, hãy nhớ rằng:
- Thỏ dành nhiều thời gian trong hộp vệ sinh của chúng
- Thỏ sẽ luôn gặm/nhai cát vệ sinh
- Nước tiểu thỏ có mùi rất nặng
Vì vậy, bạn nên chọn các loại cát hữu cơ / tự nhiên, làm từ cỏ linh lăng, cỏ lúa mì, yến mạch, cam quýt, giấy, hoặc mùn cưa sấy khô bằng lò nén.
Các loại cát KHÔNG ĐƯỢC DÙNG cho thỏ: |
– Cát gỗ thông hoặc tuyết tùng (gỗ mềm) không được sấy khô bằng lò nung: thải ra khí độc phenolic gây tổn thương gan khi thỏ hít phải,
– Cát từ lúa mì: thỏ thường hay ăn cát lúa mì. Vì chứa nhiều carbohydrate, loại cát này có thể khiến thỏ:
- béo phì
- manh tràng hoạt động quá mức
- tiêu chảy
- mất cân bằng vi khuẩn
- các vấn đề sức khỏe khác
– Cát đất sét hay cát bentonite:
- Bụi – nếu chú thỏ của bạn hay đào bới, bụi có thể khiến chúng dễ bị viêm phổi, hen suyễn
- Tinh thể silica có thể gây ung thư
- Natri bentonit (để tạo độ vón) trong cát đất sét có thể gây tắc nghẽn, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và các tình trạng trầm trọng khác, thậm chí là tử vọng nếu thỏ ăn phải. Bạn có thể tìm hiểu thêm tác hại của loại cát đất sét bentonite đối với thỏ và mèo theo hướng dẫn.
– Cát từ lõi ngô
- Không thấm
- Không kiểm soát mùi
- Gây tắc nghẽn cơ thể và chết người nếu thỏ ăn
Các loại cát vệ sinh an toàn (có thể làm phân bón) cho thỏ: |
– Cát vệ sinh bằng giấy
- Thấm tốt
- Giảm mùi hôi
- An toàn nếu ăn phải
- Bạn có thể tự làm cát cho thỏ bằng giấy báo, tương tự như cách làm cát vệ sinh cho mèo bằng giấy. Tuy nhiên, nó sẽ không khử mùi tốt lắm.
– Cát cho thỏ từ viên nén mùn cưa
- Rẻ tiền
- Thấm hút cao
- Làm từ gỗ mềm hoặc mùn cưa gỗ cứng. Chúng không độc hại vì phenol được loại bỏ trong quá trình sản xuất (sấy khô trong lò)
- Thành phần gỗ giúp kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn
- Kiểm soát mùi
– Cát làm từ yến mạch và cỏ linh lăng
- Kiểm soát mùi tuyệt vời
- Nếu thỏ ăn quá nhiều, chúng sẽ nở ra và gây đầy hơi
– Cát từ vỏ cây dương: kiểm soát mùi tốt
c. Cỏ khô
Hãy chuẩn bị cỏ khô để vào hộp để dụ thỏ dùng thau cát vệ sinh. Thỏ thường thích vừa nhai nhóp nhép trong khi đi vệ sinh. Điều này vừa khuyến khích thỏ ăn cỏ khô, vừa giúp huấn luyện thỏ đi vệ sinh đúng chỗ vào khay của chúng. Bạn có thể dùng cỏ timothy hay cỏ yến mạch, nếu thỏ bạn là thỏ con, bạn có thể dùng thêm loại cỏ linh lăng Alfalfa.
3. Chuẩn bị khay cát và lồng thỏ
– Khay cát: đổ cát cho thỏ vào khay cát với độ dày khoảng một 2,54cm; và thêm một lớp cỏ khô dày lên trên. Cỏ khô làm cho khay vệ sinh hấp dẫn hơn để thỏ sử dụng.
