Làm sao để dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ? Đi vệ sinh đúng chỗ là một kỹ năng cần thiết với mèo nuôi trong nhà. Một số người dạy mèo đi vệ sinh vào cát, số khác thì lại dạy mèo đi vệ sinh vào bồn cầu. Vậy đâu là cách dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ?
1. Cách dạy mèo đi vệ sinh vào cát
Cách huấn luyện mèo đi vệ sinh đúng chỗ vào cát không quá khó. Hầu hết mèo trưởng thành tự nhiên sẽ tìm kiếm một nơi có nhiều cát để “giải quyết nỗi buồn” của mình. Nhưng mèo con có thể cần một chút trợ giúp để hình thành thói quen thích hợp này. Dưới đây là một số cách tập cho mèo con đi vệ sinh, cũng như cách dạy mèo lớn đi vệ sinh đúng chỗ.
a. Chọn nhà vệ sinh cho mèo phù hợp
Có rất nhiều khay cát mèo trên thị trường với đủ kiểu dáng và kích thước khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải chọn loại thau cát đủ lớn và phù hợp để mang lại thoải mái cho mèo khi dùng. Ai mà chả thích sự thoải mái và tiện nghi khi đi vệ sinh cơ chứ. Bạn có thể xem hướng dẫn của chúng tôi để biết cách chọn nhà vệ sinh phù hợp cho mèo .
b. Chọn cát mèo
Cát mèo là thứ không thể thiếu và nó là có thể là lý do tại sao mèo không đi vệ sinh đúng chỗ. Đa số những con mèo đều thích loại cát mịn và không mùi, một số con dễ tính trong khi các con khác lại khó tính hơn. Khi lựa chọn cát vệ sinh cho mèo, bạn hãy lưu ý chọn loại cát an toàn cho mèo và cả bạn thân bạn: ít bụi, ít mùi và không có các chất độc hại.
Tất nhiên, bạn phải thử một vài loại cát cho tới khi tìm được loại phù hợp với mèo và cả bạn. Chúng tôi khuyến khích bạn nên đọc thêm các ưu – nhược điểm của từng loại cát mèo để chọn được loại cát phù hợp nhất.
c. Vị trí đặt thau cát
Vị trí của nhà vệ sinh cho mèo có thể là một yếu tố quan trọng trong cách tập cho mèo đi vệ sinh đúng chỗ.
– Đừng nên đặt nhà vệ sinh cho mèo ở chỗ quá khuất (như trong góc tủ). Mèo cũng không thích bị dồn vào chân tường hoặc bị mắc kẹt trong lúc chúng đi vệ sinh.
– Nên đặt thau cát ở nơi có ánh sáng để mèo có thể tìm thấy thau cát của chúng. Nếu không có ánh sáng xung quanh nơi bạn để hộp vệ sinh, hãy thử sử dụng đèn ngủ.
– Đặt hộp vệ sinh cho mèo ở một khu vực có ít đồ đạc để chúng tập trung vào việc đi vệ sinh. Đối với mèo con gặp khó khăn trong việc tập trung, bạn có thể phải loại bỏ những nơi “thú vị” để cố gắng giữ chúng tập trung cho đến khi chúng thành thạo việc sử dụng khay vệ sinh.
– Chỗ cho mèo đi vệ sinh phải là nơi yên tĩnh, không có quá nhiều người qua lại hay có tiếng ồn.
d. Cách dạy mèo đi vệ sinh trong cát
Bạn có thể bắt đầu cách dạy mèo con đi vệ sinh đúng chỗ khi chúng được khoảng 4 tuần tuổi bằng cách cung cấp hộp vệ sinh phù hợp cới mèo con. Thời gian này trùng với thời gian mèo con bắt đầu cai sữa. Nếu nhận nuôi một chú mèo con lớn hơn hoặc mèo trưởng thành, bạn có thể bắt đầu dạy mèo đi vệ sinh chậu cát ngay sau khi mang chúng về nhà.
Sau khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và thiết lập khu vực hộp vệ sinh, bạn có thể bắt đầu cách dạy mèo đi ị đúng chỗ với các bước sau:
Bước 1: Chỉ cho mèo biết vị trí của từng khay vệ sinh và để mèo đánh hơi chúng.
Bước 2: Nhẹ nhàng đặt mèo vào khay vệ sinh. Chúng có thể bắt đầu đào bới theo bản năng hoặc thậm chí sử dụng hộp vệ sinh. Nếu chúng không làm vậy, hãy lấy tay cầm chân trước của chúng và thực hiện hành động đào bới cát.
