Bệnh herpes ở mèo (FHV): cách nhận biết, triệu chứng và điều trị

Tương tự như Calicillin virus, bệnh herpes ở mèo (FHV mèo) là một trong những loài virus gây bệnh viêm đường hô hấp cho mèo. Bệnh này rất dễ lây lan từ mèo qua mèo.

1. Bệnh herpes ở mèo là bệnh gì?

Bệnh herpesvirus trên mèo, FHV mèo còn được gọi là viêm mũi khí quản truyền nhiễm (FVR), được gây ra bởi virus herpes Feline herpesvirus (FHV, FHV-1). Đây là một loại virus rất dễ lây lan, là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) hoặc cúm mèo. Virus này có mặt khắp nơi, đặc biệt là ở mèo hoang.

Bệnh herpes ở mèo là nguyên nhân chính gây bệnh đường hô hấp trên ở mèo, và là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm kết mạc (viêm các mô xung quanh mắt, đặc biệt là niêm mạc của mi và mi mắt thứ ba).

calicivirus ở mèo

2. Bệnh herpes ở mèo lây lan như thế nào?

Herpes virus ở mèo (FHV mèo) dễ dàng lây truyền giữa những em mèo thông qua:

  • Tiếp xúc trực tiếp: thông qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mắt hoặc mũi.
  • Hít phải những giọt hắt hơi.
  • Dùng chung bát thức ăn và nhà vệ sinh cho mèo.
  • Môi trường sống bị nhiễm virus (bao gồm cả giường và dụng cụ chải chuốt). Dù vậy lý do này không nghiêm trọng như bệnh FCV, bởi bệnh herpes ở mèo chỉ tồn tại trong môi trường từ 1-2 ngày. FCV cũng là một loại virus gây ra cúm mèo, bạn có thể tìm hiểu thêm về triệu chứng của bệnh FCV để phân biệt giữa 2 loại bệnh.

Sau khi mèo bị nhiễm virsu herpes, hầu như tất cả mèo sẽ bị nhiễm lại (virus vẫn tồn tại trong các tế bào thần kinh). Điều này có nghĩa là những em mèo đã bị nhiễm bệnh có khả năng phải mang vi rút suốt đời, ở dạng không hoạt động trong cơ thể của chúng.

Mèo bị viêm kết mạc do bệnh herpes ở mèo

Căng thẳng, bệnh tật hoặc khi hệ thống miễn dịch của chúng bị ức chế (ví dụ, sau khi sử dụng corticosteroid), có thể khiến virus tái hoạt động và nếu virus tái hoạt động, mèo sẽ lại bị lây nhiễm. Trong phần lớn các trường hợp, mèo sẽ xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp khi virus được kích hoạt trở lại. Tuy nhiên, không phải tất cả những con mèo bị nhiễm lại bệnh FHV ở mèo sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

3. Triệu chứng Herpes ở mèo

Một khi mèo bị herpes, chúng thường sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh trong 2-5 ngày (thời kỳ ủ bệnh). Con mèo có thể lây nhiễm cho những con mèo khác trong thời gian ủ bệnh này. Trong hầu hết các trường hợp, một khi các triệu chứng xuất hiện, tình trạng nhiễm trùng sẽ kéo dài khoảng 10-20 ngày.

Các triệu chứng, biểu hiện của bệnh herpes ở mèo gồm:

– Nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) cấp tính là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh herpes ở mèo. Triệu chứng bệnh nhiễm trùng hô hấp ở mèo: viêm kết mạc, chớp mắt quá nhiều, nheo mắt chảy nước mắt, hắt hơi, chảy nước mũi (có thể có mủ vàng/xanh), nghẹt mũi, chảy nước miếng, viêm họng, lờ đờ, sốt và đôi khi ho.

Các dấu hiệu của bệnh hô hấp ở mèo kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và tình trạng nhiễm virus thường tiếp diễn trong khoảng 3 tuần. các triệu chứng lâm sàng của bệnh herpes ở mèo thường nặng hơn so với bệnh calicivirus ở mèo.