– Lồng: hãy dùng một cái lồng đủ lớn để chứa thau cát vệ sinh, cùng với bát thức ăn và nước uống và đồ chơi của thỏ, đồng thời vẫn đủ chỗ cho thỏ nằm dài ra. Nếu chuồng của bạn quá nhỏ để đặt khay cát vào thì chiếc lồng đó quá nhỏ đối với một con thỏ. Bạn nên thay một chiếc lồng khác rộng rãi và thoải mái hơn.
- Nếu lồng thỏ của bạn là loại có chân, hãy xây dựng một đoạn đường nối hoặc cầu thang, hoặc đặt các hộp carton tạo thành các bậc thang để thỏ có thể tự ra vô trong lồng.
- Nếu lồng thỏ có cửa ở trên cùng, hãy đặt một chiếc ghế đẩu, một tấm ván hoặc hộp nhỏ bên trong để giúp thỏ có thể tự đi ra đi vô.
4. Cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ
Bước 1: Cách huấn luyện thỏ đi vệ sinh đúng chỗ trong lồng
Bước đầu tiên trong cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ là huấn luyện chúng đi vệ sinh trong lồng.
– Hãy đặt một khay cát vào lồng thỏ, ở góc mà chúng thường đi vệ sinh nhất và nhốt chúng vào lồng. Bạn có thể thử cho một ít phân của chúng vào khay vệ sinh để dạy chúng. Nếu lồng lớn hơn và lồng có nhiều tầng, bạn sẽ cần nhiều hơn một thau cát.
– Nếu thỏ đi tiểu ở một góc của lồng không chứa thau cát, hãy di chuyển khay đến góc đó. Bạn có thể phải di chuyển nó một vài lần trước khi thỏ hiểu được ý của bạn. Hãy kiên nhẫn trong việc huấn luyện thỏ! Đừng lo lắng nếu chú thỏ của bạn cuộn tròn trong khay vệ sinh của nó – điều này là tự nhiên.
– Khi thỏ sử dụng khay cát lần đầu tiên, hãy khen ngợi và cho chúng phần thưởng, như một miếng trái cây chẳng hạn. Một khi thỏ sử dụng chiếc hộp trong lồng hoặc chuồng của mình một vài lần, thói quen của thỏ sẽ được hình thành.
Thỏ rất có thói quen và một khi thói quen đã được thiết lập, chúng thường thích gắn bó với nó hơn.
Bước 2: Cho thỏ ra khỏi lồng
– Khi thỏ đã dùng khay cát thường xuyên, bạn có thể mở cửa và cho phép chúng đi vào không gian vui chơi của mình. Nhưng hãy bắt đầu với không gian vui chơi nhỏ và nhớ là luôn để cửa lồng thỏ mở. Mục tiêu cuối cùng của cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ là đưa bé thỏ của bạn trở về chuồng khi nó cần đi vệ sinh.
– Hãy đặt thêm một hoặc hai khay cát vào không gian vui chơi của chúng. Nếu bạn thấy thỏ đang lùi lại, đẩy phần chân sau vào tường hoặc giơ đuôi lên thì có thể chúng sắp đi vệ sinh.
Lúc này, hãy kêu “không” bằng một tràng âm thanh rõ ràng và duy nhất. Nhẹ nhàng đưa thỏ trở lại chuồng và hộp vệ sinh của nó, hoặc đưa chúng vào một trong các khay cát ở khu vui chơi. Điều này sẽ giúp thỏ nhận ra rằng chúng nên đi tiểu vào lồng hoặc khay vệ sinh.
Hãy làm điều này thật nhẹ nhàng và tử tế. Một ít cỏ khô hoặc một vài món ăn đặc biệt trong thau cát có thể khuyến khích chúng nhảy vào.
Bước 3: Tăng diện tích khu vực vui chơi
Bước tiếp theo trong cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ là tăng diện tích khu vực sinh hoạt của chúng lên.