Bước 3: Nếu mèo của bạn không sử dụng thau cát mà tiếp tục ỉ đái bậy bạ, hãy hốt chất thải của chúng và bỏ vào thau cát. Sau đó, bế và đặt mèo vào trong khay cát, chỉ cho chúng biết; đồng thời cầm chân của chúng để lấp phân lại. Bạn thậm chí có thể nói cho chúng nghe. Mèo rất thông minh, chỉ cần chỉ dạy mèo đi vệ sinh vài lần chúng tự khắc sẽ biết làm theo.[/su_box]
Khi mèo của bạn sử dụng khay vệ sinh một cách thích hợp, hãy thưởng cho chúng món ăn yêu thích để tạo sự liên kết tích cực với hoạt động này. Để mẹo dạy mèo đi vệ sinh này có hiệu quả, phần thưởng phải được đưa ra ngay sau khi chúng rời khỏi hộp để chúng liên kết hoạt động với phần thưởng.
e. Dọn dẹp khay cát mèo
Hầu hết các con mèo đều khó tính. Chúng dành nhiều thời gian để chải chuốt cho bản thân và đương nhiên chúng cũng thích nhà vệ sinh sạch sẽ hơn. Thử tưởng tượng bạn bước vào nhà vệ sinh công cộng và toilet không được sạch sẽ, bạn có sử dụng nó không? Hãy cố dọn dẹp và khử mùi khay cát mèo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để duy trì thói quen sử dụng thau cát ở mèo và là cách giúp mèo đi vệ sinh đúng chỗ. Nếu khay cát quá hôi, mèo sẽ đi bậy ra nhà.
– Mỗi ngày : Cố gắng xúc sạch hộp cát mèo. Thêm một ít cát mèo sạch sẽ để duy trì độ sâu của thau cát để mèo có nhiều chỗ để đào bới. Để khử mùi thau cát mèo hiệu quả, bạn có thể sử dụng biện pháp như trong hướng dẫn.
– Mỗi tuần: Đổ sạch cát mèo và bất kỳ chất cặn bã nào trong hộp, thay bằng cát mèo sạch.
– Mỗi tháng: Dọn sạch thau cát mèo và cọ rửa kỹ thau bằng nước nóng và xà phòng nhẹ, phơi khô.
f. Lưu ý khi dạy mèo đi vệ sinh đúng chỗ
– Nếu mèo không sử dụng thau cát mà đái ị bừa bãi, hãy bình tĩnh và dọn dẹp khu vực đó, giám sát mèo tốt hơn trong tương lai. Đảm bảo làm sạch khu vực này kỹ lưỡng, vì mèo có khứu giác rất nhạy bén và sẽ có nhiều khả năng đi bậy lại khu vực đó nếu bất kỳ mùi nước tiểu hoặc phân vẫn còn trên bề mặt.
Bạn không nên dùng nước tẩy để làm sạch chỗ mèo đi bậy vì mùi nước tẩy gần giống với mùi nước tiểu của mèo. Điều này sẽ khiến mèo nghĩ rằng đây là khu vực đi vệ sinh của nó và tiếp tục đi vào đó.
– Đừng trừng phạt mèo của bạn khi chúng mắc lỗi. Không bao giờ ấn mặt mèo xuống bãi phân hoặc nước tiểu, tấn công hoặc đánh chúng. Phạt thú cưng của bạn vì một hành động tự nhiên có thể khiến chúng nghĩ rằng chúng không bao giờ nên đi vệ sinh gần một người và khiến chúng trở nên bí bách hoặc sợ hãi về việc đi vệ sinh.
– Đánh giá và tìm ra các lý do mèo không sử dụng nhà vệ sinh mà đi bậy ra nhà. Ghi chú những lần mèo đi bậy, như:
- địa điểm (ngay bên cạnh hộp, trong phòng khác, gần cửa ra vào….)
- bề mặt ( dọc hoặc ngang, nhẵn, thảm, đồ giặt bẩn…)
- lượng nước tiểu hoặc phân (kích thước, tình trạng nhão hay khô…)
- tần suất, thời gian
Những chi tiết này có thể cung cấp thông tin chi tiết tuyệt vời để bạn hoặc thú y giúp giải quyết các vấn đề mèo không sử dụng cát mèo.