Bệnh herpes ở mèo ảnh hưởng nặng tới mèo con

– Viêm kết mạc và viêm giác mạc (nhiễm trùng và viêm giác mạc – phần ở phía trước mắt): tương đối hiếm gặp. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm giác mạc nhưng bệnh herpes ở mèo gây ra sự phát triển của nhiều vết loét giác mạc phân nhánh nhỏ (gọi là viêm giác mạc đuôi gai). Trong trường hợp nhiễm trùng mãn tính hoặc nặng, viêm giác mạc có thể dẫn đến sẹo giác mạc hoặc ‘khô mắt’ mãn tính.

– Viêm da liên quan đến FHV mèo: đây là biểu hiện hiếm gặp của bệnh herpes ở mèo mãn tính. Điều này thường thấy nhất xung quanh mũi và miệng, nhưng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác như chân trước.

4. Làm thế nào chẩn đoán mèo bị herpes?

Trong hầu hết các trường hợp, một chẩn đoán cụ thể về bệnh herpes ở mèo sẽ không cần thiết. Sự xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm hô hấp ở mèo (URI như trên) là đủ để chẩn đoán nhiễm FHV mèo (và/hoặc bệnh FCV).

Nếu cần chẩn đoán cụ thể, bác sĩ có thể gửi gạc mắt hoặc miệng đến phòng thí nghiệm thú y nơi virus có thể được nuôi cấy hoặc thông thường hơn là phát hiện bằng PCR (một kỹ thuật phân tử để phát hiện vật liệu di truyền của virus). Hoặc họ có thể dùng que test bệnh herpes ở mèo, phương pháp này nhanh nhưng không chính xác bằng cách trên.

Bạn cũng có thể tự test bệnh herpes cho mèo bằng cách dùng que test thử bệnh FHV cho mèo tại nhà.

5. Cách điều trị bệnh mèo bị herpes

Cách chữa trị bệnh herpes ở mèo: Mèo bị nhiễm trùng không biến chứng do FHV thường sẽ được điều trị theo triệu chứng. Việc điều trị herpes ở mèo sẽ được xác định dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và vấn đề cụ thể mà mèo của bạn gặp phải.

– Nhiễm FHV mèo thường phức tạp do nhiễm vi khuẩn thứ cấp, vì vậy điều trị hỗ trợ bằng kháng sinh thường được áp dụng, đặc biệt là ở mèo con bị herpes.

– Chăm sóc điều dưỡng là rất quan trọng. Mèo có thể cần phải nhập viện để điều trị truyền dịch và hỗ trợ dinh dưỡng trong trường hợp nặng.

– Xông mũi hoặc xông hơi có thể được dùng trong trường hợp mèo bị nghẹt mũi nghiêm trọng. Hoặc bạn có thể tăng độ ẩm trong môi trường, như đưa mèo vào phòng tắm ướt trong 10-15 phút nhiều lần mỗi ngày.

Vì mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp sẽ giảm khứu giác, chúng thường sẽ chán ăn. Bạn hãy cho mèo ăn thức ăn đóng hộp hoặc thức ăn tươi có mùi thơm và ngon miệng để giúp cải thiện sự thèm ăn của chúng. Trong một số trường hợp, thuốc kích thích thèm ăn có thể được kê đơn.

– Nhiễm trùng mắt có thể được điều trị bằng thuốc bôi mắt. Điều cực kỳ quan trọng là phải điều trị tích cực các vết loét giác mạc để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho mắt. Mèo bị nhiễm trùng kết mạc FHV tái phát thường sẽ phải điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng virus hoặc thuốc uống chống virus như famciclovir (biệt dược Famvir®).

– Nếu mèo bị mất nước, suy nhược hoặc mắc bệnh nặng, bác sĩ thú y sẽ đề nghị nhập viện để được điều trị chuyên sâu hơn, bao gồm truyền dịch tĩnh mạch và các phương pháp điều trị hỗ trợ khác.