– Khi thỏ của bạn được huấn luyện tốt hơn khu vui chơi của chúng, bạn có thể tăng diện tích lên. Nhưng đừng quá vội vàng vì thỏ có thể quên mất đường quay trở lại lồng hoặc khay vệ sinh.
– Nếu thỏ của bạn liên tục đi tiểu ở nơi không có khay vệ sinh, hãy đặt khay cát ở nơi chúng sẽ sử dụng nó; ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn phải sắp xếp lại chuồng hoặc di chuyển một số vật dụng trong không gian chơi của chúng. Trong cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ, nhớ là hãy thỏa hiệp, thay vì cố gắng chống lại một con thỏ cứng đầu.
– Một số con thỏ, đặc biệt là con đực, có thể đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng nước tiểu hoặc phân. Bạn thực sự không thể huấn luyện thỏ hay làm gì nhiều về điều này. Việc triệt sản thỏ sẽ hạn chế hành vi này nếu nó được thực hiện khi chúng còn nhỏ. Hầu hết thỏ đực có thể bị thiến ở 10-14 tuần tuổi, con cái có thể được triệt sản khi được 6 tháng tuổi.
Bước 4: Điều chỉnh số lượng khay cát vệ sinh
Khi thỏ bắt đầu sử dụng khay vệ sinh thường xuyên và đáng tin cậy, bạn có thể thay đổi số lượng hoặc vị trí của chúng nếu cần.
Ví dụ: nếu thỏ của bạn chỉ sử dụng hai khay cát và bỏ qua các khay khác, thì bạn có thể loại bỏ các hộp phụ. Nếu thỏ của bạn bỏ qua một thau cát, nhưng đi tiểu vào một góc cách đó 5 bước chân, hãy di chuyển thau cát vệ sinh vào góc đó.
Lưu ý: |
Hầu hết loài thỏ sẽ thải phân xung quanh lồng của mình để đánh dấu chủ quyền. Điều này không có nghĩa là bạn thất bại trong cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ. Việc này giúp thỏ xác định chuồng/lồng là tài sản của chúng, và khi chúng ra những nơi rộng lớn hơn trong nhà của bạn, chúng sẽ phân biệt được khu vực của gia đình với khu vực của chúng và không đánh dấu bằng phân nữa.
Để khuyến khích điều này, hãy biến thỏ trở thành vua trong lồng của chúng. Cố gắng không ép chúng ở trong hay ra ngoài lồng, mà hãy dỗ dành chúng. Không làm những việc mà thỏ không thích hoặc những việc mà chúng không thích khi ở trong lồng.
5. Dọn dẹp thau cát
– Dọn dẹp thau cát 1 lần/ngày. Tuy nhiên, với những con thỏ mới tập dùng thau cát, bạn nên để chất thải của chúng trong vài ngày để đánh dấu mùi hương giúp thỏ quay trở lại. Chất thải của hỏ có thể được sử dụng làm phân bón trực tiếp cho cây.
– Lúc dọn dẹp, hãy để ý những viên phân to và ẩm, chúng là thức ăn đã tiêu hóa một nửa của thỏ. Hãy để yên đó để thỏ ăn lại và lấy các chất dinh dưỡng quan trọng. Nếu không có những viên này, thỏ có thể bị rối loạn dạ dày và tiêu chảy, và về lâu dài, thiếu hụt chế độ ăn uống. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc cách phân biệt các loại phân của thỏ để biết cách chừa loại phân nào và dọn loại phân nào.
– Làm sạch hoàn toàn hộp vệ sinh mỗi tuần một lần. Đổ hoàn toàn khay cát và làm sạch khay bằng giấm trắng. Đối với những vết bẩn khó bám, hãy ngâm giấm một vài tiếng và sau đó chùi rửa.
– Lau nước tiểu/phân của thỏ bên ngoài lồng bằng giấm trắng hoặc nước soda. Nếu nước tiểu đã khô, bạn có thể thử dùng chất tẩy rửa enzyme.