– Nếu con mèo của bạn thường xuyên ra vào khay vệ sinh, đứng hoặc ngồi xổm trong khay vệ sinh trong thời gian dài, tư thế hoặc đứng trong khay vệ sinh và kêu la đau đớn, đây đều là những trường hợp khẩn cấp và cần được chăm sóc thú y ngay lập tức.
2. Cách huấn luyện mèo đi vệ sinh vào bồn cầu
Mèo là loài động vật rất thông minh và chúng có thể được huấn luyện để làm nhiều việc. Ví dụ, bạn có thể dạy con mèo của mình “high-five”, hoặc chơi piano. Và bạn cũng có thể dạy mèo đi vệ sinh ở bồn cầu thay vì thau cát.
a. Ưu và nhược điểm
- Ưu điểm
– Không cần phải xúc cát mỗi ngày: Một trong những lý do chính khiến mọi người tìm cách dạy mèo đi vệ sinh vào toilet là giảm việc xử lý chất thải của chúng. Điều làm giảm nguy cơ tiếp xúc và mắc bệnh truyền từ động vật sang người, tiêu biểu là bệnh toxoplasmosis.
Tuy nhiên, nếu mèo bạn được nuôi trong nhà và ăn uống cẩn thận thì khả năng nhiễm ký sinh trùng này là rất thấp. Bạn cũng đỡ phải dọn dẹp nhà cửa vì mèo hất cát tràn lan ra nhà.
– Đỡ bị ảnh hưởng tới sức khỏe của mèo: cát mèo bentonite và cát mèo silica có liên quan đến các vấn đề hô hấp trên ở mèo cũng như được coi là chất gây ung thư cho cả người và mèo. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã tạo nên một ưu điểm cho việc huấn luyện mèo đi toilet.
– Thân thiện môi trường: Cát bentonite vón cục truyền thống không thể phân hủy sinh học và chiếm không gian trong các bãi chôn lấp. Ngoài ra, việc khai thác đất sét và silica đã phá hủy đất và thảm thực vật. Điều này gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
– Tiết kiệm tiền: Dạy mèo đi toilet giúp bạn tiết kiệm hơn. Bạn không phải tốn tiền mua thau cát và các cát mèo. Loại cát bentonite trung bình cũng đã chiếm đến 60.000/bịch. Chưa kể cát bentonite rất bụi, rất không tốt và xài rất tốn. Nếu bạn muốn mua loại cát tốt hơn như dạng có thể phân hủy sinh học được làm từ ngô hoặc giấy tái chế thì nó khá là đắt. Một bịch cát như vậy sẽ có giá tầm 130.000/bịch 2kg.
- Nhược điểm
– Đi ngược lại bản năng: Bản năng của mèo là đào bới và lấp chất thải sau khi đi vệ sinh. Đây là một cách quan trọng để xua đuổi những kẻ săn mồi bằng cách giấu mùi. Nếu bạn dạy mèo đi đi vệ sinh trong bồn cầu, bạn sẽ loại bỏ khả năng chôn lấp của chúng.
Ngay cả khi được huấn luyện dùng toilet, mèo vẫn sẽ cào bới vào khu vực xung quanh để thực hiện hành vi bản năng này. Nhưng việc không thể chôn chất thải của chúng có thể gây căng thẳng thêm, có thể dẫn đến tai nạn ngồi bồn cầu.
– Phải đảm bảo nắp bồn cầu luôn mở: đế dạy mèo đi vệ sinh bằng toilet, bạn luôn phải đảm bảo nắp bồn cầu luôn mở và nắp bệ ngồi bồn cầu luôn hạ để mèo có chỗ bám.
Nếu ai đó quên và đậy nắp xuống, mèo của bạn sẽ không thể đi vệ sinh được và chúng sẽ tìm ở một nơi khác, chẳng hạn như thảm, giày, giường hoặc chậu cây của bạn để làm cặn bẩn. Và nếu ai đó dựng bệ ngồi bồn cầu lên, con mèo của bạn có thể sẽ rơi xuống nước! Trên thực tế, mèo có thể dễ dàng rơi vào bồn cầu cho dù chúng có chỗ đậu hay không. Đây không phải là cách dạy mèo đi vệ sinh an toàn cho lắm.
– Con mèo bị căng thẳng: Nếu mèo của bạn cần đi vệ sinh và ai đó trong nhà đang dùng nhà vệ sinh, thì mèo sẽ làm gì? Chúng sẽ bị căng thẳng và sau đó tìm một nơi khác để đi… như thảm, giường, đồ giặt là của bạn hoặc một nơi nào khác có sẵn.