Thuốc điều trị bệnh herpes ở mèo

– Không giống như FCV, với bệnh herpes ở mèo, một số loại thuốc chống virus có thể giúp ích trong việc kiểm soát các biểu hiện lâm sàng của bệnh:

  • Thuốc kháng virus toàn thân: Famciclovir là một loại thuốc chống virus herpes ở người đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả ở mèo. Nó có thể kiểm soát nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng virus tại chỗ: idoxuridine, trifluridine và cidofovir. Đây đều là những thuốc chống virus ở người có thể được sử dụng để chữa trị triệu chứng viêm kết mạc và viêm giác mạc do bệnh herpes ở mèo (thuốc nhỏ mắt) .
    Một số loại thuốc này phải được dùng rất thường xuyên (vài lần mỗi ngày) và chúng có thể được kết hợp với interferon tại chỗ để tăng cường hiệu quả.

– Nếu bạn nuôi nhiều hơn 1 con mèo, hãy cách ly hoàn toàn mèo bị nhiễm virus bệnh herpes ở mèo để tránh lây lan. Phải đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt bằng cách khử trùng, sử dụng bát đựng thức ăn riêng, hộp đi vệ sinh, dụng cụ…riêng.

Hãy rửa tay cẩn thận, thay quần áo tắm rửa sạch sẽ sau khi tiếp xúc với mèo nhiễm bệnh. Sau khi chạm vào một con mèo bị nhiễm bệnh, rửa bằng xà phòng và nước (đảm bảo làm sạch phần dưới móng tay bằng bàn chải móng tay), sau đó xịt cồn lên tay.

6. Cách phòng ngừa bệnh herpes ở mèo

– Cách phòng ngừa bệnh herpes mèo tốt nhất là tiêm ngừa. Hiện nay ở Việt Nam có vaccine phòng 4 bệnh (bao gồm bệnh FHV). Để biết khi nào nên chích vaccine và chích liều lượng như thế nào, bạn nên đọc thêm “Các lưu ý khi chích ngừa cho mèo” để có kết quả tốt nhất.

Lưu ý rắng việc tiêm vắc-xin không hoàn toàn ngăn ngừa nhiễm trùng trên mèo, nhưng sẽ làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh. Không giống như FCV, cho đến hiện tại chỉ có một chủng bệnh herpes ở mèo, do đó việc tiêm phòng không phức tạp bởi sự tồn tại của các chủng khác nhau.

bệnh giảm bạch cầu ở mèo

– Tránh cho mèo bạn đi hoang hoặc cho tiếp xúc với mèo mà bạn không rõ là chúng có mang virus hay không.

– Hạn chế gửi mèo, nếu bắt buộc phải gửi, hãy gửi chúng tại những chỗ không có uy tín. Hoặc nếu bẹn không đi xa quá lâu, bạn có thể để chúng ở nhà 1 vài ngày. Để làm điều này, bạn cần phải biết cách để mèo ở nhà một mình để không khiến chúng bị lạ lẫm hoặc cơ đơn.

– Bạn nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh, chẳng hạn như rửa tay sạch sẽ trước và sau khi vuốt ve một con mèo khác, sẽ giảm thêm khả năng truyền bệnh lây lan giữa các con mèo.

7. Các câu hỏi thường gặp

– Virus FHV mèo có thể sống trong môi trường bao lâu?

Khi nước bọt hoặc chất thải khác từ mèo bị nhiễm bệnh làm ô nhiễm môi trường, virus có thể tồn tại trong vật liệu miễn là vật liệu đó vẫn ẩm. May mắn thay, dịch tiết thường khô đi trong một khoảng thời gian khá ngắn, và khi dịch tiết khô đi, virus sẽ chết.