5. Sai lầm trong cách dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ
– Không để tâm
Khi mới huấn luyện thỏ đi vệ sinh, bạn không nên để chúng ra khỏi chuồng mà không quan sát chúng kỹ càng. Bạn không thể vừa xem TV, đọc báo, lướt điện thoại hoặc chát chít, vừa quan sát để tâm chú thỏ đang làm gì mỗi giây. Nếu thỏ đi tiểu bậy bạ mà không bị “bắt” và thả vào khay cát ngay, quá trình dạy thỏ đi vệ sinh sẽ chậm hơn rất nhiều.
– Thiếu kiên nhẫn
Những chú thỏ cần có thời gian để học, vì vậy bạn đừng nên nản hay tỏ ra bực bội khi dạy chúng. Chúng cần bạn dành thời gian ngồi quan sát chúng và không làm gì khác. Bên cạnh việc có một chú thỏ được huấn luyện tốt, bạn cũng có một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để xả stress mà không cần cắm mặt vô điện thoại.
6. Câu hỏi thường gặp khi dạy thỏ đi vệ sinh
– Nên dùng bao nhiêu khay cát vệ sinh cho thỏ?
Khi huấn luyện thỏ đi vệ sinh đúng chỗ, hãy dùng càng nhiều khay cát càng tốt, đặc biệt nếu thỏ của bạn học hơi chậm, hoặc chúng cố chấp về nơi muốn đặt các thau cát của mình. Khi thói quen đi vệ sinh của thỏ được cải thiện, bạn có thể giảm số lượng khay cát xuống.
– Thỏ đi tiểu qua mép của thau cát
Khi đi tiểu, thỏ thường hay lùi lại và đẩy chân sau ra để tè, điều này khiến nước tiểu tràn ra rìa mép của khay cát. Để khắc phục điều này, bạn nên dùng loại khay cát vệ sinh cho thỏ với mặt trước thấp (để thỏ dễ leo vào) và các mặt còn lại cao.
– Làm gì nếu thỏ đái dắt khắp chuồng mà không sử dụng khay vệ sinh?
Tình trạng đái dắt, đái nhỏ dọt ở thỏ thường cho thấy bàng quang của thỏ bị nhiễm trùng. Lúc này, hãy đưa thỏ của bạn đến một bác sĩ thú y thỏ, họ thể sẽ cho nó dùng thuốc kháng sinh. Cẩn thận với các loại thuốc kháng sinh do bác sĩ thú y không chuyên về thỏ.
Nếu tình trạng đái dắt nhiều hơn, chảy nhiều nước hoặc nếu thuốc kháng sinh không ngăn được vấn đề, hãy xem xét bất kỳ yếu tố nào có thể khiến thỏ của bạn cảm thấy không an toàn (vật nuôi mới, khách đến chơi nhà, thay đổi vị trí lồng, v.v.). Bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể khiến thỏ đánh dấu chuồng hăng hái hơn, bằng cách tè nhiều hơn.
– Tại sao thỏ đi tiểu hoặc đi ị ngay bên cạnh khay vệ sinh?
Những lý do phổ biến nhất liên quan đến việc đi vệ sinh không đúng chỗ của thỏ, đặc biệt với những con đã sử dụng khay vệ sinh trong quá khứ:
a. Bệnh lý
– Nhiễm trùng đường tiết niệu; bùn hoặc sỏi bàng quang; bệnh thận: bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y chuyên về thỏ để kiểm tra
– Viêm khớp: Nếu thỏ bị đau do viêm khớp, chúng có thể gặp khó khăn khi ra / vào khay vệ sinh. Nhiều thỏ trên 6-8 tuổi bị viêm khớp. Bạn có thể đưa chúng đến thú y để được đánh giá và cho thuốc giảm đau. Một khay cát thấp có thể hữu ích để thỏ già hoặc thỏ bị bệnh viêm khớp dễ đi vào hơn.