– Cách dạy mèo đi vệ sinh ở bồn cầu có thể khiến bạn có thể bỏ lỡ các triệu chứng bệnh tật của mèo. Nếu mèo đi tiểu (hoặc không) trong bồn cầu, bạn sẽ không biết tần suất hoặc khối lượng đi tiểu của chúng thay đổi khi nào.
Chúng có thể là một dấu hiệu quan trọng của một loạt các tình trạng y tế như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh tiểu đường, viêm bàng quang, đặc biệt là tắc nghẽn đường tiết niệu. Đây là tình trạng có thể khiến mèo tử vong nhanh chóng. Bạn nên biết được các dấu hiệu khi mèo bị tắt nghẽn đường tiểu để có những hành động kịp thời.
Mặt khác, những thay đổi này rất dễ phát hiện ở những con mèo sử dụng hộp vệ sinh. Việc phát hiện và hành động sớm hơn đối với bất kỳ vấn đề y tế nào có thể giúp mèo bớt đau đớn và khổ sở hơn, cũng như có cơ hội quản lý dễ dàng hơn và giảm chi phí cho bạn.
– Một số con mèo không thể dùng toilet: Việc huấn luyện mèo dùng toilet có thể hiệu quả đối với một con mèo trẻ, nhanh nhẹn, nhưng khi mèo bị đau chân, mèo già và / hoặc tăng cân, việc nhảy lên và giữ thăng bằng trên thành toilet có thể rất khó khăn. Nếu điều này trở thành rào cản đối thì mèo có thể bắt đầu tìm những nơi khác để đi tiểu và đi ị.
Và sau đó, bạn sẽ phải cho mèo ngừng sử dụng nhà vệ sinh và thay vào đó là dạy mèo đi vệ sinh vào thau cát, cụ thể là hộp có các cạnh thấp hơn.
– Dọn phòng tắm nhiều hơn: một số con mèo có niềm yêu thích với việc nghịch mọi thứ trong toilet. Chúng nghịch tung cuộn giấy vệ sinh, xả nước bồn cầu cả khi không sử dụng, vô tình xả vòi nước…
– Mặc dù không phải xúc cát hằng ngày giúp bạn hạn chế việc tiếp xúc với ký sinh trùng toxoplasmosis. Nhưng điều này không có nghĩa là việc dạy mèo đi vệ sinh đúng cách vào toilet sẽ hoàn toàn ngăn ngừa nguy cơ này.
Các phương pháp xử lý nước thải điển hình không tiêu diệt được những tế bào trứng nhiễm toxoplasmosis. Có nghĩa là ký sinh trùng và căn bệnh mà nó gây ra có thể xuất hiện ở các hồ, sông, suối và các vùng nước khác ở địa phương, nơi chúng có thể lây nhiễm và giết chết các động vật sống dưới nước.
Và nếu con mèo của bạn “lỡ đít” thả bom xuống bệ ngồi toilet, bạn và những người khác trong nhà cũng có thể gặp rủi ro do ô nhiễm noãn cầu của ký sinh trùng này!
b. Cách dạy mèo đi vệ sinh trong bồn cầu
Dạy mèo đi vệ sinh bồn cầu đúng cách không khó thực hiện. Nó chỉ đòi hỏi một số thời gian, sự kiên nhẫn và các công cụ phù hợp. Dưới đây là cách để mèo đi vệ sinh đúng chỗ trong 9 bước đơn giản. Quá trình dạy mèo đi vệ sinh này sẽ hình thành hành vi của mèo và chuyển chúng sang sử dụng nhà vệ sinh một cách nhẹ nhàng.
– Bước 1: Di chuyển hộp vệ sinh vào phòng tắm mà bạn muốn mèo cưng dùng toilet.
– Bước 2: Di chuyển dần hộp vệ sinh của mèo đến một chỗ ngay bên cạnh bồn cầu. Mỗi ngày, di chuyển hộp đến gần bồn cầu cho đến khi hộp nằm ngay sát bồn cầu. Đảm bảo mèo cảm thấy thoải mái khi sử dụng khay cát ở vị trí này.
– Bước 3: Nâng dần chiều cao của khay cát khoảng 3cm mỗi ngày, điều này giúp mèo học cách nhảy lên bệ ngồi bồn cầu mỗi khi cần xả thải. Mỗi lần nâng thì bạn hãy lấy 1 ít cát mèo ra khỏi khay. Cố định hộp vệ sinh chắc chắn để nó không di chuyển khi mèo nhảy lên.