Các hạt virus dính vào tay hoặc các bề mặt da khác thường lây nhiễm trong khoảng nửa giờ, trong khi các vật dụng bị ô nhiễm như bát đựng thức ăn hoặc nước, hộp vệ sinh cho mèo con, chăn, khăn lau và đồ chơi cho mèo sẽ bị lây nhiễm miễn là dịch tiết trên chúng vẫn ẩm. Trong điều kiện bình thường, chất tiết sẽ khô lại sau vài giờ.

– Làm thế nào để diệt virus?

Virus dễ dàng bị tiêu diệt trong môi trường bằng chất khử trùng, miễn là chất khử trùng tiếp xúc với tất cả các bề mặt bị ô nhiễm. Dung dịch thuốc tẩy (1 phần thuốc tẩy thông thường với 32 phần nước) là chất khử trùng hiệu quả để khử trùng bề mặt hoặc sử dụng trên các vật thể có thể tẩy trắng.

Các đồ vật bị nhiễm virus FHV nên được ngâm trong dung dịch thuốc tẩy trong tối thiểu 5 phút. Chăn hoặc đồ chơi cũng có thể được khử trùng bằng cách giặt máy thông thường bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Những vật không thể tẩy trắng có thể được khử nhiễm bằng cách rửa kỹ với nhiều nước và xà phòng.

Đồ nội thất bọc đệm có thể được khử nhiễm bằng cồn, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, đồ nội thất chỉ đóng vai trò là nguồn vi rút trong một thời gian ngắn sau khi bị mèo nhiễm bệnh.

Những con mèo nào có nguy cơ nhiễm FHV cao nhất?

Tất cả mèo đều có thể bị nhiễm bệnh herpes ở mèo, nhưng nhiễm trùng có xu hướng nặng hơn ở động vật non hoặc động vật mắc bệnh mãn tính khác. Mèo con được sinh ra bởi một con mèo đang mang mầm bệnh herpes tiềm ẩn có thể bị nhiễm bệnh sau khi sinh. Ở những chú mèo con này, các triệu chứng thường phát triển vài tuần sau khi sinh và tình trạng nhiễm trùng có thể rất nghiêm trọng.

Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên ở những con mèo chưa được tiêm phòng, hoặc có các vấn đề cơ bản mãn tính. Mèo trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ chỉ phát triển một trường hợp bệnh nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

– Bệnh herpes ở mèo có thể chữa được không?

Bệnh herpes ở mèo có thể chữa trị, tuy nhiên phần lớn mèo sẽ tái nhiễm về sau. Mục tiêu điều trị là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát. Hầu hết mèo đều đáp ứng tốt với việc quản lý y tế về tình trạng bệnh và có cuộc sống bình thường.

Bệnh herpes ở mèo có khả năng lây lan qua những con mèo khác, bạn cần cách ly mèo nhiễm bệnh ngay lập tức và lau chùi vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm.

Tổng kết

Bệnh herpes ở mèo là một trong những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở mèo. Cùng với FCV, bệnh FHV mèo thường gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp trên, hay còn gọi là cúm mèo. Bệnh thường bị lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với virus và gây ra các triệu chứng như là:
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Viêm kết mạc
  • Viêm da
Tuy bệnh không nghiêm trọng, nhưng nó có thể khiến mèo bị tái đi tái lại nhiều lần. Cách phòng bệnh tốt nhất cho mèo chính là chích vaccine. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phòng tránh hoàn toàn. Mèo vẫn có khả năng bị bệnh cho dù đã chích ngừa, nhưng nếu mắc bệnh, tình trạng bệnh của chúng sẽ nhẹ hơn. Bạn cần hạn chế cho mèo tiếp xúc với mèo lạ và tránh gây căng thẳng cho chúng.
Tác giả
Mi Mèo Mập

Tôi là Mi Mèo Mập, là người tạo ra website Tả Pí Lù. Là một người hay nghiên cứu về động vật, tôi muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích, được tổng hợp từ các website nước ngoài uy tín và từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ có được thông tin mình cần, và đưa ra những lựa chọn đúng đắn để giúp bé cưng của mình sống thật khỏe mạnh và hạnh phúc.

error: Content is protected !!