– E. cuniculi: Loại ký sinh trùng trên thỏ này có thể gây ra sẹo thận và các vấn đề về thận. Bác sĩ thú y có thể giúp đánh giá và đề nghị xét nghiệm máu được gọi là hiệu giá kháng thể cho E. cuniculi. Nếu dương tính và có các triệu chứng, thỏ của bạn có thể phải dùng thuốc.
b. Tâm lý
– Thỏ có thể đi vệ sinh ngoài khay cát vì một số căng thẳng. Đó có thể là một sự gián đoạn trong thói quen của thỏ như thời gian chạy ít hơn / nhiều hơn bình thường, khách đến thăm nhà, trẻ em về nhà hoặc bất kỳ sự kiện cảm xúc nào dù tốt hay xấu .
– Chúng thậm chí còn stress vì sợ hãi bởi một tiếng động to đột ngột khi thỏ đang ở trong khay cát. Điều này sẽ khiến thỏ có tâm lý sợ hãi khi ở trong hộp.
– Trừ khi đó là một căng thẳng liên tục không thể được loại bỏ, việc tìm ra nguyên nhân có thể giúp thỏ đi vệ sinh trong khay trở lại. Quan trọng là không phải những gì đã xảy ra lần đầu tiên, mà là thói quen phát triển từ đó. Thỏ đi tiểu bên cạnh chiếc hộp ngày hôm nay vì chúng đã làm nó ngày hôm qua, mà là từ nhiều lần trước đó.
– Một số người không điều chỉnh cách dạy thỏ ngay khi thỏ đi vệ sinh ra bên ngoài lần đầu tiên, đặc biệt là với những con trước giờ luôn ngoan ngoãn trong việc sử dụng khay cát. Họ cho rằng đó là một sự may rủi sẽ biến mất đột ngột như khi nó bắt đầu. Điều này giúp cho thói quen của thỏ có thời gian để mọc rễ vững chắc. Vào ngày thứ 3, thói quen đã khá lâu và việc sửa chữa nguyên nhân đã nhận thức được sẽ không giải quyết được vấn đề.
Vậy làm cách nào để giải quyết nó? Giam giữ, khen ngợi, khen thưởng, quan sát và giám sát thỏ thật thận trọng trong thời gian chúng tự do bên ngoài. Bạn có thể lặp lại các bước như khi mới dạy thỏ đi vệ sinh đúng chỗ.
Bạn có thể làm mới bằng cách thêm một hộp vệ sinh vào khu vực của thỏ. Sự mới lạ làm cho chiếc khay trở nên hấp dẫn (cũng như những món ăn được đặt trong đó). Việc khiến thỏ đi vệ sinh trong một chiếc hộp mới thường dễ dàng hơn là đi vào chiếc hộp cũ mà nó đã đi tè ra bên cạnh.
Quá trình này có thể mất thời gian. Một con thỏ đã được huấn luyện hoàn hảo trong ba năm và đã đi tè cạnh hộp trong ba ngày, có thể cần ba tuần huấn luyện để trở lại như cũ.
c. Tranh giành lãnh thổ
Khi bạn nuôi thêm một con thỏ, chú thỏ cũ sẽ có khuynh hướng đi tè xung quanh khu vực của mình nhằm đánh dấu lãnh thổ với đối thủ. Nhưng khi chúng đã quen với nhau và lãnh thổ của nó đã được đánh dấu đầy đủ, con thỏ cũ sẽ ngừng đi tè bậy bạ và tiếp tục sử dụng khay vệ sinh.
Tổng kết
- Huấn luyện thỏ đi vệ sinh trong lồng
- Cho thỏ ra khỏi lồng
- Tăng diện tích khu vui chơi
- Giới hạn và loại bỏ khay cát vệ sinh