– Bước 4: Khi khay cát ngang bằng với bồn cầu, hãy đặt khay cát lên trên bệ ngồi bồn cầu. Để nó ở đó trong vòng vài ngày. Tiếp tục lấy cát mèo ra khỏi hộp cho đến khi chỉ còn một lớp cát mèo mỏng, không quá 3cm.
– Bước 5: Thay thế thau cát bằng một “bộ huấn luyện mèo đi vệ sinh”. Đảm bảo bộ kit dạy mèo đi vệ sinh có thể giữ được trọng lượng của mèo. Bạn có thể mua dụng cụ huấn luyện mèo đi toilet có sẵn trên thị trường.
– Bước 6: Cho mèo vài ngày để quen với việc loại bỏ trong khay dạy mèo đi vệ sinh. Một khi chúng không gặp tai nạn, đã đến lúc bắt đầu chuyển đổi.
- Nếu bạn đang sử dụng bộ huấn luyện mèo đi vệ sinh bồn cầu, hãy gỡ dần dần các thanh nhựa để tạo lỗ lớn hơn.
- Nếu bạn đang sử dụng vỏ nhôm, hãy dùng tua vít để khoét một lỗ ở đáy. Mỗi ngày, hãy làm cho lỗ lớn hơn một chút.
- Giảm dần số lượng cát mèo mà bạn đang sử dụng. Mỗi lần mèo thải ra trong khay, hãy thay cát mèo bằng một lượng nhỏ hơn một chút so với trước đây.
– Bước 7: Tháo ghế huấn luyện. Sau khoảng hai tuần tăng kích thước của lỗ hoặc khay huấn luyện mèo đi vệ sinh, bạn có thể tháo hộp huấn luyện hoàn toàn. Giờ đây, mèo của bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi tống thẳng vào bồn cầu thay vì vào thau cát.
– Bước 8: Xả toilet sau mỗi lần mèo đi vệ sinh. Bạn có thể dạy mèo giật nước mỗi lần đi xong, nhưng đôi khi chúng thích thú và xả nước quá mức cần thiết.
– Bước 9: Thưởng cho mèo của bạn. Khen thưởng cho mèo khi hoàn thành tốt công việc là điều cần thiết để chúng thành công.
3. Tổng kết
Nhà vệ sinh cho mèo được sử dụng nhiều hơn vì chúng có hiệu quả. Chúng hấp dẫn bản năng tự nhiên của mèo là chôn chất thải và làm cho môi trường xung quanh có mùi giống như chúng. Những nơi có mùi giống chúng, bao gồm cả khay cát, giúp mèo của bạn cảm thấy như ở nhà.
Nếu bạn dạy mèo đi vệ sinh trên bồn cầu, bạn không chỉ yêu cầu chúng làm điều gì đó tương đối xa lạ mà còn lấy đi sự thoải mái của chúng. Vì lý do này, mèo có thể thực hiện các hành vi bất thường sau khi bắt đầu tập dùng toilet. Chúng có thể cào vào bồn cầu, đẩy đồ vật vào bồn cầu hoặc thậm chí đi tiểu ở những nơi khác trong nhà.
Cuối cùng, quyết định dạy mèo đi vệ sinh ở đâu hoàn toàn phụ thuộc vào lối sống và tính cách của mèo. Lượng thời gian bạn phải dành cho khay cát, các nguồn lực có sẵn và liệu mèo có chịu tập đi vệ sinh hay không.
- Nếu bạn có một nhà vệ sinh trong nhà hiếm khi được sử dụng, thì bạn có thể dạy mèo đi vệ sinh ở đó.
- Nếu bạn không có tiền để chi tiêu cho cát mèo hoặc quá cực khi phải dọn thau cát, thì có thể cho dạy mèo đi vệ sinh vào toilet.
- Nhưng nếu mèo của bạn lo lắng hoặc không thích thay đổi thì tốt hơn là bạn nên gắn bó với khay cát.
Tuy nhiên, bạn không phải hoàn toàn lựa chọn giữa cái này hay cái kia. Bạn có thể dạy mèo đi vệ sinh vào bồn cầu; nhưng hãy để sẵn khay cát cho chúng. Có thể là một cách tốt để giảm bớt việc sử dụng hộp vệ sinh, giảm bớt số lưần bạn dọn dẹp nó, trong khi vẫn giữ được sự thoải mái mà hộp vệ sinh mang lại.